Những người “chăm việc Đảng, lo việc dân”
Bí thư chi bộ, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ là những người có vai trò, vị thế rất lớn đối với đồng bào các dân tộc miền núi, nhất là ở các vùng biên giới. Tiếng nói, hành động của họ có sức ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa trong cộng đồng dân cư; là tấm gương về đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Họ là cầu nối truyền tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Có dịp lên huyện biên giới Quan Sơn, đến gặp ông Lương Văn Noọng, ở bản Na Ấu, xã Tam Thanh và được biết, trước đây, Na Ấu là một bản thuộc xã biên giới, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), nhưng những năm gần đây với vai trò là người có uy tín, ông Noọng luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong bản nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo đảm ANTT ở khu dân cư, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và hương ước nơi cư trú; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.
Trong những năm qua, thực hiện cuộc vận động “Vì bình yên cuộc sống từng người, từng nhà hãy làm nhiều việc tốt về ANTT”, ông Noọng đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều tin có giá trị về ANTT; phối hợp với chính quyền, lực lượng công an, Tổ bảo vệ ANTT, Tổ an ninh xã hội tuyên truyền, vận động Nhân dân trong bản tham gia các hoạt động, như: “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Người nói lời hay, làm việc tốt”... để nâng cao tinh thần đoàn kết và sức mạnh của Nhân dân trong bản.
Bên cạnh đó, ông Noọng còn tích cực giáo dục các thành viên trong gia đình gương mẫu chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế, phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống, xây dựng gia đình văn hóa.
Nằm cách trung tâm xã Quang Chiểu (Mường Lát) gần 10km, có đường biên giới giáp với cụm Sốp Hào, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, (Lào), bản Suối Tút có 26 hộ, 128 nhân khẩu người dân tộc Dao sinh sống. Chi bộ bản hiện có 8 đảng viên. Những năm qua, người dân trong bản tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Qua câu chuyện của ông Tặng Văn Lai, bí thư, trưởng bản Suối Tút, chúng tôi được biết: Để bà con dân bản có cuộc sống no ấm hơn, gần 10 năm trở lại đây, ông Lai đã đi đầu trong việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Với trên 1ha cam, kết hợp chăn nuôi gà, dê, bò, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, ông Tặng Văn Lai đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm theo. Đến nay, cả 26 hộ dân trong bản đã trồng cây ăn quả, với tổng diện tích trên 20ha. Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, tập quán canh tác nên nhiều hộ dân trong bản đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Ngoài ông Lai ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu còn có ông Hà Văn Thư, bí thư chi bộ, trưởng bản Xim là người tiên phong, gương mẫu đi đầu vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả phong trào XDNTM. Ông Thư đã cùng với ban quản lý bản vận động Nhân dân hiến đất, huy động nguồn lực, đóng góp công sức xây dựng các công trình giao thông. Đến nay, Nhân dân trong bản đã đóng góp được trên 450 triệu đồng, 55 hộ dân tham gia hiến đất, huy động được gần 2.300 ngày công để làm gần 5km đường giao thông trục chính và các đường nối khu dân cư. Cuối năm 2023, bản Xim đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Mường Lát là một trong những huyện nghèo của cả nước, có trên 100km đường biên giới giáp nước bạn Lào, với 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Toàn huyện có 88 bản, khu phố. Thời gian qua, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng bản, người có uy tín là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động quần chúng chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc.
Tỉnh Thanh Hóa có gần 1.300 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó có 85 già làng, 47 trưởng họ, 60 bí thư chi bộ, 90 trưởng thôn, bản, còn lại là người thuộc các thành phần khác trong xã hội. Những bí thư chi bộ, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ là những người “chăm việc Đảng - lo việc dân”, họ không ngại khó khăn, gian khổ, đã thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày một phát triển. Những người có uy tín ở các thôn bản đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo vùng biên, mốc giới; vận động Nhân dân giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội.
Với vai trò của mình, những bí thư chi bộ, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ, đã đóng góp không nhỏ vào việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế, giữ vững thế trận lòng dân nơi biên giới.
Minh Hiếu
- Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương những mảnh đời bất hạnh
- Làm giàu từ chế biến lâm sản xuất khẩu
- CÔ GIÁO HUẾ: TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ TỪ THIỆN
- Bí thư chi bộ, trưởng thôn hết lòng vì việc dân
- Những người “chăm việc Đảng, lo việc dân”
- Anh em song sinh đồng lòng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ
- Phòng khám hơn 60 năm chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí cho người lao động
- Nghỉ hưu, bà lão U80 ở TPHCM làm điều đặc biệt cảm ơn cuộc đời
- Doanh nhân vượt khó tích cực tham gia an sinh xã hội
- Chuyện về những “ngân hàng” máu sống