Ngành y tế tập trung khắc phục hậu quả, xử lý môi trường do lũ lụt gây ra

Đăng lúc: 20:49:25 03/09/2018 (GMT+7)

Sau đợt lũ lụt, với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, các địa phương trong tỉnh đang huy động người và phương tiện khắc phục ô nhiễm môi trường, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

 
Ngành Y tế huyện Thạnh Thành hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sau lũ lụt. 

 

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Trung tâm Y tế các huyện, đến thời điểm này, tại huyện Quan Hóa có 245 hộ/11 xã bị ngập lụt, trong đó có 4 trạm y tế (xã Thanh Xuân, Thành Sơn, Trung Thành, Phú Lệ), 3 bộ máy vi tính, tủ bảo quản vắc xin, tủ lạnh, nồi hấp sấy bị hư hỏng. Tại huyện Cẩm Thủy có 3.632 hộ, 3.450 giếng nước, 3.220 công trình vệ sinh của 13 xã bị ngập lụt; tại huyện Yên Định có 461 giếng nước, 874 nhà tiêu, 162 chuồng trai của 11 thôn/8 xã bị ngập lụt; tại huyện Thạch Thành có 1.255 hộ của 10 xã có nguồn nước bị ngập lụt; tại TP Thanh Hóa có 70 giếng nước và công trình cấp nước, 66 công trình vệ sinh, 42 chuồng gia súc của 6 phường bị ngập lụt…
 
Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý vệ sinh môi trường đến đó, những ngày vừa qua, ngành y tế đã tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị huy động mọi lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra. Các đơn vị y tế tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Các đơn vị cấp cứu tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn khi có yêu cầu. Đặc biệt, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tập trung cao độ cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. 
 
Ngay khi nước rút, nhiều hộ dân xã Cẩm Sơn (Cẩm Thủy) đã bắt đầu thu dọn, rửa nhà cửa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
 
Theo đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã rà soát, chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hoá chất, phương tiện phục vụ cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch. Đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị y tế triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút; tổ chức giám sát, hỗ trợ tuyến dưới xử lý các ổ dịch bệnh truyền nhiễm. Đến nay, tất cả các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn tỉnh đều đang thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó.
 
Tại huyện Thạch Thành, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế hướng dẫn nhân dân thu dọn vệ sinh môi trường, tiến hành làm công tác tiêu độc khử trùng, khử khuẩn nguồn nước bằng CloraminB và phèn; cử cán bộ xuống các địa bàn bị ngập lụt bán sát chỉ đạo trạm y tế hướng dẫn nhân dân thu dọn vệ sinh, tiến hành khử khuẩn nguồn nước bằng CloraminB và phèn cho nhân dân lấy nước sinh hoạt; vận động nhân dân thu gom rác thải, xác chết động vật xử lý đúng quy định; chỉ đạo các trạm y tế tổ chức tuyên truyền các phòng chống các bệnh thường gặp trong, sau lũ lụt… Tính đến 10 giờ 30 phút ngày 3-9, đã có 1.030 nguồn nước, 1.034 công trình vệ sinh được xử lý; đã xử lý thanh khiết môi trường cho 1.034 hộ nước đã rút hết...
 
Xã Thành Trực (Thạch Thành) ra quân xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt.
 
Tại huyện Yên ĐỊnh, Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát đủ lượng hóa chất tiêu độc, khử trùng về cho các xã để tiến hành tiêu độc khử trùng, vệ sinh nhà ở, chuồng trại chăn nuôi và thau rửa nguồn nước. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết năm nay, huyện đã đề nghị Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp thêm hóa chất CloraminB và cơ số thuốc phòng chống lụt bão để bảo đảm không bùng phát dịch bệnh sau lũ lụt.
 
Ông Phạm Ngọc Thơm, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định: Đến nay các đơn vị cùng các địa phương tập trung phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và cứu trợ nhân dân sau lũ theo phương châm nước rút đến đâu tập trung xử lý đến đó, không để ổ bệnh và dịch bệnh bùng phát. Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ, tổ chức thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau khi nước rút, chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Các đơn vị y tế cung cấp CloraminB cho nhân dân nhằm khử trùng nguồn nước, thu gom và xử dụng vôi bột hoặc hóa chất sẽ xử lý xác động vật, tránh phát sinh các bệnh truyền nhiễm. Trước đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế sẵn sàng cho công tác sơ cấp cứu cho người dân và chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau ngập úng, bảo đảm người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe chu đáo. Trung tâm đã cấp vật tư phòng chống dịch bệnh, phòng chống lụt bão năm 2018 cho các địa phương, gồm: 4.795 kg và 119.000 viên CloraminB, 2.040 hộp Aquatabs, 6.150 kg phen chua, 1.070 hóa chất permethrin 50EC, 1.285 trang phục phòng chống dịch 1 lần….
 
Cùng với việc tiếp tục cử cán bộ bám các các địa bàn để khử khuẩn nguồn nước, làm sạch môi trường, giám sát, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, ngành y tế sẽ tiến hành phân bổ kịp thời hóa chất, thuốc men thiết yếu cho các địa phương, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, nhất là các vùng bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua; các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh, góp phần đảm đảm sức khỏe, giúp người dân trên các địa bàn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Tin nổi bật
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024
TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN
Như Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệpNhư Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp
Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹpĐại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp