Tấm lòng dành cho trẻ tự kỷ
Với mong muốn mang lại niềm vui, tăng thêm kiến thức, kỹ năng cho những trẻ tự kỷ, những người điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh, Khoa Thần kinh - Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) luôn kiên trì, nhẫn nại, đồng hành cùng trẻ và hơn thế là luôn dành tình yêu thương cho những trẻ tự kỷ. Những tấm lòng ấy đã giúp nhiều trẻ dần hoàn thiện hơn và có hành trang vững bước trong cuộc sống.
Đi qua các phòng trị liệu, chúng tôi phần nào hiểu được những cố gắng, kiên trì của các nữ điều dưỡng. Họ không chỉ là điều dưỡng mà còn như là cô giáo, mẹ hiền lấp đầy những hành trang cần thiết có thể giúp trẻ hòa nhập cuộc sống.
Trong căn phòng trị liệu ngôn ngữ, điều dưỡng Ngô Thị Hoa kiên trì trò chuyện, hướng dẫn trẻ. Những thẻ chữ, thẻ hình được lặp đi lặp lại đủ để các em ghi nhớ, bắt chước và làm theo. Thế nhưng, chốc chốc lại thấy điều dưỡng Hoa nhắc nhở bạn trẻ ngồi nghiêm túc, tập trung vào bài học. Bởi, sự tập trung, ghi nhớ của những trẻ rối loạn tự kỷ rất hạn chế. Do đó, dạy trẻ cần kiên trì, có phương pháp phù hợp và lặp đi lặp lại nhiều lần...
Nhiều trẻ tự kỷ mức độ nặng đi kèm khuyết tật trí tuệ và nhiều rối loạn nên việc tiếp cận tương đối khó. Nhiều trường hợp trẻ không hợp tác, phản kháng la khóc. Thậm chí dù đã hợp tác với các cô, song đôi khi những giây phút rối loạn làm trẻ chạy lung tung, la hét và có xu hướng bạo lực với bản thân và người khác. Bởi vậy, những người điều dưỡng phải chịu rất nhiều áp lực, khó khăn. Đặc biệt, trong thời gian đầu tiếp xúc, tiếp cận với trẻ rất khó. Nếu ai không dành tình cảm, tâm huyết và sự kiên trì thì không thể đồng hành cùng với trẻ. Khi kiên trì và quan tâm thì điều dưỡng dần sẽ nhìn ra những điểm sáng của trẻ để tiếp cận và thúc đẩy sự phát triển của trẻ - điều dưỡng Hoa chia sẻ.
Đó không chỉ là quan điểm của riêng điều dưỡng Hoa, mà các điều dưỡng tại Đơn nguyên Tâm bệnh luôn dành một tình cảm đặc biệt cho những trẻ tự kỷ và luôn chủ động rèn luyện bản thân để mong sao hỗ trợ tốt nhất cho trẻ. Bởi hơn ai hết, chính họ là người tiếp xúc với trẻ hàng ngày, hiểu được những thiệt thòi của trẻ và cũng là người hiểu rõ tính chất, yêu cầu công việc này.
Còn đối với điều dưỡng Võ Thị Trang khi gắn bó với Đơn nguyên Tâm bệnh chị mới thấy rõ sự đặc biệt của những điều dưỡng nơi đây. Không như những khoa khác, khi điều dưỡng thực hiện tiêm, truyền cho trẻ thì luôn có bố mẹ, người thân của trẻ hỗ trợ. Nhưng tại Đơn nguyên Tâm bệnh, mọi hoạt động của điều dưỡng đối với trẻ đều được thực hiện 1-1 và không dùng thuốc can thiệp mà dùng các biện pháp can thiệp bằng tâm lý, giáo dục trong một thời gian dài. Do đó, người điều dưỡng cần dành tình cảm, tâm huyết cũng như thời gian, công sức cho trẻ, giúp các trẻ cảm nhận được sự an toàn, vui vẻ.
“Điều dưỡng không chỉ dạy, hướng dẫn trẻ mà chúng tôi luôn dành cho các em sự yêu thương, chăm sóc qua những cử chỉ, thái độ. Mỗi người điều dưỡng phải trở thành chỗ dựa tinh thần để các con có thể trải lòng cũng như tham gia các hoạt động. Vì thế, nhiều trẻ đã gắn bó như người thân” - điều dưỡng Võ Thị Trang chia sẻ.
Chắc hẳn, ai có mặt tại Đơn nguyên Tâm bệnh, chứng kiến điều dưỡng dỗ dành, âu yếm, hướng dẫn cũng đều cảm nhận được tình thương dành cho trẻ. Song, mình tình yêu thương, sự kiên trì, tâm huyết là chưa đủ để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập và dần phát triển hơn. Bởi, để hỗ trợ trẻ tự kỷ cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là gia đình cần đồng hành cùng điều dưỡng trong giáo dục và rèn luyện cho trẻ. Có như vậy, trẻ mới bứt phá, dần hoàn thiện và phát triển tốt hơn.
- Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương những mảnh đời bất hạnh
- Làm giàu từ chế biến lâm sản xuất khẩu
- CÔ GIÁO HUẾ: TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ TỪ THIỆN
- Bí thư chi bộ, trưởng thôn hết lòng vì việc dân
- Những người “chăm việc Đảng, lo việc dân”
- Anh em song sinh đồng lòng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ
- Phòng khám hơn 60 năm chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí cho người lao động
- Nghỉ hưu, bà lão U80 ở TPHCM làm điều đặc biệt cảm ơn cuộc đời
- Doanh nhân vượt khó tích cực tham gia an sinh xã hội
- Chuyện về những “ngân hàng” máu sống