Bí thư chi bộ, trưởng thôn hết lòng vì việc dân
Hơn 24 năm gắn bó với việc của dân nên ở thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận (Như Thanh) ai cũng tin yêu và khen ngợi ông Lê Văn Khánh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn “miệng nói, tay làm”, luôn dành tâm sức cống hiến vì đời sống Nhân dân và sự phát triển của quê hương.
về tinh thần trách nhiệm với Nhân dân. Ảnh: Trần Thanh
Sau khi nghỉ hưu, với uy tín của mình, năm 2010, ông Khánh được Nhân dân tin tưởng bầu làm Trưởng thôn Thanh Sơn. Trong vai trò mới, ông không chỉ phát huy trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, đảng viên, mà còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhất là hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chung sức XDNTM.
Năm 2014, cán bộ và Nhân dân thôn Thanh Sơn bắt tay vào XDNTM, với nhiều khó khăn, như: nhận thức của một bộ phận người dân về ý nghĩa, mục đích của chương trình XDNTM chưa đầy đủ, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao và kết cấu hạ tầng của thôn chưa đồng bộ. Ông Khánh nhớ lại: “Thời điểm triển khai chương trình XDNTM, phần lớn các tuyến đường giao thông, giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu của thôn chưa được kiên cố và bê tông hóa. Đồng thời, nhà văn hóa thôn xuống cấp, chưa có sân chơi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho Nhân dân”. Quán triệt tinh thần “lấy sức dân để lo cho dân”, ông Khánh đã cùng tập thể chi bộ họp bàn thống nhất chủ trương bê tông hóa đường giao thông và sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn. Cùng với việc công khai chủ trương, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân, ông Khánh chủ động phối hợp với ban công tác mặt trận, các đoàn thể chính trị thôn tuyên truyền, giải thích để Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM. Được tuyên truyền, Nhân dân trong thôn đã đồng thuận đóng góp tiền, công sức kết hợp với nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước để bê tông hóa 12km giao thông nội thôn và sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa khang trang, với tổng kinh phí 3,66 tỷ đồng; lắp đặt 6,3km đường điện chiếu sáng ở các khu dân cư; kiên cố hóa 1,7km kênh mương và gần 1km giao thông nội đồng. Nhờ “ý Đảng, lòng dân”, đến năm 2015, thôn Thanh Sơn đã “về đích” NTM.
Tiếp nối thành công từ chương trình XDNTM, thôn luôn nỗ lực duy trì các tiêu chí của thôn NTM và đến năm 2022, cán bộ và Nhân dân trong thôn lại bắt tay vào XDNTM kiểu mẫu. Quyết tâm xây dựng Thanh Sơn trở thành vùng quê “đáng sống” đã được chi bộ thôn cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề về xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, ông Khánh đã tổ chức các hội nghị triển khai chủ trương XDNTM kiểu mẫu đến toàn thể Nhân dân. Đồng thời, công khai các tiêu chí NTM kiểu mẫu cần thực hiện để Nhân dân bàn bạc, quyết định, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Minh chứng cho “lòng dân - sức dân” ở thôn Thanh Sơn là 4 tuyến đường nội thôn được mở rộng chỉ trong vòng 2 tháng. Ông Khánh chia sẻ: “Bắt tay vào thực hiện XDNTM kiểu mẫu, khó khăn lớn nhất của thôn Thanh Sơn là giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông theo tiêu chí NTM kiểu mẫu”. Theo số liệu thống kê toàn thôn có 4,5km đường giao thông cần giải phóng mặt bằng, liên quan đến 47 hộ dân. Để dấy lên phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông trong Nhân dân, thôn đã thành lập ban vận động phát triển XDNTM kiểu mẫu. Bắt tay vào thực hiện, ông Khánh cùng với các thành viên ban vận động “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, phân tích cho các hộ dân hiểu những lợi ích khi đường giao thông được mở rộng. Thông suốt chủ trương, Nhân dân trong thôn đã đồng thuận, tự nguyện hiến 1.700m2 đất cho các công trình. Bên cạnh đó, Nhân dân còn đóng góp hơn 480 triệu đồng để kết hợp với nguồn hỗ trợ của Nhà nước bê tông hóa những phần đường được mở rộng. Từ “lòng dân - sức dân”, các tuyến đường được mở rộng, bê tông kiên cố, có điện chiếu sáng và trồng cây xanh bóng mát. Cùng với đó, Nhân dân trong thôn còn đóng góp tiền để sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn, với tổng giá trị khoảng 512 triệu đồng.
Thôn Thanh Sơn có 356 hộ dân, 1.290 nhân khẩu, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Đi liền với đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, ông Khánh cùng với tập thể lãnh đạo thôn xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, ngoài 68ha đất 2 lúa và 37ha rừng sản xuất, Nhân dân thôn Thanh Sơn đã phát triển được 5ha cây ăn quả; xây dựng 1 trang trại chăn nuôi vịt, quy mô hơn 2.000 con; 3 gia trại chăn nuôi lợn, với khoảng 460 con. Đặc biệt, ông Khánh đã đấu mối với Hội Nông dân xã Phú Nhuận hướng dẫn Nhân dân triển khai xây dựng các mô hình vườn hộ. Theo đó, thôn Thanh Sơn đã có 17 hộ dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn hộ, với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, đời sống của người dân trong thôn không ngừng được nâng lên, với thu nhập bình quân đạt 78 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, cán bộ và Nhân dân trong thôn đang “dồn sức” để hoàn thành nhiệm vụ đưa Thanh Sơn “cán đích” NTM kiểu mẫu đúng hẹn vào năm 2025. Được biết tháng 8/2024, ông Khánh được các đảng viên bầu làm bí thư chi bộ thôn. Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì công việc của cộng đồng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Lê Văn Khánh tiếp tục đóng góp tâm sức của mình cùng với Nhân dân đưa Thanh Sơn trở thành vùng quê “đáng sống”.
- Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương những mảnh đời bất hạnh
- Làm giàu từ chế biến lâm sản xuất khẩu
- CÔ GIÁO HUẾ: TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ TỪ THIỆN
- Bí thư chi bộ, trưởng thôn hết lòng vì việc dân
- Anh em song sinh đồng lòng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ
- Những người “chăm việc Đảng, lo việc dân”
- Nghỉ hưu, bà lão U80 ở TPHCM làm điều đặc biệt cảm ơn cuộc đời
- Doanh nhân vượt khó tích cực tham gia an sinh xã hội
- Chuyện về những “ngân hàng” máu sống
- Cán bộ đoàn nêu gương làm kinh tế giỏi