Làm giàu từ chế biến lâm sản xuất khẩu
Đến thăm Công ty TNHH lâm sản Đại Phát do anh Vũ Đăng Bắc, 39 tuổi ở Cụm công nghiệp xã Xuân Khang (Như Thanh), chúng tôi thực sự nể phục với cơ ngơi xây dựng từ sự nỗ lực vượt khó, cố gắng của anh.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Xuân Khang - vùng đất có diện tích keo lớn của huyện, nên ngay khi còn nhỏ anh Bắc đã mơ ước sau này sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất chế biến lâm sản. Sau khi học hết cấp 3, anh cùng một số anh em, bạn bè trong xã thành lập một nhóm thu mua keo nguyên liệu trong vùng để bán cho các nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản trong và ngoài tỉnh. Nhận thấy nguồn nguyên liệu phong phú, năm 2016 anh Bắc đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến lâm sản với sản phẩm là gỗ xẻ thanh để cung cấp cho các nhà máy chế biến ở các tỉnh phía Nam. Để nâng tầm giá trị lâm sản, năm 2019 được UBND huyện Như Thanh, xã Xuân Khang tạo điều kiện cho thuê 12.000m2 mặt bằng ở Cụm công nghiệp xã Xuân Khang, anh quyết định thành lập Công ty TNHH lâm sản Đại Phát và đầu tư 15 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, dây chuyền chế biến gỗ xuất khẩu hiện đại theo công nghệ của Đài Loan (Trung Quốc). Sản phẩm của công ty chủ yếu là ván nan thanh, ván bóc, ván ép nội thất, ván ép phủ phim, băm dăm phế phụ từ gỗ. Khi xây dựng xong nhà xưởng, đào tạo công nhân, anh đã lặn lội đi các địa phương trong huyện có nguồn nguyên liệu dồi dào để ký hợp đồng thu mua nguyên liệu và tìm các đối tác để tiêu thụ sản phẩm.
Để mở rộng sản xuất và đưa vào chế biến sâu các lâm sản xuất khẩu, đầu năm 2022, anh đã đầu tư nhà xưởng, mua thêm 2 dây chuyền ép ván theo công nghệ của Trung Quốc. Sau khi đầu tư hoàn thiện nhà xưởng, hệ thống máy móc giai đoạn 2, nhà máy đã sản xuất đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường như ván ép nội thất, ván ép phủ phim đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU... Đặc biệt, sản phẩm ván ép phủ phim của công ty là sản phẩm lần đầu sản xuất thành công tại Thanh Hóa, phù hợp với nhu cầu thị trường xây dựng hiện nay tại một số nước châu Á. Đến nay, mỗi năm công ty tiêu thụ khoảng 200.000 tấn gỗ keo nguyên liệu, chế biến được 100.000m3 gỗ xuất khẩu sang thị trường các nước Hàn Quốc, Ấn Độ và một phần thị trường trong nước. Ngoài ra, tận dụng nguồn phế phẩm từ lâm sản, mỗi năm công ty xuất khẩu được 100.000 tấn gỗ băm dăm sang thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu ước đạt gần 2,5 triệu USD, tạo việc làm tại chỗ cho 200 lao động, với mức thu nhập từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng và 1.000 hộ trồng rừng trong vùng. Để phát triển nguồn nguyên liệu và chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, hiện nay Công ty TNHH Đại Phát đang lập hồ sơ thành lập HTX trồng và khai thác rừng Đại Phát, với 5 thành viên. Phấn đấu đến hết năm 2024, HTX có 3.000ha keo nguyên liệu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế FSC.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Bắc còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương và luôn đi đầu hưởng ứng các cuộc vận động ủng hộ của xã, thôn đóng góp XDNTM, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ từ 40 đến 50 triệu đồng/năm.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tục anh Vũ Đăng Bắc được Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.
Theo Báo Thanh Hóa
- Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương những mảnh đời bất hạnh
- Làm giàu từ chế biến lâm sản xuất khẩu
- CÔ GIÁO HUẾ: TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ TỪ THIỆN
- Bí thư chi bộ, trưởng thôn hết lòng vì việc dân
- Anh em song sinh đồng lòng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ
- Những người “chăm việc Đảng, lo việc dân”
- Nghỉ hưu, bà lão U80 ở TPHCM làm điều đặc biệt cảm ơn cuộc đời
- Doanh nhân vượt khó tích cực tham gia an sinh xã hội
- Chuyện về những “ngân hàng” máu sống
- Cán bộ đoàn nêu gương làm kinh tế giỏi