Phê phán nhận thức lệch lạc về bảo đảm chính sách tiền lương cho lực lượng vũ trang
Đăng lúc: 10:00:00 26/08/2024 (GMT+7)
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nghị quyết, chính sách liên quan đến cải cách tiền lương, trong đó có tiền lương của LLVT.
Đây là những quyết sách đúng đắn, phù hợp, góp phần xây dựng LLVT nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, một số người đã có nhận định sai trái khi cho rằng, “cán bộ, chiến sĩ LLVT thời nay có phải chiến đấu, hy sinh đâu mà được bảo đảm tiền lương cao hơn các thành phần hưởng lương khác”. Đây là nhận thức lệch lạc cần phải phê phán.
Việc cải thiện tiền lương cho LLVT là phù hợp với ý Đảng, lòng dân
Tiền lương là một trong những động lực quan trọng hàng đầu để bảo đảm cuộc sống cho các đối tượng được hưởng lương trong khu vực công nói chung, LLVT nói riêng, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đổi mới chính sách tiền lương, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ LLVT ngày càng có mức thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống tốt hơn.
Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Quân đội đề ra chủ trương: “Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại”.
Đảng ta xác định, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của cả hệ thống chính trị, trong đó LLVT giữ vai trò nòng cốt. Đây là cơ sở, tiền đề để bảo đảm đất nước có môi trường chính trị ổn định, hòa bình để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay, điều có ý nghĩa căn cốt là phải chăm lo xây dựng LLVT vững mạnh, có sức mạnh chiến đấu, sức mạnh tổng hợp ngang tầm với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hoạt động với cường độ áp lực cao, không kể thời gian, không gian, thời tiết, khí hậu, ở đâu gian nan, nguy hiểm nhất ở đó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ LLVT phải có mặt kịp thời. Với tinh thần “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, cán bộ, chiến sĩ LLVT đã không ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh về nhiều mặt để cống hiến, dấn thân, xông pha, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Tuy vậy, một bộ phận cán bộ, sĩ quan trong LLVT hiện nay, nhất là sĩ quan cấp úy công tác ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới gặp nhiều khó khăn về đời sống do tiền lương thấp, mức thu nhập có hạn. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, nhu cầu chính đáng của cán bộ, sĩ quan và gia đình, hậu phương của họ. Trong khi đó, đời sống xã hội có nhiều chuyển biến, nhiều ngành nghề có lợi thế trong xã hội với mức thu nhập tương đối khá so với mức thu nhập của sĩ quan, nhất là sĩ quan cấp úy.
Nói như vậy không có nghĩa đánh đồng toàn bộ LLVT hiện nay phải đối diện với những khó khăn mà sinh ra nhụt chí, không hoàn thành nhiệm vụ. Dù khó khăn đến đâu, LLVT vẫn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ nơi đâu. Chúng ta còn nhớ câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 vào tháng 10-2020: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm”; “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh”. Đó cũng là lần cuối cùng, vị tướng và 12 đồng đội được phục vụ nhân dân rồi hy sinh, vĩnh viễn nằm lại đất mẹ tại Rào Trăng (Thừa Thiên Huế).
Từ giữa năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại nước ta, nhất là các tỉnh phía Nam, khi sức khỏe và tính mạng của nhân dân bị đe dọa nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta kịp thời có mặt ở những vùng tâm dịch, với tinh thần: “Chống dịch như chống giặc”, “Giúp dân là mệnh lệnh trái tim”. Rất nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực được triển khai như: Bộ đội nhường nơi ở, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nhân dân, thực hiện nhiệm vụ hỏa táng, mang tro cốt những người không may bị tử vong do dịch Covid-19 về từng gia đình. Vào thời điểm đó, có những cán bộ, chiến sĩ phải làm nhiệm vụ chống dịch trong khi người thân mất cũng không thể về chịu tang. Điển hình như Trung tá QNCN Trương Minh Dũng công tác ở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, do đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 nên anh không thể về chịu tang khi nghe tin cha mất. Anh đành ngậm ngùi gác lại việc riêng để cùng đồng đội làm tròn nhiệm vụ của một quân nhân.
Nhận thức lệch lạc về chính sách tiền lương cho LLVT là sai cả lý và tình
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế tăng trưởng khá cao, quá trình phát triển, kinh tế luôn gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thì việc bảo đảm thu nhập cho người dân nói chung và LLVT nói riêng là rất quan trọng.
Từ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ giao các cơ quan chức năng xây dựng phương án để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ bảy. Ngày 29-6-2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của kỳ họp, trong đó thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, trợ cấp người có công từ ngày 1-7-2024. Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và LLVT tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Việc cải cách tiền lương theo các nội dung xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ được tiến hành theo lộ trình, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, phù hợp với thực tiễn.
Như vậy có thể thấy, việc tăng lương cho khu vực công, trong đó có LLVT là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn, qua đó khích lệ tinh thần cống hiến, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đối với LLVT, do tính chất lao động đặc biệt, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước, bảo vệ tài sản Nhà nước, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân nên bảng lương dành cho LLVT cần được nghiên cứu và có tính đặc thù là cần thiết.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện ý kiến cho rằng: “Bộ đội, công an thời bình có hy sinh gì đâu mà mức lương đặc thù cao hơn công chức khác”. Đây là suy nghĩ chưa đúng và không thấy hết những cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ LLVT. Đáng tiếc là một bộ phận người dân hùa theo luận điệu này và có những bình luận thiếu thiện chí trên mạng xã hội. Đó chính là một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trên thực tế, dù gặp không ít khó khăn, vất vả trong cuộc sống, công việc và mức độ thu nhập, nhưng cán bộ, chiến sĩ LLVT vẫn một lòng tận trung với Đảng, với Tổ quốc, tận hiếu với dân, kiên trì bám trụ địa bàn, bám trụ đơn vị để sẵn sàng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Tự nguyện cống hiến, hy sinh vì bình yên của Tổ quốc, vì cuộc sống của nhân dân, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ LLVT không hề so đo, tính toán thiệt hơn, mà luôn có “tâm trong, trí sáng”, vững vàng bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Do đó, mọi luận điệu xuyên tạc, lời lẽ bình luận ác ý, thiếu thiện chí về chính sách cải thiện tiền lương của LLVT hiện nay là sai cả về lý và tình.
Những người xuyên tạc, bình luận thiếu thiện chí về tiền lương của LLVT không biết có thấm thía lời ca “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”? Trong xã hội, nếu ai cũng muốn “việc nhẹ, lương cao” thì ai sẽ gánh vác nhiệm vụ bảo vệ non sông bờ cõi của tổ tiên, ông cha để lại? Trong khi đó, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự là công việc hệ trọng, nhiệm vụ nặng nề, tính chất gian khổ mà những người ngày đêm lặng thầm với sứ mệnh đó vẫn đang phải đối mặt với bao khó khăn, hiểm nguy, thậm chí lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cho cộng đồng, Tổ quốc thì liệu họ có xứng đáng được hưởng những đồng lương tương xứng với những gì họ đang đánh đổi? Đây là câu hỏi mà bất cứ người nào có lương tri cũng nên trả lời một cách thấu đáo, thỏa đáng.
Như vậy, có thể khẳng định, cùng với bảo đảm chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công, việc đổi mới chế độ, chính sách tiền lương cho cán bộ, chiến sĩ LLVT là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp trong tình hình hiện nay. Việc làm này cũng không ngoài mục đích động viên, khuyến khích, tạo động lực tích cực cho cán bộ, chiến sĩ LLVT thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân.
QUỐC QUÂN - TÀI TIẾN - ĐỨC CẨM
Các tin khác
- "Phi chính trị hóa" quân đội - thủ đoạn thâm độc, xuyên suốt của các thế lực thù địch
- Không để người dân đứng ngoài “cuộc chiến” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới
- Phản bác, phê phán quan điểm sai trái và nhận thức lệch lạc về nguyên tắc tự phê bình và phê bình
- Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đơn thư nặc danh để tố cáo sai sự thật
- Một số quan điểm, nguyên tắc trong giải quyết vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc ở Việt Nam
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giáo dục liêm chính
- Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học về công tác xây dựng Đảng
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'
- Đảm bảo và thúc đẩy quyền con người - nhân tố quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc