Nẻo về nguồn cội

Đăng lúc: 08:38:59 09/04/2019 (GMT+7)

Lam Kinh là Cái đẹp, là tính Thiêng, là nẻo về nguồn cội để con người hướng về và “neo đậu” tâm hồn trong những giá trị cổ xưa nhưng bất biến. Lam Kinh duyên dáng như bức khảm sơn mài, mà vẻ lấp lánh của nó là nét chấm phá đặc sắc, sống động và hài hòa trên nền thiên nhiên tươi xanh mướt mát. Để rồi, mỗi khi rảo bước trên miền di sản, tâm thức ta ví như “cung đàn đã lựa phím” và chỉ một làn trầm hương mong manh hay một hồi chuông thanh lảnh điểm vào không gian trầm lắng, khẽ chạm vào là sợi dây đàn đã ngân lên khúc nhạc êm ái của niềm kính ngưỡng và lòng tự hào.

Nẻo về nguồn cộiCố đô Lam Kinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing.vn

Lam Kinh mùa nào cũng đẹp. Nếu hạ nhuộm nắng trên những mái vòm cong cong và dát vàng lên cánh rừng già hừng hực sức sống; thì thu khẽ khàng như bản tình ca du dương, hòa điệu nhịp nhàng giữa thinh không trong trẻo và thấm trong nét tôn nghiêm, cổ kính trăm năm; và đông như vị khách phương xa có chút ngỡ ngàng, có chút vội vã khoác lên mình cảnh sắc dáng vẻ trầm mặc và tô đậm thêm nét cổ xưa cho “thánh địa” này. Song, có lẽ Lam Kinh đẹp nhất giữa sắc xuân tươi mới, trong làn mưa xuân rất mỏng như muôn vàn sợi tơ đung đưa trên khung dệt khổng lồ của tạo hóa. Hơi xuân thổi sức sống rạo rực vào thiên nhiên và gọi dậy tất cả vẻ duyên dáng cho “khối kiến trúc đa tầng” Lam Kinh. Vậy nên, đến Lam Kinh giữa độ “xuân chín”, con người ta khó mà cưỡng lại được sức hút của quần thể “kiến trúc xanh” xinh đẹp của những đền đài, lăng tẩm, điện miếu và cỏ cây, đất trời.

Lam Kinh được bao trong hai “vành đai” tự nhiên, một là “bức tường” xanh của núi rừng bên trong và một là “con hào thiên tạo” sông Chu bên ngoài. Đúng như sách xưa miêu tả, “điện Lam Kinh đằng sau gối đầu vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên nước non xanh biếc”, thật chẳng khác nào bức tranh sơn thủy quý hiếm. Thế nhưng, thước đo giá trị và vẻ đẹp của Lam Kinh trước hết nằm ở giá trị nội tại và ẩn tàng trong tầng sâu những trầm tích lịch sử - văn hóa. Không có vẻ đồ sộ và xa cách, toàn bộ “kinh đô tưởng niệm” nhà Lê là sự cụ thể hóa tuyệt vời của thế giới quan, nhân sinh quan, cùng tư duy sáng tạo và sự kỳ công, tinh tế của người xưa thể hiện trong lối kiến trúc – nghệ thuật truyền thống hết sức đậm đà, gần gũi với mọi con dân đất Việt. Mỗi phiến đá, từng thớ gỗ được đục đẽo, được gọt giũa mà sắp đặt nên Lam Kinh, đều là một chứng nhân lịch sử, đều có những câu chuyện của riêng nó về quá trình dựng điện và vô số những thăng trầm, thịnh suy của khu điện miếu từng một thời là biểu tượng huy hoàng của vương triều Lê Sơ.

Sau khi đánh đuổi giặc Minh lên ngôi Hoàng đế, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho quốc gia Đại Việt kéo dài gần 360 năm, vua Lê Thái tổ đã nung nấu ý định xây dựng một khu điện miếu, lăng tẩm có quy mô to lớn trên đất quý hương Lam Sơn, để tỏ lòng tôn kính tổ tiên, nơi an nghỉ của các vua, thái hậu, hoàng hậu và cử hành các nghi lễ khi vua bái yết sơn lăng. Mong mỏi của vị hoàng đế khai sáng triều đại đã được các vị vua kế nhiệm từng bước thực hiện và qua nhiều năm xây dựng, Lam Kinh đã trở thành “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt, bên cạnh kinh đô Thăng Long. Ngót 6 thế kỷ tồn tại, Lam Kinh đã trải qua một chặng dài gian nan, từ một “kỳ tích” trở thành “phế tích” và rồi đang dần hồi sinh diện mạo khi được vinh danh là di sản quốc gia đặc biệt năm 2013. Đó cũng đồng thời là quá trình “chuyển dịch giá trị”, khi Lam Kinh ngày nay không chỉ là sơn lăng nhà Lê xưa, mà những giá trị to lớn về mặt lịch sử và văn hóa, vật chất và tinh thần không thể thay thế, Lam Kinh đã trở thành cội nguồn, tiên tổ - nơi hậu thế hướng về và tìm về để ngưỡng vọng và tự hào, để tìm điểm tựa tinh thần – tín ngưỡng mà khơi dậy tinh thần tự tôn và sáng tạo. Đồng thời, Lam Kinh là biểu tượng cho niềm tự hào dân tộc ở một giai đoạn lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm, cũng như công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt cường thịnh trong quá khứ.

Với vị thế đặc biệt và giá trị “độc nhất vô nhị” của nó, Lam Kinh đã và đang đặt ra cho hậu thế nhiều câu hỏi. Đó là làm thế nào để hài hòa giữa việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị trường tồn về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của di sản, với việc khai thác và phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhất là góp phần làm giàu có, phong phú đời sống văn hóa - tinh thần - tâm linh của nhân dân? Năm 1994 – sau hơn 30 năm được công nhận là Di tích quốc gia - Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án tổng thể trùng tu tôn tạo tại Quyết định số 609/TTg ngày 22-10-1994 và UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 19-6-2002. Với tổng diện tích được quy hoạch là 141 ha (nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân và xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), việc khôi phục diện mạo Lam Kinh với một quần thể di tích lịch sử văn hóa và khu tưởng niệm, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đất nước nói chung đã được đề ra. Từ đó đến nay, hàng chục công trình kiến trúc cổ trong khu di tích, điển hình là chính điện, các tòa thái miếu, các khu lăng mộ, bia ký và cảnh quan môi trường sinh thái, rừng Lam Kinh, cùng một số công trình kiến trúc cổ khác có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sự nghiệp vua Lê Thái tổ như đền thờ Lê Lai, núi Dầu... đã được tôn tạo lại. Nhờ đó, diện mạo Lam Kinh hiện nay đã có được một phần quy mô bề thế, tôn nghiêm và vẻ đẹp xưa.

Đặc biệt, hầu hết các công trình trong khu di tích đã được nghiên cứu, khai quật khảo cổ học. Qua đó, nhiều tư liệu có giá trị về di tích đã được phát hiện và gợi mở về “hình hài” những công trình bị vùi lấp; đồng thời, tạo cơ sở cho việc bảo vệ những di tích gốc đang có nguy cơ bị hủy hoại. Cùng với đó, việc bảo vệ, chống xuống cấp cho những điểm di tích có yếu tố thời Lê Sơ và Lê Trung hưng; công tác nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho từng công trình di tích và sưu tầm, tập hợp tư liệu văn hóa vật thể, phi vật thể nhằm xây dựng kho tư liệu - hiện vật thời Hậu Lê phục vụ tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học về di tích... cũng đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, biển chỉ dẫn và biển giới thiệu di tích; công tác tuyên truyền, quảng bá và xây dựng đề án phát triển tiềm năng du lịch Lam Kinh; dự án quy hoạch bảo tồn phát triển bền vững rừng đặc dụng di tích... cũng đã và đang được tỉnh quan tâm đầu tư.

“Lam Kinh đang và sẽ trở thành “trường học lịch sử” sinh động, lôi cuốn dành cho học sinh, sinh viên và mọi đối tượng du khách có mong muốn tìm hiểu về lịch sử - văn hóa liên quan đến di tích nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung”. Đó là chia sẻ của ông Vũ Đình Sỹ, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, khi trao đổi với chúng tôi về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản quốc gia đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Đó là nỗ lực nhằm đưa di sản vào cuộc sống, hay để di sản “sống” đời sống đích thực của nó là làm giàu có và phong phú thêm cho lịch sử - văn hóa vùng đất. Đồng thời, tạo ra nguồn “sức mạnh mềm” làm điểm tựa cho phát triển.
Nguồn: baothanhhoa.vn 
Tin nổi bật
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN
Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹpĐại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4): Tổng kết Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyệnĐoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4): Tổng kết Dự án tăng cường trí thức trẻ tình nguyện
Nâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhiNâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi