Giấc mơ Trung thu

Đăng lúc: 08:45:16 24/09/2018 (GMT+7)

Một mùa Trung thu nữa lại về, cùng với đó là những ước mơ về một đêm phá cỗ, những chiếc lồng đèn và những niềm vui tại sân chơi cùng bạn bè đồng trang lứa. Nhưng ở mỗi một vùng quê, những đứa trẻ lại mang những bộ mặt, giấc mơ khác nhau.

 
Trẻ em dưới xuôi được bố mẹ quan tâm để có một cái Tết Trung thu trọn vẹn, ý nghĩa. 

 

Cứ mỗi dịp Trung thu về, Nguyễn Hoàng Linh, 9 tuổi, phố Trung Sơn, Thị trấn Bút Sơn, (Hoằng Hóa) lại được cha chở lên phố Lê Hoàn (TP Thanh Hóa), để có thể lựa chọn thỏa thích các loại đồ chơi. Là con một trong gia đình, nên cậu được bố mẹ cưng chiều hết mức. Chỉ cần học giỏi, mọi thứ cậu muốn sẽ nhanh chóng nhận được cái gật đầu. Nơi Linh sống, năm nào cũng vậy, cứ trước tết Trung thu 5 ngày, công tác chuẩn bị đã được bắt đầu. Mỗi gia đình, tùy theo điều kiện kinh tế sẽ đóng góp tiền để lấy kinh phí mua dụng cụ sản xuất lân, đèn ông sao và tổ chức liên hoan cho các cháu. 
 
Cũng như mọi năm, không khí trung thu năm nay ở khu phố nơi Linh sống cũng đã bắt đầu rộn ràng. Ngoài cổng, nhà nào cũng treo 1 chiếc đèn lồng. Đan xen vào đó là những dây đèn nháy đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng… Tôi hỏi Linh về giấc mơ của em đêm trung thu. Cuộc sống đủ đấy khiến những ước mơ cũng trở nên ít đi. Có chăng, em chỉ mong bản thân sẽ học thật giỏi, được nhiều điểm 10 để làm bố mẹ vui, nhất là, được chiều chuộng hơn nữa. 
 
Đêm Trung thu, Linh cùng lũ trẻ trong phố rước đèn theo sau những thanh niên đảm trách nhiệm vụ múa lân dẫn đường. Cứ đến một cái cổng, lại thêm một bạn rước mới. Đêm ấy, lũ trẻ như Linh thích thú đi dọc khắp thị trấn. Đèn lồng, đèn cá, đèn ông sao… đua nhau sáng lung linh, cùng tiếng nói cười hớn hở. Đoàn người hát vang những bài ca chưa thuộc lời trọn vẹn. Hòa trong tiếng hát là tiếng trống rộn ràng như mời mọi nhà mở cửa đón lân. Tiếng trống đánh thức tuổi già về với trẻ con; đánh thức đàn ông, đàn bà về với tuổi vô tư; đánh thức con trai, con gái về với tuổi mới lớn; đánh thức cả trời cổ tích … Tiếng trống còn đánh thức cả tinh thần đoàn kết, để mọi người xích lại gần nhau hơn... 
 
Chẳng có được những kỷ niệm đẹp, cũng không có một tâm trạng háo hức khi đêm Trung thu đang cận kề như Linh, em Hà Thị Tuệ, bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (Mường Lát) chờ đợi trung thu chỉ với chút kỷ niệm mơ hồ, cùng một niềm vui nhỏ nhoi, gói gọn. Vùng đất Tuệ ở, cách xa thị trấn phồn hoa của Linh tới hơn 300km. Tuệ cùng em gái sống với bố mẹ trong một căn xập xệ, xiêu vẹo. Nhà Tuệ nghèo, nghèo một cách đúng nghĩa. 2 khoanh ruộng nhỏ, đàn vịt 30 con, 2 con trâu và những buổi đi rừng – đó là tất cả nguồn sống mà gia đình em có thể nhìn vào. Nhưng rồi, cơn lũ lịch sử đi qua, nguồn sống đó gần như không còn. Ruộng mất, vịt trôi, trâu bị vùi lấp, những buổi đi rừng hôm được, hôm mất của bố mẹ Tuệ trở thành chút hi vọng nhỏ nhoi cuối cùng cho chuỗi ngày khó khăn tiếp theo. Rơi vào hoàn cảnh này, càng khiến Tuệ thêm phần lo lắng. Bởi cha em, cũng như biết bao người đàn ông trong bản khác, đều là nô lệ của rượu. Đặc biệt, mỗi lúc rơi vào bế tắc, ông lại càng tìm được khoái cảm từ hơi men nhiều hơn. Để rồi, sau những cơn say triền miên đó, người đàn ông mà Tuệ gọi bằng cha hả hê giáng những trận đòn roi vô tình, nhẫn tâm xuống người mẹ và em. Tuệ bị ám ảnh về những đêm 3 mẹ con phải dắt díu nhau chạy trốn, để tránh cơn thịnh nộ từ cha. Kí ức đó, khiến nụ cười như dần biến mất trên môi em, chỉ còn lại một đứa bé được mặc định với những cử chỉ gật hoặc lắc đầu, mỗi khi có người hỏi han bắt chuyện. “Tết trung thu”, Tuệ mơ hồ khi tôi nhắc đến 3 từ này.
 
