Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc “Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin”

Đăng lúc: 10:21:31 07/06/2022 (GMT+7)

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời minh chứng rằng, nhờ có chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập dân tộc và đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 
phan-bac-quan-diem-sai-trai-xuyen-tac-tu-tuong-ho-chi-minh-doi-lap-voi-.jpg

Thực tiễn cách mạng cũng cho thấy, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là hai cấu phần hợp thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Hai yếu tố này có quan hệ hữu cơ với nhau, không thể thiếu một yếu tố nào. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện một số ý kiến tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí còn tìm cách luận giải cho rằng chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với cách mạng Việt Nam, còn chủ nghĩa Mác - Lênin là “yếu tố ngoại lai” không phù hợp và đi đến kết luận rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin”(?). Đây là một quan điểm sai trái, xuyên tạc về mối quan hệ gắn bó mật thiết, hữu cơ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; tưởng như là đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự khẳng định những công lao, cống hiến của Hồ Chí Minh với đất nước và dân tộc Việt Nam, nhưng thực chất là nhằm tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; âm mưu phủ định cơ sở lý luận quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ định thế giới quan và phương pháp luận khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là bước đi nhằm tiến tới phủ định bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.
 
Trên thực tế, các thế lực phản động, thù địch chưa bao giờ và chắc chắn sẽ không bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, trong đó, nổi lên hiện nay là sự chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Rõ ràng, tư tưởng, văn hóa là mặt trận hết sức gay gắt, quyết liệt của cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, làm thất bại các âm mưu phá hoại của các thế lực phản động, thù địch. Những mưu toan kích động, xuyên tạc nhằm “hạ bệ thần tượng”, làm nghi ngờ, hoang mang, dao động, thậm chí gây chia rẽ, mâu thuẫn, hỗn loạn nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng trong hàng ngũ những người cộng sản, từ đó dẫn tới mất phương hướng, mâu thuẫn, rối loạn trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, đưa đến những sai lầm, làm mất uy tín, ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân và do đó đánh mất vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị, đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, có lúc công khai, trắng trợn, có lúc tinh vi, xảo quyệt. Việc tuyên truyền, xuyên tạc về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí cho rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin” nằm trong những mưu toan đó của các thế lực phản động, thù địch và thực chất không có gì mới.
 
Trước hết, cần phải nhận rõ mưu toan cắt xén và đánh tráo khái niệm của các ý kiến cố ý xuyên tạc, tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Những ý kiến xuyên tạc về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, Hồ Chí Minh là một người yêu nước, là một người theo chủ nghĩa dân tộc, chỉ mong muốn làm thế nào để giải phóng đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết về đấu tranh giai cấp, là hệ tư tưởng chỉ của riêng giai cấp công nhân, nên đối lập với cả chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh theo đuổi. Những ý kiến kiểu này đã cố ý không thấy một thực tế là Hồ Chí Minh không chỉ muốn giải phóng đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc, mà quan trọng hơn nữa là phải làm thế nào để dân tộc được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no thực sự sau khi giành được độc lập, như Người đã từng mong muốn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Bởi trong quan niệm của Người, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2), “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(3).
 
Đó chính là lý do để lý giải vì sao mặc dù đánh giá cao cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và có những thiện cảm, đúc kết được những kinh nghiệm quý báu từ cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp, nhưng Hồ Chí Minh đã nhận xét những cuộc cách mạng đó về bản chất đều là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, chỉ mang lại quyền lợi cho một thiểu số người trong xã hội và quyết định không lựa chọn con đường phát triển của dân tộc Việt Nam theo hình mẫu của các cuộc cách mạng này. Thực tế, chúng ta đều biết, Người đã lựa chọn con đường cách mạng do chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra, con đường cách mạng vô sản, thực hiện ba sự nghiệp giải phóng: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người trong một chỉnh thể nhất quán. Con đường đó Hồ Chí Minh đã lựa chọn, bởi vì nó thực sự mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số, có tôn giáo hay không theo tôn giáo, nam hay nữ,... đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc một cách triệt để mà Người luôn theo đuổi.
 
Những ý kiến cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đánh tráo khái niệm khi luận giải Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết, trong khi chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ coi trọng vấn đề giai cấp. Như vậy, rõ ràng là tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin (?).
 
Đúng là trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, khi giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết, vấn đề giai cấp phải xếp sau vấn đề dân tộc và phục vụ cho vấn đề dân tộc. Nhưng đây là sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh đối với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là sự quán triệt, vận dụng đúng đắn linh hồn của chủ nghĩa Mác - Lênin - phương pháp luận duy vật biện chứng vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam; là sự vận dụng quy luật chung vào hoàn cảnh cụ thể, đặc thù, hết sức sinh động, muôn màu, muôn vẻ của những hiện tượng, quá trình lịch sử riêng biệt. Sự vận dụng và phát triển sáng tạo đó là cần thiết, theo đúng lời dặn của V.I.Lênin: “Chúng ta không hề coi lý luận Mác như một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng lý thuyết đó chỉ đặt nền móng cho một môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống”(4). Vì vậy, không thể đánh đồng sự vận dụng và phát triển sáng tạo với sự mâu thuẫn, đối lập.
 
Thứ hai, cần phải thấy rõ, Hồ Chí Minh luôn nhất quán cả về tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn trong việc đánh giá rất cao chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định là một người theo chủ nghĩa Mác - Lênin

Khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh không chỉ trăn trở tìm kiếm lời giải bài toán làm thế nào, bằng cách nào để giành lại nền độc lập của nước nhà, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị ngoại bang, mà còn mong muốn tìm ra một hệ tư tưởng làm nền tảng cho con đường đi của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng xã hội mới. Qua những trải nghiệm hết sức phong phú trong thực tiễn khảo sát, khảo nghiệm những con đường cứu nước của các dân tộc trên thế giới, Người nhận thức rõ rằng đường lối cứu nước, giải phóng và phát triển dân tộc phải được xây dựng trên một nền tảng tư tưởng nhất định thì mới đảm bảo tính nhất quán và sự thông suốt trong cả tư tưởng và hành động của lực lượng cách mạng, trước hết là lực lượng lãnh đạo, từ đó đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Lực lượng lãnh đạo phải có chủ nghĩa làm cốt và ai cũng phải hiểuai cũng phải theo chủ nghĩa ấy, tức là phải thống nhất quán triệt, vận dụng chủ nghĩa ấy trong quá trình vận động và tổ chức sự nghiệp cách mạng thì sự nghiệp đó mới thành công được.
 
456(1).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc
Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5/9/1960.

Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, lực lượng lãnh đạo mà không có chủ nghĩa làm nòng cốt thì cũng giống như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam(5). Người không có trí khôn thì đương nhiên sẽ không thể có chủ trương, đường lối đúng đắn được; và tàu không có la bàn dẫn đường thì cũng sẽ không thể xác định được hướng đi đúng giữa đại dương mênh mông.
 
Nhưng vấn đề thậm chí còn quan trọng hơn nữa trong thời đại của Hồ Chí Minh là Người phải xác định, phải lựa chọn đi theo chủ nghĩa nào, học thuyết nào. Bởi lẽ, như Người từng chỉ rõ “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều”. Đi theo chủ nghĩa nào là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra, buộc phải có sự lựa chọn, cân nhắc cho chính xác. Đó là hệ tư tưởng dân chủ tư sản hay hệ tư tưởng vô sản, hoặc nhân danh là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, nhưng thực chất đã bị tha hóa, biến tướng, như chủ nghĩa công liên, nghiệp đoàn vàng, chủ nghĩa xét lại...? Trong bối cảnh đầy những phức tạp, tiềm ẩn nhiều “ngõ cụt” đó, Hồ Chí Minh đã biết phát hiện ra và tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng tiên tiến nhất, cách mạng nhất và nhân văn nhất của thời đại, trong khi những người Việt Nam khác, dù cũng giàu lòng yêu nước và từng sống nhiều năm ở nước ngoài như nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, luật sư Phan Văn Trường... nhưng vẫn không nhìn ra được. Người chỉ rõ: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(6).
 
Đó là sự tổng kết, đúc rút của Hồ Chí Minh từ thực tiễn nghiên cứu, khảo sát phong phú các phong trào đấu tranh yêu nước, các cuộc cách mạng của các dân tộc khác nhau trên thế giới.
 
Trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm ra, hay chính xác hơn là xây dựng lên con đường đi đúng đắn cho bản thân và cũng là con đường đi đúng đắn cho toàn thể dân tộc, được dân tộc lựa chọn. Đó là con đường dựa chủ yếu vào sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết của toàn thể quốc dân đồng bào, đồng thời tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đánh đuổi giặc ngoại xâm, rồi đi tới xây dựng một xã hội mới mang lại hạnh phúc, ấm no thực sự cho tất cả mọi người dân, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, một xã hội không còn áp bức, bất công, thực hiện giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó chính là con đường giải phóng triệt để.
 
Chính trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là phương pháp luận duy vật biện chứng, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp vĩ đại cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, đồng thời Người cũng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trước hết là hoạch định, xây dựng một con đường đi mới đúng đắn, nhân văn.
 
Sau này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhiều lần Hồ Chí Minh khẳng định vai trò nền tảng tư tưởng, dẫn đường của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Người chỉ rõ vai trò nền tảng, soi đường hết sức quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc”(7); “Chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động”(8); “Chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa cách mạng và khoa học nhất”(9); “Chủ nghĩa Mác - Lênin là ngọn đuốc soi sáng con đường cho dân tộc chúng tôi tiến tới tương lai tươi sáng”(10); Chủ nghĩa Mác - Lênin “không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(11).
 
Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực về sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, đã mang lại những thành công cho cách mạng Việt Nam và đưa dân tộc Việt Nam đến những thành tựu như hiện nay./.
 
PGS. TS.  LÝ VIỆT QUANG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
-------------------
(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.187, 64, 175, 232.
(5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289, 289.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.359.
(8) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.120, 414.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.181.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.563.

Theo Tuyên giáo.vn
Tin nổi bật
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN
Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹpĐại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4): Tổng kết Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyệnĐoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4): Tổng kết Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện
Nâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhiNâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi