Chàng trai khuyết tật Cao Văn Tuân truyền cảm hứng cho những mảnh đời bất hạnh bằng nghề vẽ tranh gạo

Đăng lúc: 09:00:00 12/08/2023 (GMT+7)

Với nghị lực phi thường và lòng đam mê nghệ thuật, chàng trai khuyết tật một chân Cao Văn Tuân, 34 tuổi ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đã nỗ lực thay đổi cuộc đời mình bằng nghề vẽ tranh gạo.

b079732e5d5b911d1Chàng trai khuyết tật Cao Văn Tuân truyền cảm hứng cho những mảnh đời bất hạnh bằng nghề vẽ tranh gạo.jpg 1.jpg
Hơn 10 gắn bó với nghề, anh Tuân đã sáng tạo ra gần 10 nghìn bức tranh gạo với nhiều chủ đề khác nhau

Không may mắn như các bạn cùng trang lứa khác, năm lên 3 tuổi sau vụ tai nạn ngã từ trên cao xuống, đã khiến một bên chân của anh Tuân bị khuyết tật vĩnh viễn. Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng vượt qua mặc cảm, anh Tuân luôn chăm chỉ, nỗ lực trong học tập, năm 2009 anh tốt nghiệp ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn, trường Đại học Khoa học Huế. Tuy nhiên, sau khi ra trường, anh Tuân không xin việc theo nghành đã học mà trở về quê lập nghiệp và bén duyên với nghề vẽ tranh bằng hạt gạo. Để hiểu hơn về nghề vẽ tranh gạo, anh Tuân đã lên mạng internet tìm hiểu rồi học làm theo.
 
 Chàng trai khuyết tật Cao Văn Tuân truyền cảm hứng cho những mảnh đời bất hạnh bằng nghề vẽ tranh gạo.jpg

Ngoài truyền nghề miễn phí, học viên sau khi học xong còn được anh Tuân tạo công ăn việc làm để có thu nhập
 
Những sản phẩm đầu tay, anh Tuân đem tặng bạn bè, người thân, sau khi cứng tay nghề, tranh gạo được nhiều người biết đến, anh mới làm để bán ra thị trường. Theo anh Tuân, quy trình để hoàn thiện một bức tranh gạo, phải trải qua rất nhiều công đoạn như: chọn gạo, rang gạo để tạo màu, dùng bút chì phác thảo tranh, nhả keo, gắn gạo...Trong đó, khâu chọn và rang gạo là quan trọng nhất, vì gạo dùng để làm tranh phải là những hạt to, dài, đủ ngày, không phải loại gạo chín ép, nếu không được chọn kỹ, hạt gạo khi rang sẽ không lên màu đẹp và độ bền của bức tranh cũng sẽ bị giảm do chất lượng gạo không đảm bảo. Để tạo ra màu sắc tự nhiên của tranh gạo, khi rang gạo, đòi hỏi người thợ phải xử lý nhiệt độ hết sức khéo léo để cho ra những mẻ gạo có màu sắc đậm, nhạt khác nhau...Tất cả các công đoạn, đều được anh Tuân thực hiện tỉ mỉ, kỹ càng, sắp xếp hạt gạo với độ chính xác cao. Mỗi bức tranh đơn giản anh Tuân chỉ làm 2-3 ngày là xong, còn những bức tranh đòi hỏi sự cầu kỳ, kỹ thuật cao thì phải mất từ 2 đến 4 tuần mới xong.

Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, anh Tuân đã sáng tạo ra gần 10 nghìn bức tranh với nhiều chủ đề khác nhau. Từ những bức tranh chân dung, thiên nhiên, phong cảnh, con người, thư pháp cho đến tranh logo, hoạt hình... đều chứa đựng trong đó không chỉ là tâm huyết, sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng nét vẽ, mà còn chứa đựng cả tâm hồn và sự tinh tế nhất của một người họa sĩ khuyết tật. Tuy ra đời khá muộn và phải cạnh tranh với nhiều loại hình tranh nghệ thuật khác nhưng đến nay tranh gạo của anh Tuân đã có mặt tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, với giá bán giao động từ 150 nghìn đồng đến vài triệu đồng một bức, tùy vào kích cỡ và độ cầu kỳ khác nhau. Công việc từ nghề vẽ tranh gạo đã mang lại cho anh Tuân nguồn thu nhập ổn định từ  8 đến 10 triệu đồng/ tháng.

Để mở rộng cơ sở làm tranh, đầu năm 2018 anh Tuân đã mạnh dạn thành lập HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát do anh làm chủ có trụ sở tại phố Phú Thọ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương. Với phương châm “lấy cái Tâm làm gốc để cùng nhau hợp tác và phát triển”, từ khi HTX đi vào hoạt động, nhiều người khuyết tật trên địa bàn huyện đã tìm đến cơ sở của anh để đươc học nghề, anh Tuân đã nhiệt tình bỏ thời gian, công sức truyền nghề miễn phí cho người khuyết tật và người dân có nhu cầu học. Đến nay, đã có 50 người được anh Tuân đào tạo nghề làm tranh gạo, trong đó có 20 học viên liên tục có đơn hàng để làm, thu nhập khoảng 2,5 triệu - 4 triệu đồng/người/tháng và tuỳ theo năng suất làm việc của mỗi người.

Với nghị lực vươn lên chiến thắng tật nguyền, bằng những việc làm thiết thực, anh Tuân đã đạt nhiều thành quả được ghi nhận: cuối năm 2020 anh Tuân được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng Bằng khen “Là những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội”. Hiện nay, anh Tuân vừa là Giám đốc HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát, vừa là Chủ nhiệm CLB thanh thiếu niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển tỉnh Thanh Hoá./.

Nguyễn Liên
 
Tin nổi bật
Hơn 5.000 vé máy bay, ô tô miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán 2025Hơn 5.000 vé máy bay, ô tô miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán 2025
Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đối thoại với thanh niên theo Luật Thanh niên 2020Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đối thoại với thanh niên theo Luật Thanh niên 2020
HUYỆN ĐOÀN THỌ XUÂN: CHỦ TỊCH HUYỆN ĐỐI THOẠI VỚI CÁN BỘ ĐOÀN, ĐVTN NĂM 2024HUYỆN ĐOÀN THỌ XUÂN: CHỦ TỊCH HUYỆN ĐỐI THOẠI VỚI CÁN BỘ ĐOÀN, ĐVTN NĂM 2024
Chung kết và trao giải cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên năm 2024”Chung kết và trao giải cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên năm 2024”
02 CÔNG TRÌNH, ĐỀ TÀI CỦA TUỔI TRẺ THANH HÓA ĐƯỢC VINH DANH TUYÊN DƯƠNG “TUỔI TRẺ SÁNG TẠO KHU VỰC...02 CÔNG TRÌNH, ĐỀ TÀI CỦA TUỔI TRẺ THANH HÓA ĐƯỢC VINH DANH TUYÊN DƯƠNG “TUỔI TRẺ SÁNG TẠO KHU VỰC ...