
Công nhận thêm 3 khu du lịch và điểm du lịch cấp tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định công nhận Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) là khu du lịch cấp tỉnh và các điểm du lich Đền Phố Cát (Thạch Thành), Phủ Na (Như Thanh) là điểm du lịch cấp tỉnh.
Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy).
Theo đó, Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương đã chính thức được công nhận và xếp hạng khu du lịch cấp tỉnh. Suối cá Thần Cẩm Lương nằm trên địa bàn thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, cách TP Thanh Hóa khoảng 90 km về phía Tây Bắc.
Đàn cá đem đến sức hút cho du khách tới Suối cá Cẩm Lương
Đàn cá ở suối cá này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg, gồm các loài: Cá dốc thuộc bộ Cá chép, có tên trong Sách đỏ Việt Nam; cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng. Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp.
Lễ hội khai hạ được tổ chức hằng năm tại khu du lịch Suối cá Cẩm Lương vào ngày mồng 8 tháng Giêng (âm lịch).
Vào ngày mồng 8 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, huyện Cẩm Thủy, xã Cẩm Lương và người dân địa phương đều tổ chức lễ hội khai hạ với những nghi thức mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, cùng các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian, các môn thể thao dân tộc. Từ lâu, Suối cá Cẩm Lương đã trở thành Khu du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Từ năm 2017 và 2018 đến nay, khu du lịch Suối cá Cẩm Lương bình quân đón từ 300.000 đến 350.000 lượt khách du lịch/năm.
Đền Phố Cát - điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương, đặc biệt là vào Tết Nguyên đán.
Đền Phố Cát năm trên địa bàn xã Thành Vân, huyện Thạch Thành từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh quen thuộc của người dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Đền thờ được nhân dân địa phương lập vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI với kiểu kiến trúc truyền thống mang những dấu ấn riêng của vùng núi xứ Thanh. Tương truyền đây là nơi nữ thần Vân Hương tức Liễu Hạnh công chúa giáng trần lần thứ ba để cứu nhân độ thế, được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Mẫu - một trong tứ bất tử của văn hóa Việt Nam.
Nghi lễ cầu cúng Thánh Mẫu tại đền Phố Cát rất đơn giản mà tôn nghiêm, không phân biệt trên, dưới, giàu, nghèo. Quanh năm bốn mùa đền Phố Cát mở cửa đón du khách thập phương về vãn cảnh, nghe những câu hát văn về Thánh Mẫu và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Phủ Na đã trở thành điểm di lịch tâm linh của du khách trong và ngoài tỉnh.
Phủ Na nằm trên địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh ngày 28-1-1993. Theo kết luận tại Hội thảo khoa học về Di tích danh thắng Phủ Na tháng 9-2003, Phủ Na ra đời vào năm 1909 (dấu tích còn ghi lại thượng lương của đền Mẫu Nghi Thiên Hạ), được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Tín ngưỡng thờ ở Phủ Na là thờ Mẫu. Khi tín ngưỡng của đạo Mẫu- Liễu Hạnh du nhập về Xuân Du thì tại đây đã có tín ngưỡng thờ Tản Viên, mẹ Âu Cơ và Chúa Cửa Rừng (chúa Thượng Ngàn) - tín ngưỡng nguyên thủy của người Mường Hòa Bình. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hòa phối cùng tín ngưỡng của người Mường cùng tồn tại, phát triển, được thể hiện ở hệ thống thờ tại Phủ Na.
Vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội chính, có hàng vạn người dân và du khách đến với Phủ Na.
- TRIỆU SƠN: Khởi công "Nhà nhân ái - nhà khăn quàng đỏ" cho em Hoàng Đình Anh, học sinh lớp 6A, trường THCS Xuân Lộc, Huyện Triệu Sơn
- Cẩm Thủy: Tổ chức tập huấn Nâng cao kỹ năng năng lực số trong tổ chức các hoạt động Đoàn, Hội cho cán bộ Đoàn
- Khai mạc trọng thể kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV
- Trở về ký ức thời... bao cấp
- Cỗ tết – bữa tiệc của những giác quan
- Xuân về rạo rực, bâng khuâng!
- Hủy bỏ nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dịp tết để phòng, chống dịch, bệnh COVID-19
- Huyện Quan Hóa giữ gìn nhà sàn truyền thống đồng bào Thái, Mường
- Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ
- Nhà sàn truyền thống -nơi “giữ lửa” văn hóa dân tộc Thái

