Người phụ nữ hàng ngày chặn xe cho học sinh sang đường
Bảy tháng nay, ngày hai buổi, bà Phượng cầm tấm bảng chặn dòng xe cộ để học sinh của trường cấp 2 Tân Kiên không phải qua đường trước mũi những chiếc xe tải.
Vài phút sau, hàng trăm học sinh của trường THCS Tân Kiên (ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) bắt đầu túa ra sau giờ học. Những đứa nhỏ đi bộ, đi xe đạp và những chiếc xe máy của phụ huynh đón con cùng sang đường. Tấm biển với dòng chữ "Tạm dừng xe cho học sinh qua đường" trên tay trái bà Phượng bắt đầu giơ cao, tay phải vẫy ra hiệu cho các tài xế đi chậm lại, nhường học sinh đi qua.
"Đường Hưng Nhơn này nối quốc lộ 1A và đường Nguyễn Cửu Phú nên xe tải, xe bồn thậm chí là container qua lại thường xuyên. Ở ngã ba này không có đèn báo hiệu, vạch đi bộ lại còn sát chân cầu nên rất nguy hiểm", người phụ nữ 62 tuổi giải thích về việc làm của mình.
Trường THCS Tân Kiên bắt đầu đón học sinh vào tháng 9 năm ngoái. Hai hôm đầu tiên, bà Phượng nhìn thấy cảnh học sinh phơi mình dưới nắng, rụt rè không dám sang đường vì đoàn xe tải nườm nượp. Đến hôm thứ ba, bà Phượng lấy tấm bìa ghi vội dòng chữ "Tạm dừng xe cho học sinh qua đường" rồi bước ra giữa đường chặn đoàn xe. Những tài xế nhìn thấy tấm biển từ xa bắt đầu di chuyển chậm, tụi nhỏ cầm tay nhau qua đường an toàn.
Sau hai ngày, tấm bảng giấy bị ngấm mưa ướt nhẹp, bà thôi ý định giúp đỡ đám học trò. "Sau đó ít hôm, có cô bé đi tới cửa hàng của tôi nói: ‘Bà ơi, sao bà không giúp tụi cháu qua đường nữa. Đường xe đông cháu sợ lắm". Nghe vậy, tôi biết là lũ học trò cần mình nên làm riết cho đến bây giờ", bà Phượng cười nói.
Thấy việc làm của bà Phượng, một người đàn ông "góp sức" bằng cách làm tấm bảng in chữ chắc chắn, nhiều màu sắc nổi bật mang đến tặng. Vậy là suốt hơn 7 tháng nay, đều đặn ngày hai buổi trưa, chiều, bà Phượng canh đúng giờ tan học thì tự động ra giúp lũ học trò xin đường.
Tuy nhiên, không phải lúc nào bà Phượng cũng được các tài xế nhường đường. Có người chạy xe đến sát bà, hạ kính rồi "nói lời khó nghe". Có tài xế mặc cho và vẫy tay ra hiệu đi chậm vẫn cố tình bóp còi, nhá đèn không chịu nhường đường.
Bà Phượng mở cửa hàng bán phụ tùng điện nước trên đường Hưng Nhơn, ấp 3, xã Tân Kiên, cách trường THCS Tân Kiên khoảng 300 mét. Ảnh: Diệp Phan.
Hơn 11 giờ trưa, khi các học sinh đã về hết, bà Phượng cầm bảng đi về nhà. Người phụ nữ lấy đôi găng tay quẹt mồ hôi trên trán, uống ngụm nước, thở dốc. Bà chia sẻ: "Lúc đầu thấy mấy em nhỏ đứng giữa nắng, thấy thương nên giúp. Bây giờ tôi xem như là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình rồi. Khi nào đoạn đường này có đèn báo, vạch kẻ đường, thấy học sinh qua lại an toàn thì tôi mới thôi làm việc này".
"Thường vào buổi trưa, do một phần học sinh ở lại học bán trú nên bà Phượng chỉ đứng xin đường khoảng hơn 10 phút. Giờ tan trường buổi chiều, học sinh ra đông hơn, lượng xe trên đường cũng nhiều hơn do người ta đi làm về nên bà phải đừng khoảng 30 phút mới xong", chị Nguyễn Thị Mai, chủ một tiệm thuốc tây trên đường Hưng Nhơn cho biết thêm.
Diệp Phan
- Anh em song sinh đồng lòng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ
- Những người “chăm việc Đảng, lo việc dân”
- Doanh nhân vượt khó tích cực tham gia an sinh xã hội
- Chuyện về những “ngân hàng” máu sống
- Cán bộ đoàn nêu gương làm kinh tế giỏi
- Bí thư chi bộ, trưởng bản gương mẫu, làm kinh tế giỏi
- Những người mẹ đặc biệt
- Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Sơn - Tấm gương sáng về y đức
- Hỗ trợ dinh dưỡng trị giá 1 tỷ đồng tới trẻ em bị ảnh hưởng bão lũ tại miền Bắc
- Kỹ sư điện đam mê xây trường trên núi