Thanh Hóa làm theo lời Bác dạy

Đăng lúc: 08:16:05 20/02/2019 (GMT+7)

Ngày 20-2-1947 mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Thanh Hóa, đó là niềm hạnh phúc, vinh dự và sự tự hào được đón Bác về thăm lần đầu. Chỉ sau 2 tháng ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, giữa lúc việc nước ngổn ngang, bề bộn, ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc “Kinh lý đặc biệt” lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa.

177d3075900t12062l0.jpg
Lãnh đạo và nhân dân, học sinh TP Thanh Hóa báo công dâng Bác. Ảnh: L.H

Gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, nhân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Bác giao nhiệm vụ: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Chia tay trong lần gặp ấy, Bác nhắn gửi tha thiết với lời hẹn ngày trở lại: Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người dân Thanh Hóa là một người “kiểu mẫu”.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với trọng trách hậu phương lớn, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã tổ chức và thực hiện tốt các phong trào thi đua, dồn sức cho kháng chiến và kiến quốc. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ hậu phương Thanh Hóa, từng đoàn dân công gánh bộ, hàng đoàn xe đạp thồ tầng tầng, lớp lớp hồ hởi ra trận. Các chiến dịch Thượng Lào (1953), Đông Xuân (1953-1954), chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”,... đều có sự đóng góp công sức rất lớn của người dân Thanh Hóa.

Mười năm sau ngày lần đầu tiên về thăm, ngày 13-6-1957, nhân dân Thanh Hóa vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ 2. Người đã ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong vai trò hậu phương lớn của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Người nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc, tháng 7-1960, Bác về thăm Thanh Hóa lần thứ 3, đến nói chuyện tại Đại hội Đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ VI và về thăm Sầm Sơn. Trong thời điểm cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, tháng 12-1961, Bác về thăm Thanh Hóa lần thứ 4, Bác căn dặn: “Cán bộ, đảng viên và đoàn viên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô..., ra sức phát triển và củng cố Đảng và Đoàn, đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ”. Hình ảnh Người bắt nhịp bài ca kết đoàn cho hơn 2 vạn cán bộ, đảng viên, nhân dân Thanh Hóa tại Sân vận động tỉnh ngày 12-12-1961 là nguồn cổ vũ, động viên, sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, quyết tâm cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ.

Đáp lại tình cảm sâu nặng, sự kỳ vọng của Bác, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, kiến thiết kinh tế - xã hội, trực tiếp chiến đấu, ra sức chi viện lớn nhất cho miền Nam ruột thịt. Với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”, nhân dân Thanh Hóa đã tích cực lao động sản xuất, chắt chiu từng hạt gạo, từng tấm vải, từng cân lương thực, thực phẩm gửi ra chiến trường; anh dũng bám đất, bám làng, phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt các đợt tập kích của đế quốc Mỹ, bảo vệ thành quả xây dựng CNXH, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đẩy mạnh CNH, HĐH, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Từ một địa phương thường xuyên thiếu lương thực, nhiều năm qua, Thanh Hóa không những đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, mà còn có một phần lương thực hàng hóa; các vùng sản xuất cây nguyên liệu phát triển ổn định; cơ giới hóa trong nông nghiệp được đẩy mạnh; một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều trang trại chăn nuôi tập trung được hình thành. Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng và đạt kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Trong xu thế hội nhập, với các cơ chế, chính sách rộng mở, thông thoáng, Thanh Hóa đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, góp phần đắc lực vào việc thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển. Nhiều công trình công nghiệp, kinh tế, hạ tầng du lịch được đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả như: Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Khu du lịch FLC, Cảng Hàng không Thọ Xuân... Các hoạt động văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.

Chỉ tính riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 15,16%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt 23.464 tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay, thuộc nhóm 3 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện, 284 xã và 567 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 16 tiêu chí, cao hơn bình quân chung của cả nước. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, với công cuộc đổi mới ngày càng được củng cố vững chắc. Những thành tựu nói trên đã và đang tạo đà, tạo thế cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà vững bước đi lên trong chặng đường tới. Ghi nhận những công lao to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đến nay toàn tỉnh đã có 4.635 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 206 tập thể, 94 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 13 tập thể và 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; năm 2015 tỉnh Thanh Hóa vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đây là phần thưởng cao quý, nguồn động viên to lớn, tạo động lực để Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa tiếp tục làm theo lời Bác, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Để xứng đáng với những tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, trong thời gian tới Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt những lời Bác căn dặn, với những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả và hoàn thành tốt 5 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình phát triển du lịch; Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện 4 khâu đột phá là: Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc...; ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, TP Thanh Hóa và các trục giao thông kết nối các vùng kinh tế động lực. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu đại hội quyết định. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước.

Hai là: Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ba là: Tích cực giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chăm lo cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt chính sách người có công; giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Bốn là: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển, ổn định chính trị; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và chế độ XHCN; ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Năm là: Tăng cường xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ. Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nội dung chuyên đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ quan, đơn vị, tập thể và cá nhân kiểu mẫu; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự là những người có “tâm”, có “tầm”, thực hiện nhất quán “nói đi đôi với làm”, hết lòng phấn đấu vì lợi ích nhân dân, tạo được niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của mọi tầng lớp nhân dân vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Sáu là: Phải quán triệt sâu sắc bài học “Lấy dân làm gốc” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, đồng thời giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong cán bộ, công chức và toàn xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; xem xét, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân, đi liền với đó là phải giải quyết nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, tiếp tục đấu tranh quyết liệt với tệ nạn tham ô, tham nhũng. Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững.

Dù còn đó không ít khó khăn, thử thách nhưng với tất cả tấm lòng thành kính với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, cán bộ, đảng viên, quân và dân Thanh Hóa nguyện sẽ tiếp tục khắc sâu và thực hiện thắng lợi lời căn dặn của Bác Hồ, tăng cường đoàn kết, nhất trí, phát huy tốt mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước, nêu cao quyết tâm xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành kiểu mẫu như Bác hằng mong muốn, xứng đáng với truyền thống lịch sử 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. 
Nguồn: baothanhhoa.vn
Tin nổi bật
Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại-Bài 3: Nuôi dưỡng, vun trồng...Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại-Bài 3: Nuôi dưỡng, vun trồng ...
Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại-Bài 2: Vì sao dễ đánh mất mình?Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại-Bài 2: Vì sao dễ đánh mất ...
Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại - Bài 1: Kiếm tiền theo kiểu......Người trẻ và cán cân lý tưởng - đồng tiền trong nhịp sống hiện đại - Bài 1: Kiếm tiền theo ...
Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát triển của...Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát ...
Tự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của ĐảngTự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng