Nếu là người hãy là người cộng sản!
Đăng lúc: 14:00:00 31/10/2024 (GMT+7)
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, các thế hệ người Việt Nam đã xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp. Kế thừa và phát huy những giá trị đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Người coi đạo đức cách mạng là gốc, là phẩm chất nền tảng của cán bộ, đảng viên.
Từ những khai mở của chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với những giá trị tinh hoa của nhân loại, Người đã vận dụng và phát triển những triết lý về đạo đức cộng sản trở thành những những tư tưởng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên ở Việt Nam. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng gửi tới độc giả loạt bài viết 4 kỳ với tiêu đề “Nếu là người hãy là người cộng sản!” của TS. Nguyễn Trung Dũng và NCS. Cao Thị Phương.
KỲ 1: NHỮNG CHUẨN MỰC KHÔNG BAO GIỜ CŨ
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch để thực sự vững mạnh, thực sự là Đảng chân chính cách mạng theo học thuyết đảng kiểu mới của V.I. Lê-nin. Người yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải là hiện thân của “danh dự và lương tâm của dân tộc”, “là đạo đức, là văn minh”.
Ngay từ sớm, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã cho rằng, những giá trị đạo đức của giai cấp vô sản sẽ hình thành nên đạo đức của xã hội tương lai, đó là đạo đức cộng sản, một kiểu đạo đức mang tính nhân văn, nhân đạo nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại.
Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăng-ghen chỉ rõ: "Trong các xã hội có đối kháng giai cấp, tư tưởng đạo đức thống trị chính là tư tưởng đạo đức của giai cấp thống trị. Theo đó, cơ sở hình thành đạo đức là nền tảng kinh tế - xã hội, gắn liền với quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức và hoạt động thực tiễn của con người. Nền tảng đó đóng vai trò to lớn đối với sự hình thành, phát triển của đạo đức mới - đạo đức cộng sản".
Theo C.Mác, các hệ thống lý luận đạo đức của các giai cấp khác nhau trong xã hội thường biểu biện giá trị đạo đức của cả thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, lợi ích của giai cấp công nhân căn bản thống nhất với lợi ích của người lao động, và cũng từ đó, đạo đức và chính trị càng trở nên gắn bó mật thiết với nhau, đồng thời trở thành những yếu tố căn bản trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Dưới chế độ xã hội mới này, “chính trị là đức, chuyên môn là tài”, hai mặt đó luôn thống nhất với nhau trong nhân cách của người cách mạng.
C.Mác cũng từng chỉ ra những điều kiện cần và đủ để Đảng Cộng sản có thể làm tròn nhiệm vụ của Đảng tiên phong là có “đầu não” và “trái tim”. “Đầu não” là trí tuệ, là triết học (phép biện chứng duy vật, sau này V.I.Lê-nin gọi là chủ nghĩa duy vật chiến đấu). “Trái tim” là nhiệt huyết, dũng cảm, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, bất công, tàn bạo; là lương tâm và trách nhiệm đối với quần chúng cần lao; là yêu thương con người và chống lại tất cả những cái xấu xa mất nhân tính.
Theo V.I Lê-nin, xây dựng Đảng về đạo đức và các yêu cầu chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản luôn luôn luôn cấp bách và cần thiết. Chuẩn mực đạo đức chính là những yếu tố cấu thành của ý thức đạo đức, là những nguyên tắc, quy tắc đạo đức được mọi người thừa nhận trở thành mực thước, khuôn mẫu để xem xét, đánh giá và điều chỉnh hành vi con người trong xã hội.
Trong diễn văn đọc tại Đại hội III toàn Nga của Đoàn Thanh niên cộng sản Nga (ngày 02-10-1920), V.I. Lê-nin không chỉ đưa ra quan niệm về đạo đức cộng sản, mà còn nói rõ về nguồn gốc, yêu cầu, mục đích, cơ sở của đạo đức cộng sản. Theo ông, “Đạo đức của chúng ta là từ những lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà ra”; “Đạo đức của chúng ta phải hoàn toàn phục tùng lợi ích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản”; Đạo đức cộng sản “là đạo đức nhằm đoàn kết những người lao động chống mọi sự bóc lột, chống mọi chế độ tư hữu nhỏ”; “Cơ sở của đạo đức cộng sản là cuộc đấu tranh để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản”.
Các chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản được nói tới trong nhiều tác phẩm, bài viết, diễn văn, thư từ của V.I.Lê-nin được viết vào giai đoạn sau Cách mạng Tháng Mười có thể được khái quát thành các nhân tố như: Phẩm chất trung thành, trước hết là trung thành với Đảng, với cách mạng và sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động; tinh thần tự giác gánh vác nhiệm vụ gian khổ, hiểm nguy và hy sinh quên mình phục vụ chủ nghĩa cộng sản; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; tận tâm, tận tụy, trách nhiệm với công việc; tinh thần gương mẫu, nêu gương, làm gương; khiêm tốn, cầu thị, không “kiêu ngạo cộng sản”, không tự phụ, không tự cao tự đại; thái độ khách quan, không thiên vị, không hẹp hòi, không có đầu óc bè phái, phường hội; không tham ô, hối lộ; tiết kiệm, tránh lãng phí; không ham địa vị, không lạm quyền, không đặc quyền, đặc lợi; trung thực, không che giấu sai lầm, khuyết điểm, dũng cảm nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa; không quan liêu; tôn trọng, gần gũi, tin tưởng và phục vụ lợi ích của nhân dân...
Các tin khác
- Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đơn thư nặc danh để tố cáo sai sự thật
- Một số quan điểm, nguyên tắc trong giải quyết vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc ở Việt Nam
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giáo dục liêm chính
- Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học về công tác xây dựng Đảng
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'
- Đảm bảo và thúc đẩy quyền con người - nhân tố quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nếu là người hãy là người cộng sản! Kỳ 3: Những chuẩn mực đạo đức thời kỳ mới
- Nếu là người hãy là người cộng sản!
- Nếu là người hãy là người cộng sản! Kỳ 2: Bước phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong nhận thức của người trẻ