Nếu là người hãy là người cộng sản! Kỳ 3: Những chuẩn mực đạo đức thời kỳ mới
Đăng lúc: 13:52:53 01/11/2024 (GMT+7)
Trong suốt 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của mình bằng bản lĩnh, trí tuệ và sự nêu gương về đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta lại đặt ra những yêu cầu riêng đối với năng lực, phẩm chất của người cán bộ, đảng viên.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, những phẩm chất chính trị mới mang tính thời đại đang tiếp tục được Đảng ta xây dựng và củng cố.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị là sự thể hiện “tính Đảng” của mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm; là tinh thần và ý chí “phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính Đảng, tính giai cấp, nó đảm bảo cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của Nhân dân”.
Đề cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ phải không phải là vấn đề mới nhưng trong tình hình hiện nay đó là một yêu cầu cấp thiết và là một tiêu chuẩn đạo đức cần thiết của cán bộ.
Đảng ta xác định, bản lĩnh chính trị luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu, là yếu tố cơ bản, căn cốt để bồi đắp, giữ vững và lan tỏa phẩm chất cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ có bản lĩnh chính trị, cán bộ, đảng viên mới kiên định được lập trường, giữ vững ý chí, khát vọng, khả năng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Ngay từ Đại hội VIII, Đảng yêu cầu cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn chung còn phải: “Có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có năng lực dự báo và định hướng sự phát triển, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật; thuyết phục và tổ chức nhân dân thực hiện. Có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”.
Đảng ta cũng sớm nhận định, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có nguyên nhân do bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Trong những nhiệm kỳ gần đây, thực tế đã cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngay cả những cán bộ cấp cao của Đảng do thiếu rèn luyện, không đủ bản lĩnh chính trị để vượt qua những cám dỗ vật chất đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn vun vén lợi ích cá nhân, sa vào “lợi ích nhóm”, làm giàu bất chính. Điều đó làm suy giảm sức mạnh của tổ chức, làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng.
Bên cạnh đó, bối cảnh tình hình thực tiễn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, cũng như tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đã đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi mới trong việc tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII nhận định: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình…”.
Vậy nên, chuẩn mực đạo đức về bản lĩnh chính trị là yêu cầu bao trùm đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Khái niệm bản lĩnh chính trị trong giai đoạn mới được mở rộng hơn. Việc rèn luyện bản lĩnh chính trị sẽ không chỉ dừng lại ở việc thấm nhuần sâu sắc mục tiêu, lý tưởng cách mạng; kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng; suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; mà đảng viên "bản lĩnh" cũng phải là những người có "tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến". Họ phải có tinh thần cởi mở, ham học hỏi, có đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó và có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế khi đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bên cạnh sự kiên định về quan điểm, tư tưởng chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần phải có bản lĩnh vững vàng trước những diễn biến phức tạp, thay đổi khó lường, đan xen thuận lợi, thời cơ, thách thức trong giai đoạn hiện nay.
Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên còn phải thể hiện tinh thần chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh vạch trần, phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động đang ra sức chống phá Đảng, Nhà nước.
Về cách dùng cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có bản lĩnh "Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến"; "Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc"; "Phải có gan cất nhắc cán bộ". Người chỉ rõ "Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo "đập đi, hò đứng", không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng".
Với quan điểm về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được triển khai qua Nghị quyết số 26-NQ/TW (khoá XII), quan điểm của Đảng được chỉ rõ: “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.
Chính vì vậy, trong Văn kiện Đại hội XIII, lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến vấn đề đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cán bộ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”. Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị cũng ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Theo đó, tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là phẩm chất đặc biệt, được Đại hội XIII của Đảng khẳng định trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay.
Thực tiễn đã chỉ rõ, trước những khó khăn, thách thức, người cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chính là người có quyết tâm, có tầm nhìn, có suy nghĩ táo bạo, dám đưa ra quyết định đột phá, để không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà hơn thế còn mang lại lợi ích to lớn cho dân tộc, cho Nhân dân ta.
Họ là người trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật, mạnh dạn đưa ra quyết định trên cơ sở đã nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương; mạnh dạn bỏ cách nghĩ, cách làm đã cũ, không còn phù hợp; dám đương đầu trực diện với khó khăn, thử thách; có lúc phải chấp nhận rủi ro trong công việc, đứng mũi chịu sào, không tranh công, đổ lỗi, dám nhận trách nhiệm về mình và chịu trách nhiệm đến cùng với công việc…
Tuy nhiên, khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng diễn ra quyết liệt, “không vùng cấm, không ngoại lệ” đã làm phát sinh căn bệnh “sợ trách nhiệm”, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng mà không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Các tin khác
- Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học về công tác xây dựng Đảng
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'
- Đảm bảo và thúc đẩy quyền con người - nhân tố quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nếu là người hãy là người cộng sản! Kỳ 3: Những chuẩn mực đạo đức thời kỳ mới
- Nếu là người hãy là người cộng sản!
- Nếu là người hãy là người cộng sản! Kỳ 2: Bước phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong nhận thức của người trẻ
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Tuyên truyền, lan toả nội dung và phát huy giá trị Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng