Thanh Hóa - một cực tăng trưởng mới

Đăng lúc: 09:31:56 28/08/2019 (GMT+7)

Cách đây gần 6 năm, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa hân hoan chứng kiến sự kiện khởi công một dự án đầu tư FDI có quy mô lớn nhất Việt Nam - Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Vinh dự tự hào thay, dự án ấy được hiện diện trên mảnh đất quê hương Thanh Hóa anh hùng. Và rồi, một đại công trường hừng hực khí thế ngày đêm, với bàn tay và khối óc của hàng nghìn chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực dầu khí trong, ngoài nước và công nhân, đã tạo dựng nên một nhà máy đồ sộ như hôm nay.

178d2162824t32588l0.jpg
 Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tháng 11-2018, dự án đã chính thức vận hành thương mại, đưa giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa tăng vọt mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Cùng với việc vận hành thương mại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã đưa số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa từ con số 28 lên 32. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển đến các ngành công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ logistics cũng như các ngành thương mại, dịch vụ khác.

Thanh Hóa, một tỉnh nghèo với nhiều “vết thương” trong chiến tranh, bước vào thời kỳ đổi mới Thanh Hóa đã hoàn toàn “thay da đổi thịt” với những bước tăng trưởng ngoạn mục, vững chắc về kinh tế, đời sống nhân dân được nâng lên.

Ghi dấu và để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh là giai đoạn từ năm 2011 đến nay, gắn liền với tiến trình thực hiện đường lối đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế với định hướng đến năm 2020 đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng lòng, hiệp lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thanh Hóa tăng tốc ngoạn mục trên “mặt trận” kinh tế.

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011 - 2018, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Thanh Hóa bình quân tăng 9,2%/năm, trong đó, năm 2018 tăng tới 15,16% và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2018 đạt hơn 101.354 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2010, cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước. Đến nay, đã có 10/26 chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (2015 - 2020) đạt và xấp xỉ kế hoạch cả nhiệm kỳ.

Đột phá rõ rệt trong tăng trưởng của tỉnh là lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu (XK) với giá trị tăng trưởng bình quân 15%/năm, đưa Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp và XK ở khu vực Bắc Trung bộ. Với việc đưa một số cơ sở công nghiệp mới, có quy mô lớn đi vào hoạt động, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn I, Xi măng Long Sơn, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Cẩm Thủy I, Nhà máy Xi măng Công Thanh; các dự án may mặc, giày da... đã tăng đáng kể năng lực công nghiệp của tỉnh những năm gần đây. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 95.065 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2010. Cũng trong năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 38,9% cùng kỳ, gấp 3,85 lần bình quân cả nước, đứng thứ hai các tỉnh, thành phố sau tỉnh Hà Tĩnh. Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực công nghiệp với các mặt hàng sản xuất ngày càng đa dạng, khiến kim ngạch XK hàng hóa trong tỉnh tăng nhanh. Năm 2018, quy mô giá trị XK hàng hóa của tỉnh đã đạt 2.894 triệu USD, gấp 7,4 lần năm 2010. Đây cũng là 1 trong 10 chỉ tiêu xấp xỉ kế hoạch đề ra của tỉnh đến năm 2020. Tỉnh Thanh Hóa hiện xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về tổng giá trị hàng hóa XK, với 137 doanh nghiệp XK và 54 mặt hàng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được 25.519 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; tích tụ, tập trung được 10.089,8 ha đất để tổ chức sản xuất hàng hóa; hình thành và nhân rộng một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Sản lượng lương thực hàng năm ổn định ở mức 1,6 triệu tấn. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp đạt kết quả khả quan. Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai, như: Dự án chăn nuôi bò sữa (Vinamilk); Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp (TH True Milk); Nhà máy Sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai; Nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis... Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay, đã có 2 huyện, 312 xã và 783 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 52,02%, cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (43,02%).

Các ngành dịch vụ có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng với giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 9,3%. Thanh Hóa hiện đã đón tàu hàng container quốc tế vào Cảng Nghi Sơn, hứa hẹn trở thành trung tâm logictics của khu vực. Các dịch vụ vận tải hàng không, tài chính - ngân hàng, bưu chính, viễn thông ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Năm 2018, thu ngân sách toàn tỉnh đạt hơn 23.000 tỷ đồng, gấp 4,4 lần năm 2010 và đứng thứ 13 cả nước.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Giai đoạn 2011 - 2018, toàn tỉnh thu hút được 1.432 dự án đầu tư (trong đó có 76 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 213.768 tỷ đồng và 6,08 tỷ USD. Nhiều dự án sản xuất, hạ tầng lớn đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục tiến trình vận động, nhiều dự án có quy mô lớn đang được tăng tốc triển khai thực hiện, như: 6 dự án cảng biển với tổng vốn đầu tư 17.058 tỷ đồng; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 60.750 tỷ đồng; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn - giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng; Khu đô thị mới Trung tâm TP Thanh Hóa của Tập đoàn VinGroup, tổng vốn đầu tư 11.623 tỷ đồng; Khu đô thị du lịch sinh thái FLC - giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng... Cùng với môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, lĩnh vực phát triển doanh nghiệp có nhiều bước tiến mới. Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh ta có khoảng 3.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 14.814 doanh nghiệp.

Từ những đường hướng, quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Thanh Hóa vươn lên với quy mô kinh tế đứng thứ 8, thu ngân sách đứng thứ 13, phát triển doanh nghiệp đứng thứ 7 cả nước. Về tỉnh Thanh hôm nay, chứng kiến những đổi thay vượt bậc về diện mạo từ quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng đến đời sống nhân dân. Không chỉ một điểm nhấn Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đầu tư hơn 9,3 tỷ USD, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, mà đó còn là sự hiện diện của hàng loạt các dự án công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu, các nhà máy sản xuất dầu ăn, nhà máy nhiệt điện, cùng hàng loạt các dự án đang thi công ngày đêm ở Khu Kinh tế Nghi Sơn. Và, không chỉ mình Nghi Sơn, Thanh Hóa đang nỗ lực kiến thiết để “tứ sơn” phát triển, đưa Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn thành những động lực tăng trưởng lớn về kinh tế. Những công trình đồ sộ, những con đường thênh thang, những khu đô thị sầm uất và đồng bộ đã và đang tiếp tục hiện diện trên mảnh đất này. Sự phát triển kinh tế, đã đưa đời sống của nhân dân có những đổi thay vượt bậc. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 1.990 USD, gấp 6,9 lần năm 2000 và gấp 11,6 lần năm 1990. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh chỉ còn 5,8%. Toàn tỉnh không còn hộ đói, chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Những kết quả đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, cùng với truyền thống lịch sử, cách mạng vẻ vang của quê hương là nguồn cội sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực chung sức xây dựng quê hương. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá; đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm các tỉnh mạnh của cả nước và sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
baothanhhoa.vn
Tin nổi bật
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN
Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹpĐại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4): Tổng kết Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyệnĐoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4): Tổng kết Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện
Nâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhiNâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi