Nếu là người hãy là người cộng sản! Kỳ 2: Bước phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng
Đăng lúc: 10:00:00 31/10/2024 (GMT+7)
Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, việc giữ vững bản chất cách mạng, đạo đức trong sáng của Đảng là vấn đề cấp thiết, thường xuyên và lâu dài. Thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên nhằm không ngừng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ.
Nhận thức của Đảng ta về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là một quá trình thống nhất biện chứng, được hoàn thiện một cách đồng bộ, toàn diện và dần hoàn chỉnh trong suốt hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Có thể khẳng định, những đặc trưng riêng về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên Việt Nam được kết tinh từ đạo đức truyền thống ngàn đời của dân tộc kết hợp với những giá trị chuẩn mực được gây dựng, hình thành trong quá trình đấu tranh gìn giữ độc lập dân tộc và tiếp nối, phát huy trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Từ 23 phẩm chất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra với tư cách người cách mệnh trong tác phẩm “Đường cách mệnh” ra đời từ trước khi thành lập Đảng, đến Đại hội II những vấn đề chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được đề cập cụ thể hơn trong các văn kiện của Đảng. Chính nhờ tu dưỡng, rèn luyện theo những chỉ dẫn đó, các lớp đảng viên tiền bối của Đảng đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời mình để tô thắm thêm đạo đức trong sáng của người cách mạng, nên đã thuyết phục được nhân dân một lòng một dạ tin vào Đảng, đi theo Đảng. Cũng vì thế, mặc dù chỉ có chưa tới 5 nghìn đảng viên Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc sau hơn 80 năm dưới ách thực dân xâm lược, phát xít.
Dẫu vậy, ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền và những đảng viên trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, Đảng đã nhanh chóng nhận diện trong hoàn cảnh, điều kiện mới, cán bộ, đảng viên sẽ phải đối diện với những “viên đạn bọc đường” luôn làm xao động ý chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của họ để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Do vậy, trong nhiều tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các cấp ủy đảng, đảng viên phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Muốn thế phải xác định mình ở vị thế của những công bộc của dân, phục vụ nhân dân, không phải là những “quan cách mạng”.
Điều lệ Đảng được Đại hội III (năm 1960) thông qua đã khẳng định rõ hơn chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên: “Đảng gồm những người giác ngộ tiên tiến, gương mẫu, dũng cảm và hy sinh nhất trong giai cấp công nhân, trong nông dân lao động, trí thức cách mạng và các tầng lớp nhân dân lao động khác, tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng mà phấn đấu…”. Đặc biệt, năm 1960, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Ngay cả trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng Người để lại cho muôn đời sau, vấn đề đạo đức cách mạng cũng được Người nhắc đến như một điểm nhấn quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
Có thể nói, phẩm chất sáng ngời của người cộng sản giai đoạn này chính là tinh thần hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Biểu hiện rõ ràng nhất chính là tinh thần chiến đấu, sự hi sinh anh dũng của một thế hệ cha ông.
Thành quả của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta ngày hôm nay chính là sự đánh đổi của biết bao máu và xương của các anh hùng dân tộc. Những người chiến sỹ cộng sản kiên cường ấy mang trong mình một tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc, với đồng bào, nguyện hy sinh thân mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như: dũng sĩ đâm lê Hoàng Văn Nô, anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, anh Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai…
Chúng ta từng biết đến âm hưởng hào hùng một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” của biết bao thanh niên Việt Nam mang trong mình chân lý “không gì quý hơn độc lập, tự do”, sẵn sàng gác bút nghiên lên đường chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập của dân tộc.
Những dòng chữ đầy cảm xúc trong bản tự nhận xét khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản của liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã đại diện cho lý tưởng, hoài bão sống và khát vọng cống hiến của một thế hệ trẻ: “Tha thiết yêu Đảng, yêu Đoàn. Cần phải nỗ lực nhiều để đền đáp công ơn của Đảng. Đối với bạn, với đồng chí luôn quan tâm giúp đỡ và thực hiện đấu tranh phê bình tốt. Tích cực, có nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công tác. Rèn luyện tu dưỡng thường xuyên”. Chị cũng đã ngoan cường chiến đấu và hi sinh như tinh thần của Ma-ri-uýt, của Ga-vơ-rốt trên chiến lũy thành Pa-ri mà chị từng ngưỡng mộ, khi chưa tròn 28 tuổi đời.
Chính những đại diện tiêu biểu này là những tấm gương về phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời để thế hệ sau này mãi mãi học tập và noi theo. Họ đã truyền đi cảm hứng về một thế hệ những người cộng sản luôn mang theo mình lý tưởng, hoài bão, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, hi sinh lợi ích cá nhân, tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước lại bước vào một giai đoạn phát triển mới - thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội IV (năm 1976), Đảng ta xác định đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới cần được chú trọng rèn luyện, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng: “... Đảng viên phải là người có giác ngộ lý tưởng cộng sản, tuyệt đối trung thành với cách mạng, tự nguyện suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Trước yêu cầu mới của cách mạng, Đại hội V của Đảng (năm 1981) đặt ra tiêu chuẩn riêng đối với người cộng sản: “Đảng viên dù là ở cương vị công tác nào cũng đều phải là những chiến sỹ cộng sản có lý tưởng và hành động theo đường lối của Đảng”.
Bước vào công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986), bối cảnh tình hình đã đặt ra yêu cầu cao hơn với đội ngũ cán bộ đảng viên, trong đó Đảng đề cao và chú trọng yêu cầu chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Mặc dù giai đoạn này, Đảng chưa chính thức đưa ra quan điểm cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng, nhưng trong tư tưởng chỉ đạo đã phản ánh được khá rõ vị trí then chốt của cán bộ và công tác cán bộ: “Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”. Theo đó, Đảng xác định: “Công tác tư tưởng phải hướng vào việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản và tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa, khơi dậy ý chí cách mạng của quần chúng”.
Các tin khác
- Phản bác, phê phán quan điểm sai trái và nhận thức lệch lạc về nguyên tắc tự phê bình và phê bình
- Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đơn thư nặc danh để tố cáo sai sự thật
- Một số quan điểm, nguyên tắc trong giải quyết vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc ở Việt Nam
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giáo dục liêm chính
- Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học về công tác xây dựng Đảng
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'
- Đảm bảo và thúc đẩy quyền con người - nhân tố quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nếu là người hãy là người cộng sản! Kỳ 3: Những chuẩn mực đạo đức thời kỳ mới
- Nếu là người hãy là người cộng sản!
- Nếu là người hãy là người cộng sản! Kỳ 2: Bước phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng