Giữ hồn Trung thu bằng đồ chơi truyền thống

Đăng lúc: 09:45:28 11/09/2019 (GMT+7)

Đồ chơi truyền thống là một phần không thể thiếu làm lên phong vị của Tết Trung thu cổ truyền. Những món đồ chơi dân gian tuy giản dị, nhỏ bé nhưng lại mang một ý nghĩa sâu sắc, minh chứng cho sức sống của những giá trị văn hóa dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Giữ hồn Trung thu bằng đồ chơi truyền thốngNhững chiếc đèn Trung Thu truyền thống được làm bởi bàn tay tỉ mẩn những người thợ lành nghề.

Vào những ngày kề cận Tết Trung thu, con đường nhỏ dẫn vào các hộ sản xuất vàng mã, đồ chơi truyền thống ở phố Mật Sơn, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa lại tấp nập những chuyến xe chở hàng qua lại. Bên trong mỗi cơ sở sản xuất, hàng chục thợ lành nghề đang miệt mài làm việc. Mỗi người một công đoạn, người tỉ mẩn chẻ, vót luồng cho thành những thanh nhỏ để làm khung; người cắt, dán giấy, vải; người đóng hàng xuất bán... Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân sặc sỡ và bắt mắt xếp tràn từ trong nhà ra đến cửa ngõ chờ được chuyển ra thị trường phục vụ cho mùa Trung thu đang cận kề.

Từ hơn 20 năm nay, cứ mỗi dịp Trung thu về, gia đình ông Mai Văn Minh, phố Mật Sơn 2, lại hối hả, tất bật vót luồng, tre, cắt giấy, bạt để chuẩn bị cho nhiều đơn đặt hàng đèn ông sao truyền thống đến từ khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Trải qua không ít thăng trầm, có những lúc tưởng như phải bỏ nghề vì khó cạnh tranh với các loại mặt hàng hiện đại bên ngoài thị trường nhưng ông Minh vẫn quyết tâm bám trụ lấy nghề. Với ông, việc kiên trì với nghề làm đèn Trung thu truyền thống không chỉ bởi mục đích kinh doanh kiếm lời mà đó còn là cách ông thể hiện tình yêu, sự nhiệt huyết với những giá trị truyền thống đang dần bị mai một.

Giữ hồn Trung thu bằng đồ chơi truyền thốngÔng Mai Văn Minh, người đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm đèn truyền thống.

Ông Minh cho biết: Công việc làm đèn không mấy vất vả nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn và mất tốn thời gian. Để có nguyên liệu sản xuất đèn, ngay từ đầu năm, gia đình ông phải lựa chọn mua tre, luồng và gỗ về dự trữ. Đến tháng 5, tháng 6 sẽ bắt đầu cắt khúc ngâm với nước để chống mối mọt và tăng độ bền cho sản phẩm. Sau khi ngâm xong thì đem phơi nắng rồi mới chẻ thành nan để tháng 7 bắt đầu sản xuất. “Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại tre, luồng già, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn khung đèn. Đối với đèn kéo quân, lại sử dụng các thanh gỗ làm khung xương cho chắc chắn. Ngoài ra, việc chọn đặt vải phin, vải lụa, bạt trắng cũng rất quan trọng. Vải làm đèn phải đảm bảo về độ trắng, mềm mịn và được cắt ghép thủ công”.

Ông Minh cho biết thêm, trước đây, gia đình ông thường làm loại đèn ông sao bằng bóng kính màu đỏ để bán ra thị trường nhưng vài năm gần đây, loại hàng này không được nhiều người ưa chuộng nên ông chỉ tập trung vào loại đèn làm bằng vải và bạt. Để làm ra được một sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống, những người thợ thủ công phải ngồi hàng giờ để cắt, dán, thậm chí với những ngày cao điểm như như dịp gần Tết, hàng chục lao động làm trong cơ sở của gia đình phải thức đến tận 12 giờ đêm. “Vất vả là thế nhưng vì giá thành mỗi sản phẩm khá cao nên từ chủ đến thợ ai ai cũng dốc sức cố làm ra nhiều hàng để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, mỗi chiếc đèn ông sao có giá dao động từ 200.000 đến 1.000.000 đồng tùy từng kích cỡ. Với những hàng đặt có kích thước lớn thì giá tiền cũng tăng theo”.

Giữ hồn Trung thu bằng đồ chơi truyền thốngĐể làm ra được một chiếc đèn truyền thống, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn.

Trước những thắc mắc của chúng tôi khi các loại đèn truyền thống đơn giản, ít mẫu mã, chủng loại và không thực sự bắt mắt như các loại đồ chơi hiện đại thì liệu có cạnh tranh nổi trên thị trường không, ông Minh tự tin khẳng định: “Đồ chơi hiện đại tuy đa dạng và có mặt trên thị trường ở mọi thời điểm trong năm nhưng riêng vào dịp Trung thu, những thứ đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân... mới thức sự mang lại không khí của ngày Tết. Nói đến Trung thu là nói đến đèn ông sao chứ không thể nào khác. Chính vì vậy, nó vẫn có sức hấp dẫn riêng mà các loại đồ chơi khác không bao giờ có được”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Minh phấn khởi cho biết thêm, những năm gần đây, đã có nhiều số người người quan tâm tới những món đồ chơi truyền thống hơn, số đơn đặt hàng ngay từ tháng 6 tháng 7 âm lịch cũng khá nhiều nên gia đình ông có thể sống tốt với nghề. Hiện nay, hàng đèn truyền thống của gia đình ông Minh đã có mặt trên khắp các con phố, chợ truyền thống tại các huyện trong tỉnh.

Bên cạnh sự sôi động của hàng hóa hiện đại thì đồ chơi trung thu truyền thống vẫn đủ sức thu hút sự chú ý của nhiều người. Những người thợ thủ công vì thế mà vẫn miệt mài với nghề để lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa dân gian đang dần bị mai một.

baothanhhoa.vn
 
Tin nổi bật
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024
TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN
Như Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệpNhư Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp
Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹpĐại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp