Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Góp phần tạo dựng diện mạo văn hóa mới

Đăng lúc: 08:47:50 07/12/2018 (GMT+7)

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ra đời và được triển khai thực hiện gần 2 thập kỷ qua, đã tạo ra một “luồng gió mới” ở nhiều địa phương, trở thành phong trào tổng hợp, gắn kết chặt chẽ các ngành, các lĩnh vực. Những kết quả đạt được từ phong trào đã góp phần tạo dựng diện mạo văn hóa mới trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

Lễ hội truyền thống Xuân Phả. 

Nhiều chuyển biến tích cực

Phong trào TDĐKXDĐSVH được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những giải pháp trọng tâm, nhằm nâng cao ý thức của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp về mục đích, ý nghĩa của phong trào trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như xây dựng nhân cách, đạo đức con người Việt Nam. Đồng thời, vận động người dân phát huy truyền thống tốt đẹp trong văn hóa dân tộc, từng bước giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng làng, thôn, ấp, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Phong trào ra đời đã tạo ra một “luồng gió mới” ở nhiều địa phương, trở thành phong trào tổng hợp, gắn kết chặt chẽ các ngành, lĩnh vực, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, ở nhiều nơi, phong trào TDĐKXDĐSVH đã thực sự đi vào đời sống, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống tương thân tương ái... đã góp phần tạo dựng diện mạo văn hóa mới trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

Quá trình triển khai phong trào, nhiều địa phương đã và đang có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế và văn hóa từng dân tộc. Huyện Hoằng Hóa là một trong những địa phương triển khai tương đối hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH, đặc biệt là khi gắn phong trào với quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, phong trào xây dựng xã, thôn, làng, khu phố văn hóa và gia đình văn hóa phát triển ngày càng sâu rộng, chất lượng và hiệu quả ngày càng nâng cao. Đến nay, toàn huyện đã có 28 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (chiếm 67%), 177 làng, thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 80%), 42.000 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 77,6%). Cùng với đó, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cũng có nhiều bước phát triển mới, với gần 200 câu lạc bộ hát chèo, dưỡng sinh, cầu lông, bóng bàn... hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, địa phương đã huy động các nguồn vốn hợp pháp và dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa nông thôn mới, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân. Đến nay, toàn huyện đã có 41/43 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 365/370 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, với tổng kinh phí huy động xây dựng khoảng 350 tỷ đồng, trong đó, huy động các nguồn lực đóng góp trong nhân dân là 100 tỷ đồng... Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và coi người dân là chủ thể sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, mà đời sống văn hóa cơ sở trong nông thôn mới trên địa bàn huyện đã và đang có bước chuyển tích cực, tạo ra sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp.

Nhìn trên diện rộng, phong trào TDĐKXDĐSVH được triển khai trong suốt 18 năm qua ở tỉnh ta (bắt đầu từ năm 2000), đã và đang tạo ra những bước chuyển tích cực và sức lan tỏa rộng khắp. Từ đó, tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cũng như góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, phong trào TDĐKXDĐSVH đã có sự kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc và kế thừa các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa trong xây dựng nếp sống văn hóa mới. Trong đó, xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến được xem là một “hạt nhân” cơ bản, nhằm tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong từng cá nhân về mục đích, ý nghĩa của phong trào. Qua gần 2 thập kỷ triển khai, đã có hàng ngàn cá nhân và hàng trăm tập thể trở thành những điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực. Cũng chính họ đã trở thành những tấm gương tiêu biểu “người tốt”, “việc tốt”, tạo động lực khơi dậy, phát huy tài năng, trí tuệ của cá nhân và tập thể trong học tập, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị, làng, bản.

Cùng với đó, các phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị cũng được triển khai rộng khắp và là một nội dung trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 744.378/942.251 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 79%); 4.396/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 72,9%); 276/577 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 20/58 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (chiếm 34,4%)... Ngoài ra, các cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư; xây dựng đời sống văn hóa trong các đoàn thể; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, cũng đã và đang tạo thành những phong trào thi đua sôi nổi trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Điển hình như đoàn thanh niên đã cụ thể hóa phong trào TDĐKXDĐSVH trong “Xây dựng văn minh đô thị”, “Cưới theo nếp sống mới”, “Đền ơn đáp nghĩa”... Từ đó, thanh niên trở thành lực lượng xung kích, gương mẫu thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và các quy ước của cộng đồng; đảm nhận 143.300 công trình, phần việc thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội; vận động quyên góp, sửa chữa, xây mới gần 3.000 nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, người có công và gia đình khó khăn...

Vẫn còn những băn khoăn

Xây dựng con người văn hóa trở thành một trọng tâm xoay quanh cái “trục” văn hóa; và văn hóa phải tạo ra mắt xích gắn kết hai yếu tố con người - kinh tế để tạo nên sự phát triển hài hòa. Đây là 2 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đặt ra trong quá trình xây dựng nền văn hóa vừa “tiên tiến”, vừa “đậm đà bản sắc” hiện nay. Trong thực tế, không ít người băn khoăn rằng, vì sao kinh tế càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn? Các giá trị đạo đức trong gia đình và xã hội càng có biểu hiện suy đồi? Con người bị tha hóa trước cám dỗ vật chất?... Sau rất nhiều lập luận và kiến giải được đưa ra, người ta lại quy về nguyên nhân và giải pháp mang tên “văn hóa”; hay lấy văn hóa làm “nền tảng”, làm “nguồn sức mạnh nội sinh” cho phát triển bền vững, như tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nhấn mạnh.

Quan trọng là vậy, nhưng không phải ở đâu và lúc nào, cái “nguồn lực mềm” này cũng được đặt đúng vị thế của nó để được đầu tư và phát huy hiệu quả. Trở lại với phong trào TDĐKXDĐSVH – một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 9 của Đảng – có thể nói, các chỉ tiêu hay kết quả đạt được sau 18 năm thực hiện phong trào là rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, việc thực hiện phong trào nhấn mạnh đến xây dựng các gương người tốt, các điển hình tiên tiến và gia đình, làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa là phù hợp, nhằm xây dựng nên con người văn hóa - với tư cách vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng thụ hưởng các thành quả văn hóa. Tuy nhiên, nhìn vào những tỷ lệ cao các danh hiệu văn hóa như đã nêu ở trên, có điều gì đó vẫn khiến người ta băn khoăn. Bởi, nếu các con số thống kê ấy “chuẩn” cả về lượng và chất, thì hẳn tình trạng môi trường ô nhiễm, tệ nạn xã hội và tội phạm gia tăng dưới nhiều hình thức, mất an ninh trật tự, mất an toàn vệ sinh thực phẩm... chỉ là những ví dụ “không điển hình”? Hoặc, nếu những chỉ tiêu văn hóa ấy thật sự “đẹp” thì hẳn chẳng ai có thể ca thán về sự băng hoại của thuần phong mỹ tục, đạo đức gia đình và xã hội hay sự “đổ vỡ” của những “thành trì văn hóa” mang tên làng quê khi “phố hóa làng” hay đô thị hóa tràn về?

Nền văn hóa Việt Nam với tất cả các giá trị nhân văn, nhân bản của một nền văn hóa đề cao, coi trọng và bảo vệ con người, được tích lũy qua hàng nghìn năm, mà làm nên đặc trưng và chiều sâu đời sống cộng đồng, dân tộc. Do vậy, xây dựng nền văn hóa mới, thiết nghĩ, không thể thực hiện theo kiểu “phong trào”, hay “hành chính hóa” văn hóa để đạt được những mục tiêu lâu dài, hay để đặt văn hóa vào đúng vị thế của nó.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 744.378/942.251 gia đình đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 79%); 4.396/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 72,9%); 276/577 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 20/58 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (chiếm 34,4%)...

Nguồn: baothanhhoa.vn 
Tin nổi bật
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024
TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN
Như Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệpNhư Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp
Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹpĐại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp