Đền Độc Cước: Điểm du lịch tâm linh hấp dẫn

Đăng lúc: 08:10:22 18/08/2023 (GMT+7)

Tọa lạc trên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ, Đền Độc Cước là một trong những ngôi đền thiêng nổi tiếng nhất Sầm Sơn.

400277169_1469014207212496_3885107376104430591_n.jpg 
Đền Độc Cước thờ Đức thánh Độc Cước (nghĩa là một chân) gắn liền với sự tích Chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình để vừa đánh đuổi quỷ ngoài khơi vừa đánh giặc trong đất liền cứu dân làng. Ảnh: Hoàng Đông
Theo truyền thuyết, năm ấy một cơn đại hồng thủy đã cuốn hết thảy mọi thứ ra biển Đông, một người phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh hạ bị nước lũ cuốn trôi ra biển, khi nước rút sóng đẩy người phụ nữ vào bờ, thuộc làng Kẻ Trường. Dân làng khóc thương nàng, lấy đất, đá đắp thành nấm mộ, tạo nên dãy núi Trường Lệ (có nghĩa là nước mắt dài). Từ trong bụng người mẹ đó sinh ra cậu bé khôi ngô, chẳng bao lâu sau đã trở thành một chàng trai vạm vỡ, sức khỏe phi thường hàng ngày giúp đỡ dân làng. Cũng vào thời điểm này xuất hiện một loài thủy quái thường ăn thịt ngư chài mỗi khi ra biển, lúc lại vào làng sát hại dân lành, khiến nhiều người hoang mang, bỏ làng đi nơi khác kiếm sống.
373490397_1022845795501586_8953194731028064486_n.jpg
Đền được xây dựng vào thời nhà Trần, đường lên đền là 40 bậc bằng đá. Từ năm 1962, đền Độc Cước đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Nơi đây hiện còn lưu giữ 8 đạo sắc phong về thần Độc Cước do các triều đình phong kiến phong tặng. Ảnh: Hoàng Đông
Để diệt bầy thủy quái, chàng đã tự xé thân mình làm đôi. Một nửa theo người dân ra khơi đánh cá, một nửa lưu lại trên hòn Cổ Giải để chống loài quỷ biển bảo vệ người dân. Bàn chân của chàng đã in sâu vào núi đá truyền lại đến muôn đời.
366820744_334826652474550_791442949511425109_n.jpg
Đền Độc Cước thờ Đức thánh Độc Cước (nghĩa là một chân) gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xẻ đôi thân mình để vừa đánh đuổi quỷ ngoài khơi vừa đánh giặc trong đất liền cứu dân làng. Ảnh: Hoàng Đông
Để nhớ công ơn diệt quỷ biển bảo vệ sự bình yên cho xóm làng, người dân đã lập đền thờ thần Độc Cước tại nơi có vết chân in sâu vào vách núi để cầu mong sự che chở, phù hộ cho cuộc sống được bình yên.
371449675_895097301975936_5304580737986744995_n.jpg
 
Theo truyền thuyết dân gian, Sầm Sơn xưa kia là một vùng biển yên bình. Một ngày nọ đám quỷ biển xuất hiện, chúng cướp phá, đánh giết dân làng. Cậu bé Độc Cước lớn nhanh như thổi thành chàng trai cao to, có sức khỏe phi thường, đánh đuổi bọn quỷ biển. Nhưng khi cậu vào bờ thì chúng phá trên biển và ngược lại, khiến người dân muôn phần sợ hãi. Để bảo vệ dân làng, chàng đã xẻ thân mình làm đôi. Một nửa theo người dân ra khơi đánh cá, một nửa lưu lại trên hòn Cổ Giải để chống loài quỷ biển. Ảnh: Hoàng Đông
396666126_1230767801213620_5281896635284691807_n.jpg
Trong đền còn có nhiều hiện vất quý giá, trong đó có một cặp tượng phỗng tạc bằng chất liệu đá khối . Ảnh: Hoàng Đông
Đền Độc Cước được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1962. Nơi đây hiện còn lưu giữ 8 đạo sắc phong về thần Độc Cước do các triều đình phong kiến phong tặng. Trong đền có thờ tượng thần Độc Cước bằng gỗ có một tay và một chân. Ngoài ra, trong Đền còn có hai pho tượng ngựa đúc bằng đồng, nhiều câu đối bằng chữ nho ca ngợi công lao của vị thần Độc Cước, cặp tượng phỗng tạc bằng chất liệu đá khối…
369505978_597496079120890_738764227121456446_n.jpg
Nơi đây còn lưu giữ 8 đạo sắc phong về thần Độc Cước do các triều đình phong kiến phong tặng. Ngoài ra còn có nhiều câu đối ca ngợi công lao của vị thần Độc Cước. Ảnh: Hoàng Đông
Trong gió chiều lồng lộng, bước chân du khách thong dong dạo trên những bậc đá rợp bóng cờ, hướng mắt trông lên ngôi đền Độc Cước linh thiêng bên bờ biển. Cửa tam quan nhuốm màu rêu phong, mang đậm kiến trúc thời Nguyễn, hai bên cửa tạc hai ông hộ pháp oai vệ tay cầm gươm đứng canh đền và hai con voi chầu vừa mang vẻ cổ kính vừa gợi lên nét cô tịch, thần bí. Cảnh quan thiên nhiên nơi đây như khúc thiền thanh thản, tịnh tâm...

Kiến trúc đền theo kiểu chuôi vồ - kiểu kết cấu cổ và độc đáo còn lưu lại trên đất Thanh Hóa, trong đó có tiền đường, trung đường, hậu cung và cung cấm. Các chi tiết chạm khắc, đắp nổi công phu, khéo léo càng làm tôn lên nét độc đáo, tiêu biểu trong kiến trúc- mỹ thuật của ngôi đền. Đề tài trang trí chủ yếu là hoa cỏ, vật linh. Trong kiến trúc và trang trí của nhà tiền đường, đặc sắc nhất là những bức cốn mê chạm tứ linh, đan xen hoa cỏ; các bẩy ngoài cũng chạm những con vật linh hoặc hoa sen với những lá sen úp ngược; trên nóc có đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt. Ở y môn chạm khắc rồng chầu mặt trời... Sự phối hợp giữa chạm nổi và chạm tròn đã tạo nên những khối kiến trúc đặc sắc, tinh tế, làm cho tâm hồn con người thêm tĩnh lặng, hòa nhập với không gian thờ cúng đồng thời vừa đề cao sức mạnh siêu nhiên của thánh thần.

Đi qua tiền đường, trung đường, bước vào hậu cung, ở gian ngoài là không gian thờ thần Độc Cước, có bức tượng làm bằng gỗ đen tuyền chỉ có một nửa thân mình, khắc họa hình ảnh thần Độc Cước tay cầm búa vững vàng, oai vệ. Hai bên là hai ngai thánh vị, thờ Tô Hiến Thành bên trái và Hoàng Minh Tự bên phải, hai vị phúc thần được phối thờ với Thành hoàng Độc Cước.

Khu vực cung cấm một năm mở cửa một lần. Cung cấm có khám thờ, trong khám đặt một chiếc ngai trên có thần vị ghi bốn chữ triện sơn son thếp vàng “Chu Minh thánh vị”, Ngoài ra, nơi này hiện lưu giữ 8 sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam đựng trong hộp gỗ. Ngay dưới khám bằng gỗ sơn son tương truyền là dấu chân thần Độc Cước hằn in trên đá.
363487248_335471532447590_4107244407879292169_n.jpg
Sắc phong Cảnh Hưng năm thứ 44 ngày 26 tháng 7 có ghi: “Độc Cước là vị thánh linh thiêng vào bậc nhất trong hàng Thánh mà không vị nào bằng. Ngài đem sự tài giỏi, linh thiêng ấy để gìn giữ bờ cõi cho đất nước bảo vệ dân làng và muôn vật. Đối với kẻ ác thì trừng trị thẳng tay, thật là một vị thánh đầy đủ nhân hậu”.Ảnh: Hoàng Đông
Đền Độc Cước là nơi diễn ra lễ hội cầu phúc với nhiều nghi lễ, hoạt động độc đáo, sôi động, mang đậm sắc thái văn hóa vùng biển. Cuốn sách “Linh tích Sầm Sơn” (Hoàng Thăng Ngói, NXB Thanh Hóa, tập 1) cho biết: Lễ cầu phúc đền Độc Cước là đại tế của xã Lương Niệm xưa, gồm 4 làng lớn nhất của vùng Sầm Sơn, 4 năm tổ chức một lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Làng đăng cai phải chuẩn bị sân bãi và tất cả mọi phí tổn, kể cả lễ vật dâng cúng thần. Các làng rước kiệu Thành hoàng làng mình về nơi tổ chức lễ hội, kiệu thần Độc Cước để trên rồi đến kiệu các làng theo thứ tự thần sắc: Thượng thượng đẳng, thượng đẳng, trung đẳng thần... Vui nhất là cả vùng Sầm Sơn rước kiệu diễu qua các làng dọc bãi biển rồi tụ hội về khu vực đền Độc Cước. Ngoài ra, người dân được hòa mình vào phần lễ với nhiều hoạt động độc đáo như: kéo co, vật tay, cà kheo... Độc đáo, mang đậm sắc thái văn hóa vùng biển là thế nhưng suốt một thời gian dài, lễ hội cầu phúc đền Độc Cước bị mai một. Đến năm 2008, ngành văn hóa Sầm Sơn mới chính thức khôi phục lại lễ hội này. Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước được phục dựng trên cơ sở lệ tục, phong tục mà cộng đồng cư dân lưu giữ như: nghi thức tế lễ, rước thần, lễ vật...
386890185_1353449162206059_671172085980923142_n.jpg

400564270_1707973616380600_7311091352048461257_n.jpg
Từ Sầm Sơn, dấu ấn thần Độc Cước in đậm trong nhiều di tích khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Đền thờ thần Độc Cước, làng Hổ Cứ, xã Lộc Sơn (Hậu Lộc); đình Thanh Nga, xã Hoằng Trinh, nghè My Du, xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa); đình làng Vân Trai, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy); nghè Hậu, thôn Phú Lạc, xã Ngọc Lĩnh (thị xã Nghi Sơn)... Mỗi di tích vừa như một nốt nhạc cùng ngân vang hòa tấu trong bài ca ngợi công đức thần Độc Cước, tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa, đời sống tín ngưỡng - tâm linh của người dân xứ Thanh.
Gắn với những truyền thuyết, huyền thoại xẻ đôi thân mình chiến đấu với quỷ biển, bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân, thần Độc Cước được xem như “biểu tượng trong đấu tranh chống thế lực ngoại xâm và bảo vệ biển đảo của cộng đồng ngư dân Thanh Hóa”. Những truyền thuyết, huyền thoại và sự hiện diện của hệ thống di tích góp phần làm dày thêm vỉa tầng văn hóa - tín ngưỡng của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này.

Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Địa chí Thành phố Sầm Sơn”, NXB Thanh Hóa, 2022.

Anh Tuân 


 
Tin nổi bật
Thiết thực hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025)Thiết thực hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025)
Gặp mặt đoàn đại biểu thiếu nhi tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ X Gặp mặt đoàn đại biểu thiếu nhi tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ X
HỘI THI TIN HỌC TRẺ TỈNH THANH HOÁ NĂM 2025HỘI THI TIN HỌC TRẺ TỈNH THANH HOÁ NĂM 2025
HỘI NGHỊ TẬP HUẤN KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC RAU THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN...HỘI NGHỊ TẬP HUẤN KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC RAU THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN HUYỆN ...
HỘI NGHỊ TẬP HUẤN XÂY DỰNG TỔ HỢP TÁC, HỢP TÁC XÃ AN TOÀN THỰC PHẨM CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN HUYỆN...HỘI NGHỊ TẬP HUẤN XÂY DỰNG TỔ HỢP TÁC, HỢP TÁC XÃ AN TOÀN THỰC PHẨM CHO ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN HUYỆN ...