Hội làng - một “sân khấu” nghệ thuật dân gian đặc sắc

Đăng lúc: 09:00:01 10/01/2020 (GMT+7)

Vùng đất cổ Hoằng Hóa dưới góc nhìn văn hóa dân gian, là một “sân khấu” trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tất cả đang được nuôi dưỡng và trao truyền trong các làng xã, qua hệ thống lễ hội, với nhiều trò chơi, trò diễn độc đáo và đậm đà bản sắc.

Rước thành hoàng làng trong lễ hội xã Hoằng Phượng. Ảnh: Khôi Nguyên

Với những làng quê từng sống dựa vào nghề nông thì thời gian được đo đếm bằng nhịp chảy trôi của mùa màng, hội hè, đình đám. Và mùa xuân được xem là mùa lễ hội hay kỳ đại tế của nhiều làng xã. Nói đến những lễ hội lớn vào độ tháng giêng, tháng hai ở Hoằng Hóa, phải kể đến hội làng Phú Khê (xã Hoằng Phú), làng Bột Thượng, Bột Thái (xã Hoằng Lộc), làng Khúc Phụ (xã Hoằng Phụ)... Và dù là lễ hội gắn với các tập tục nông nghiệp hay lễ hội gắn với nhân vật lịch sử, sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc này đều có những điểm chung. Trong đó, lễ tế thường gồm các lễ rước nước, lễ mộc dục, tế gia quan, rước nghênh thần và đại tế. Đại tế là nghi thức trang trọng nhất, khi thần vị đã được rước về đình. Khi đại tế kết thúc, một số làng sẽ có hát ca công để ngợi ca thần linh và cầu chúc cho các quan viên chức sắc, dân làng được bình yên, no đủ. Sau các nghi thức phần lễ, thì phần hội là nơi diễn ra nhiều trò chơi, trò diễn ngợi ca tinh thần lao động (trò bắt lợn, trò đan lát, thi dựng cột nhà...); hay thể hiện tinh thần thượng võ (vật cù, vật người, đấu roi, đi quyền, chạy thi, kéo co, đua thuyền, leo cột mỡ...). Bên cạnh đó, còn nhiều trò chơi thể hiện sự thông minh, trí tuệ (cờ thẻ, cờ người, tổ tôm điếm, họa thơ, đối câu...); hoặc đề cao sự khéo léo (thi làm bánh, nấu cơm, đồ xôi...).

Những trò chơi, trò diễn, câu hát, điệu múa được dân gian sáng tạo trong quá trình lao động và sinh hoạt, đã được nghệ thuật hóa một cách khéo léo và tinh tế trong các lễ hội. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến trò nấu cơm thi làng Quỳ Chử (xã Hoằng Quỳ). Trò được tổ chức trên một hồ nước trong làng. Mỗi cặp trai gái tham gia thi sẽ được làng phát củi, gạo, niêu và 2 que diêm. Từng cặp sẽ ngồi trên một chiếc thuyền thúng, vừa dạo quanh hồ vừa nấu cơm. Để tăng thêm phần vui vẻ và hấp dẫn cho người xem, ở giữa hồ người ta đắp một cồn đất như ốc đảo. Trên đó, sẽ diễn ra các trò hát ca công, hay diễn các đoạn chèo ngắn chúc tụng quan viên và dân làng. Theo thời gian đã được quy định, trò nấu cơm thi sẽ kết thúc. Cặp trai gái nào nấu nhanh, cơm chín thơm dẻo là đội giành phần thắng và sẽ được làng thưởng.

Nói đến trò diễn thể hiện tinh thần sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân dân gian Hoằng Hóa, phải kể đến trò chèo chải. Chèo chải là trò diễn lấy cảm hứng từ các cuộc thi đua thuyền trong lễ hội. Thay vì đua thuyền trên sông nước, người dân các làng Trinh Sơn (xã Hoằng Giang) và Ích Hạ (xã Hoằng Quỳ) lại sáng tạo ra trò chèo chải (chèo cạn), hay còn gọi là điệu múa chèo chải. Không ai còn nhớ phát tích ban đầu của trò, nhưng chèo chải từ lâu đã trở thành trò diễn gắn liền với kỳ đại tế hàng năm của các làng. Thú vị hơn là, từ những động tác tay chân khỏe khoắn, dứt khoát và mạnh mẽ của nam giới, người ta đã cách điệu và nâng thành điệu múa vừa mềm mại, vừa trang nghiêm, phù hợp với nữ giới. Để chuẩn bị biểu diễn, đội nữ nhạc được làng chọn kỹ càng (gồm 12 cô gái thanh tân) và phải tập luyện hàng tháng trời. Đến ngày đại tế, thuyền hoa được đặt giữa sân đình, đội nữ nhạc sẽ hát múa chúc mừng làng có cuộc sống no đủ, yên bình. Sau đó, 12 cô gái sẽ bước lên thuyền hoa, một tay cầm chèo, một tay cầm quạt và bắt đầu hát múa.

Trong nhiều trò diễn dân gian được sáng tạo và lưu truyền gắn liền với hội làng truyền thống ở Hoằng Hóa, thì trò làng Bưởi (xã Hoằng Đức) là một trong số những trò rất thú vị. Trò được tổ chức vào ngày khai hạ (mùng 6-1 âm lịch hàng năm). Sau lễ tế khai hạ, làng sẽ tổ chức đám rước bà Á Nương (một trong những người có công tạo lập và phát triển làng). Theo đám rước là đàn ông, đàn bà đóng giả thành bà Á Nương, với kiểu ăn vận áo mớ ba, váy lĩnh, yếm đỏ, đầu đội nón ba tầm quai thao, chân đi hài cong, tay cầm quạt và vừa đi vừa múa. Theo sau những bà Á Nương là người nông dân thắt dải lưng xanh và mang mặt nạ. Họ vác theo các loại dụng cụ nông nghiệp nhưng là đồ cũ, đồ cùn hoặc đồ giả, như cày, bừa, cuốc, cào, quang gánh... Họ đi theo đám rước, vừa reo hò, vừa múa may và thể hiện nhiều động tác bắt chước quá trình sản xuất, như cày bừa, nhổ mạ, cấy lúa, gánh lúa... Trò làng Bưởi là một hình thức “ra quân” xuống đồng của người nông dân sau những ngày tết. Trò diễn mang đậm tính làng xã chất phác này lại mang theo hy vọng của người nông dân về mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, dân khang vật thịnh.

Có thể nói, các trò chơi, trò diễn trong lễ hội dân gian Hoằng Hóa đều ít nhiều truyền tải những thông điệp giàu ý nghĩa và tinh thần nhân văn. Đó là hướng đến ngợi ca cuộc sống, ngợi ca lao động và đề cao các giá trị đẹp của lòng nhân ái, của tinh thần đoàn kết, cố kết trong cộng đồng làng xã.
baothanhhoa.vn
 
Tin nổi bật
Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào...Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân ...
Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiDiễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực...Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024