Những đứa trẻ bản Đoàn Kết sinh ra và lớn lên với những thiếu thốn, đói nghèo. Tết Trung thu cũng trở nên xa lạ với chúng.
 
Hồi tưởng lắm, kỷ niệm về cái ngày này trong em cũng chỉ đủ vẽ lên một bức tranh với những mảnh ghép chắp vá của năm 2014. Đêm ấy, Đoàn kinh tế Quốc phòng 5, Quân khu 4 kết hợp với Đồn Biên phòng Tam Chung đã vào tổ chức một đêm hội trăng rằm đúng nghĩa cho Tuệ và các em nhỏ trong bản. Nhưng, những đứa trẻ lần đầu tiên biết đến “đèn ông sao” đã dùng chúng để “đập” nhau thay vì đi “rước”. Và, đó cũng là kỷ niệm duy nhất của Tuệ và những đứa trẻ ở bản Đoàn Kết có thể nhớ về Trung thu. Còn lại, mỗi lần đến dịp Tết Trung thu, một món quà gồm vài ba gói bánh kẹo cùng một hai bộ quần áo, mới có, cũ có được chuẩn bị sẵn cho các em. Trẻ con mặc nhiên  đón nhận chúng với tâm trạng bình thản như mọi lần nhận đồ cứu trợ khác. Tuy nhiên, đó cũng là điều an ủi duy nhất dành cho chúng trong cái ngày gọi là “tết thiếu nhi” này. 
 
Trung úy Đoàn Nguyên Túc, Trinh sát đồn Biên phòng Tén Tằn, phụ trách quản lí địa bàn bản Đoàn Kết cho tôi xem những bức tranh được vẽ lên từ chính những ước mơ của các bạn nhỏ trước đêm trung thu. 3 bức tranh của Tuệ, anh Túc đưa tôi xem trước tiên. Bức tranh đầu tiên, em vẽ về một mâm cơm đầy thịt. Cơm cứng, muối, măng rừng mà em ăn hằng ngày chỉ khỏa lấp được cơn đói bủa vây, chứ ngon thì chắc hẳn là không. Bức tranh thứ hai, em vẽ hình ảnh người cha đang giang tay ôm lấy gia đình mình. Phía dưới, là những nét chữ chú thích nguệch ngoạc: “Thay vì những trận chửi bới, đánh đập, cha có thể yêu thương gia đình nhiều hơn không?”. Bức tranh cuối cùng em vẽ về cô giáo. Người sẽ mang tri thức, niềm vui, gieo hạt mầm tương lai cho những đứa trẻ nghèo.
 
Và, còn có thật nhiều những bức tranh, với những ước mơ đẹp khác. Chúng vẽ những vườn hoa. Vẽ một ngôi trường bằng gạch, có mái ngói, theo bố cục kinh điển của những căn nhà trong tranh trẻ thơ. Cho dù ngôi trường mà lũ trẻ đang theo học bây giờ, là một bố cục kinh điển của những vùng bão lũ đi qua: mấy gian nhà tạm dựng bằng tôn và bạt, cặp sách, giường ngủ, cả bữa ăn của học sinh là đến từ những đoàn từ thiện.
 
Tối mai, đêm trung thu, thay vì được đi phá cỗ trăng rằm như các bạn dưới miền xuôi, chúng sẽ mang những bức tranh của mình ra ngồi ngắm, và nô đùa dưới ánh trăng. Và tôi tin, ngày mai… rồi sẽ khác. 
Nguồn: baothanhhoa.vn
Tin nổi bật
Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát triển của...Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát ...
Tự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của ĐảngTự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
Bài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt NamBài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam
Bài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt NamBài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt Nam
Bài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộcBài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc