Chuyện những thầy giáo gieo chữ nơi bản Vịn

Đăng lúc: 09:11:58 20/11/2018 (GMT+7)

Mỗi người, đến từ các vùng quê khác nhau, nhưng các thầy giáo Trường Tiểu học Bát Mọt 2, bản Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân) lại có cùng một tình yêu, bầu nhiệt huyết là được mang “con chữ” đến cho những trẻ em nghèo còn chịu nhiều thiệt thòi nơi đây.

 
Thầy giáo Lang Thanh Toản hướng dẫn học sinh học bài. Ảnh: Hoàng Giang 

Vì yêu... mà đến

Vượt qua con đường ngoằn ngoèo với những con dốc dựng đứng, những khúc cua tay áo khiến những “tay lái cứng” dù đã đi quen đường, vẫn có lúc phải giật mình, chúng tôi đến Trường Tiểu học Bát Mọt 2, bản Vịn, xã biên giới Bát Mọt. Ngôi trường nhỏ nằm bên sườn núi với mái tôn đỏ tươi nổi bật giữa màu xanh của núi rừng.

Đón chúng tôi, thầy giáo Lê Đình Khôi, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường Tiểu học Bát Mọt 2 có 107 học sinh ở 2 bản Đục và Vịn. Đây là 2 bản khó khăn nhất của huyện Thường Xuân. Học sinh nơi đây 100% là dân tộc Thái. Điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, ít đất nông nghiệp, sống chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên với việc đi hái măng, dong riềng, dược liệu... trong rừng để kiếm sống. Trẻ em nơi đây cũng vì thế mà chịu nhiều thiệt thòi. Cuộc sống, điều kiện học tập của các em còn nhiều thiếu thốn. Tuy thầy trò không phải dạy và học trong những phòng học tạm bợ tranh tre, nứa lá như trước, nhưng trang thiết bị dạy học còn sơ sài.

Kể về hành trình gắn bó với mảnh đất Bát Mọt, thầy Khôi, chia sẻ: Quê thầy ở huyện Quảng Xương. Năm 1995, tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm 12+2 rồi được phân công lên công tác tại Trường Tiểu học Bát Mọt 1. Năm 2006, thầy Khôi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bát Mọt 1; năm 2013, thầy được phân công lên làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bát Mọt 2. Hơn hai mươi năm gắn bó với mảnh đất vùng biên còn nhiều khó khăn này, thầy Khôi đã có một gia đình hạnh phúc tại đây. Và Bát Mọt đã trở thành quê hương thứ 2 của thầy.

Thầy  giáo Trịnh Bá Minh, giáo viên dạy môn Âm nhạc,  sinh ra và lớn lên tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Cùng trong một huyện nhưng con đường từ nhà đến trường của thầy Minh cũng hơn 70 km. Chưa lần nào đến bản Vịn, nên ngày lên trường, thầy Minh không khỏi ngỡ ngàng. Con đường từ trung tâm xã vào bản Vịn như một sợi chỉ dài ngoằng vắt qua những thân núi. Chỉ gần 20 km nhưng thầy Minh phải đi mất 5 giờ mới vào được đến trường. Bản Vịn không đường, không điện, không sóng điện thoại, khiến một chàng trai sống sôi nổi như thầy Minh không tránh khỏi cảm giác buồn chán. Thế nhưng, khi tiếp xúc với những đứa trẻ nơi đây, tình thương và trách nhiệm của người thầy đã níu giữ bước chân thầy Minh ở lại mảnh đất này hơn 11 năm nay.

Trường Tiểu học Bát Mọt 2, hiện có duy nhất 1 giáo viên nữ do cô giáo cũng có chồng đang công tác tại bản Vịn nên mới xin về dạy tại trường vài năm nay. Còn nhiều năm trước, trường toàn giáo viên nam, cũng bởi do đường vào bản Vịn quá khó khăn, nên chỉ các thầy mới có thể bám trụ lại được. Không có giáo viên nữ, nên vào những dịp lễ lớn của nhà trường hoặc trong bản, học sinh tham gia văn nghệ đều do các thầy dạy múa, hát. Từ việc chuẩn bị trang phục đến trang điểm cho các em cũng đều do các thầy giáo đảm nhiệm.

“Lần đầu trang điểm cho các em, tôi lúng túng chẳng biết sử dụng phấn, son thế nào. Không biết trình tự trang điểm, như: Dùng kem, phấn, phấn má hồng, phấn mắt... Rồi đi hỏi kinh nghiệm của các cô giáo dạy ở trường khác. Bây giờ thì trang điểm chuyên nghiệp lắm rồi.” - thầy Minh cho biết.

Viết ước mơ cho học sinh nghèo

Trường Tiểu học Bát Mọt 2 có 12 cán bộ, giáo viên. Trong đó, có 8 giáo viên là người ở các bản trong xã, còn lại là các thầy giáo ở nơi khác về đây dạy học.

Thầy giáo Lang Thanh Toản là giáo viên người bản địa đầu tiên của Trường Tiểu học Bát Mọt 2. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất khó khăn này, thầy Toản thấu hiểu hơn ai hết những vất vả, thiệt thòi của những đứa trẻ quê mình. Ngày ấy, thiếu giáo viên nên  các thầy giáo miền xuôi lên đây dạy học rất vất vả. Thầy Toản quyết tâm theo học và là người duy nhất của bản Đục học sư phạm (hệ 7+2). Sau khi tốt nghiệp sư phạm, năm 1981, thầy được phân công về dạy học ngay tại trường nhà. Rồi năm 1996, thầy Toản được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bát Mọt 2. Đến nay, thầy Toản đã có 37 năm công tác trong ngành.

Thầy Toản chia sẻ: Là người địa phương nên tôi thuận lợi hơn những thầy giáo từ nơi khác về trường, như: Hiểu phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây, thông thuộc địa hình; điều kiện sinh hoạt cũng thuận tiện hơn. Vất vả nhất là các thầy giáo xa nhà phải ở lại trường. Hiện nay, nhà trường có 7 thầy giáo cắm bản dạy học. Trong đó, khu chính có 4 người và khu lẻ bản Đục có 3 người. Tuy nhiên, khu nhà ở cho giáo viên chưa có nên các thầy đang phải mượn tạm phòng học của học sinh để ở; nhà bếp của giáo viên cũng đang tạm bợ.

Vừa nhóm bếp  để chuẩn bị bữa cơm chiều, thầy giáo Lương Tuấn Anh, vừa tâm sự: Thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, mùa đông thì giá lạnh có khi xuống đến 0 độ C và có tuyết rơi. Xa nhà, niềm vui ngoài giờ lên lớp là chăm sóc vườn rau nhỏ và cùng nhau chuẩn bị bữa cơm. Thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà, mãi thành quen. Giữa núi rừng âm u, nhiều khi thấy nhớ nhà lắm.

Xa gia đình nên những việc từ giặt giũ, nấu ăn... các thầy đều làm thành thạo. Ở đây không có chợ, hàng quán cũng ít nên thức ăn chủ yếu của các thầy giáo là món cá khô và rau tự canh tác. Mỗi dịp cuối tuần về thăm nhà, các thầy lại chở thực phẩm, gạo, đồ khô lên trường để lo cho bữa ăn hằng ngày. Ngày trước, con đường từ trung tâm xã vào bản Vịn còn là con đường đất, đi lại vô cùng khó khăn, các thầy giáo xa nhà thường phải ở lại trường, có khi từ đầu năm học đến tết mới về thăm nhà. Từ tháng 8-2018, con đường từ trung tâm xã Bát Mọt vào bản Vịn đã được hoàn thành nên việc đi lại của các thầy cũng đỡ vất vả hơn. Các thầy cũng có điều kiện về thăm nhà vào mỗi dịp cuối tuần.

Khó khăn, vất vả nhưng hàng ngày được đứng trên bục giảng, đem “con chữ” đến cho học sinh là niềm hạnh phúc của các thầy, cô giáo nơi đây. Mong muốn các em không chỉ học được cái chữ mà còn biết vươn lên theo đuổi những ước mơ để có một tương lai tươi sáng hơn. Vài năm trước đây, người dân bản Vịn 100% là hộ nghèo, trẻ em cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học hành cũng chưa được bố mẹ quan tâm. Nhiều em đến 7-8 tuổi mới vào lớp 1 mà vẫn chưa nói thạo tiếng phổ thông. Nhiều gia đình, bố mẹ đi rừng một tuần đến 10 ngày mới về, con cái ở nhà tự chăm sóc nhau hoặc đến ở nhà người thân rồi nghỉ học luôn. Các thầy giáo lại đi tìm và đưa các em trở lại trường. Đường đi khó khăn, các thầy chủ yếu đi bộ. Với sự nỗ lực của các thế hệ giáo viên Trường Tiểu học Bát Mọt 2, những năm gần đây, học sinh đến trường đã đúng độ tuổi, cũng không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Hầu hết các em học xong tiểu học đều ra trung tâm xã học THCS và học lên THPT... Đó là “quả ngọt”  trong  hành trình “trồng người” của những người thầy nơi đây.

Nguồn: baothanhhoa.vn
 
Tin nổi bật
Bài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt NamBài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam
Bài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt NamBài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt Nam
Bài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộcBài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
Loạt bài: Không thể xuyên tạc, phủ nhận thành tựu chính sách dân tộc ở Việt NamLoạt bài: Không thể xuyên tạc, phủ nhận thành tựu chính sách dân tộc ở Việt Nam
Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc bài viết về Đảng của Tổng Bí thưBác bỏ những luận điệu xuyên tạc bài viết về Đảng của Tổng Bí thư