Người 26 năm kể nghìn chuyện Bác Hồ

Đăng lúc: 08:34:25 20/02/2019 (GMT+7)

40 năm nghiên cứu cuộc đời, tư tưởng sự nghiệp của Bác Hồ, GS.TS. Hoàng Chí Bảo kể hàng nghìn câu chuyện về Bác...

1-0455.jpg
40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng sự nghiệp của Bác Hồ, 26 năm GS. TS. Hoàng Chí Bảo kể hàng nghìn câu chuyện cảm động về Bác - Ảnh: Hoài Thu

40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng sự nghiệp của Bác Hồ, 26 năm GS. TS. Hoàng Chí Bảo kể hàng nghìn câu chuyện về Bác, nhưng mỗi câu chuyện đều mang một cảm xúc khác nhau, khiến cho người nghe vô cùng xúc động.

Gặp GS. TS. Triết học Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực trong căn phòng làm việc nhỏ nhưng chứa đầy các cuốn sách triết học, lý luận tại Hội đồng Lý luận T.Ư, cũng là lúc ông vừa kết thúc một tuần công tác tại các nước Đức, CH Séc, Pháp để nói chuyện với bà con người Việt ở nước ngoài về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Rơi nước mắt khi nghe những câu chuyện về Bác

Mở đầu câu chuyện, ông kể về cơ duyên đã đưa ông đến việc tìm hiểu, nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng của Bác Hồ, cũng như bắt đầu kể những câu chuyện về Người. Ông nói trước hết xuất phát từ lý do nghề nghiệp. Trước đây, ông là giáo viên dạy văn học ở trường THPT, sau được Đảng, Nhà nước cho đi học triết học nên đặt ra yêu cầu phải tìm hiểu tư tưởng triết học sâu thẳm của Hồ Chí Minh. Đó là khởi nguồn của việc ông học tập, nghiên cứu về Bác trong suốt 40 năm qua. Buổi ông nói chuyện đầu tiên về Bác Hồ diễn ra vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác.

Đến nay không thể nhớ đã kể bao nhiêu câu chuyện về Bác, nhưng GS. Hoàng Chí Bảo khẳng định, trong tư liệu về Hồ Chí Minh dưới dạng chuyện kể mà ông nghiên cứu, có đến hàng vạn tư liệu, từ thời thơ ấu, thời niên thiếu, khi Người trưởng thành là một thanh niên sống có lý tưởng đến khi trở thành lãnh tụ, thành danh nhân.

Trong tuần lễ sinh nhật Bác Hồ năm nay, ông Hoàng Chí Bảo đã có một chuyến đi từ CHLB Đức đến CH Séc rồi đến Pháp do Đại sứ các nước tổ chức. Đến đâu, ông cũng nhận được những tình cảm rất chân thành. Qua câu chuyện của ông, họ càng thêm kính trọng Bác, vị lãnh tụ giản dị và gần gũi với mọi người.

Ông nói mỗi khi kể chuyện về Bác, hình ảnh Người lại hiện lên là một tấm gương sáng, trong suốt như pha lê, không một vết gợn. Ngay cả trong 24 năm ở cương vị đỉnh cao của quyền lực, Bác vẫn là con người đi đến tận cùng logic của cuộc đời mình là dâng hiến để hóa thân vào dân tộc và nhân loại. “Tôi vẫn dặn lòng, nghiên cứu về Bác, nói về Bác phải làm sao đạt được hai chuẩn mực. Một là thấu hiểu, hai là thấu cảm. Tức là ngoài hiểu về mặt lý trí, phải hòa vào trong tình yêu, tình thương, nỗi lòng tâm trạng của Bác. Đừng bao giờ nghĩ Bác là thần thánh, bởi Bác vĩ đại nhưng cũng là một con người bằng xương bằng thịt, có niềm vui, có nỗi khổ như chúng ta”, GS. Hoàng Chí Bảo tâm sự.

Đã từng có hàng nghìn buổi nói chuyện về Bác, cho cả người dân trong nước và các kiều bào ở nước ngoài, nhưng mỗi buổi nói chuyện ông đều mang đến cho người nghe một cảm xúc khác nhau, khiến người nghe luôn bị lôi cuốn vào mạch kể chuyện ấy. Nhưng khi hỏi ông có “bí quyết” gì không, ông chỉ cười và nói: “Thật ra chẳng có bí quyết gì đâu, cứ trải nghiệm cuộc sống thì tự khắc nó sẽ đến thôi. Nhưng tôi nghiệm ra một điều, sâu xa là tấm lòng với Bác một cách chân thực, cảm động. Nếu lời nói xuất phát từ trái tim thì sẽ nhận được rất nhiều cộng hưởng từ các trái tim khác”.

Đặc biệt, mỗi buổi nói chuyện đem lại cảm xúc khác nhau khi gắn với đối tượng người nghe khác nhau. GS. Hoàng Chí Bảo từng nói chuyện về Bác cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các hội nghị trang trọng hay trong các lớp đào tạo cán bộ nguồn; Nói cho cả giới trí thức, các lão thành cách mạng, cựu chiến binh, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc khi có dịp được kể chuyện về Bác cho thế hệ trẻ nghe. Bởi sau mỗi lần nói chuyện ấy, ông cảm thấy mình như người truyền lửa giúp họ lựa chọn chomình một lý tưởng sống, giá trị sống mang được hình ảnh như Bác mong muốn.

“Có đối tượng người nghe rất dung dị, cảm động. Tôi từng nói chuyện cho cả hội người mù. Tôi không bao giờ quên hình ảnh khi tôi nói, dù không thấy ánh sáng nhưng dường như họ nhìn thấy, cảm thận thấy, dòng nước mắt cứ tuôn chảy trên những đôi mắt đã mờ đục. Điều ấy nhắc tôi suốt đời làm sao phải xứng đáng với những con người, số phận như vậy. Rồi khi tan buổi nói chuyện, họ lấy bàn tay dò đường tìm tôi, nắm lấy tay tôi và khóc. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn”, ông nghẹn ngào chia sẻ.

2-0515.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tin tức trên báo Nhân Dân - Ảnh: tư liệu


Những câu chuyện cảm động

Trong cuộc trò chuyện, GS. Hoàng Chí Bảo liên tục nhấn mạnh đến việc, khi nói về Hồ Chí Minh, chúng ta hãy nhìn Bác như một con người của cuộc sống đời thường, dù Bác là thánh nhân, lãnh tụ. Hỏi ông những câu chuyện ông ấn tượng, cảm động nhất về Bác, ông nói nhiều lắm, câu chuyện nào cũng để lại ấn tượng sâu lắng cho cả người kể và người nghe, như một sự đồng cảm, giao cảm, cùng hướng về nhân vật huyền thoại nhưng đời thường Hồ Chí Minh.

Ví dụ như chuyện Bác “đòi” nhuận bút báo Nhân dân. Bác viết hàng nghìn bài báo cho báo Đảng, nhưng chúng ta vì ngưỡng mộ Bác, thần thánh Bác quá nên ngại chuyện trả tiền cho Bác. Hồi bấy giờ là những năm 60, Bác gọi điện thẳng cho Tổng biên tập báo Nhân dân rồi hỏi rất hồn nhiên: “Thế chú quên Bác rồi à? Bác viết cho các chú nhiều như thế mà không trả nhuận bút cho Bác là thế nào?”… Rồi ông Tổng biên tập vội vàng xin lỗi Bác: “Cháu xin lỗi Bác, Bác tha lỗi cho chúng cháu. Nhưng ngày nào anh em chúng cháu cũng nhắc nhau là Bác Hồ của chúng ta vĩ đại lắm, Bác không biết tiêu tiền đâu”. Bác cười: “Sao chú lại nghĩ vậy? Bác có vĩ đại gì đâu. Bác cũng bình thường như chú, như mọi người thôi. Thôi trả tiền cho Bác đi”.

GS. Hoàng Chí Bảo nói, cốt lõi câu chuyện “đòi tiền” của Bác ở đây chỉ là cái cớ, cái sâu xa là đằng sau câu chuyện đó, Bác muốn nhắn nhủ với chúng ta một bài học đạo đức. Bác đã nói với Tổng biên tập báo Nhân dân rằng: “Thôi, dù sao chú cũng xin lỗi rồi nên Bác cho qua, nhưng Bác dặn các chú một câu, với dân các chú không được thế”. Đó mới là cái đích việc “đòi tiền” của Bác. Bác muốn truyền thông điệp phải trọng dân, kính dân, làm việc tốt cho dân, đừng làm việc gì trái ý dân.

Hay như bữa cơm của Bác, vì tính giản dị, tiết kiệm nên Bác nói Bác là người xứ Nghệ, chỉ muốn ăn những món ăn dân dã của quê nhà. Mọi người hỏi món dân dã của Bác là gì? Bác kể món canh rau muống nấu với tương gừng, cá bống kho, cà muối xứ Nghệ… Thế rồi, bữa nào dọn cơm cho lãnh tụ cũng có những món đó, đĩa cà muối cứ đầy ắp. Bác ăn uống bình thường như một người dân nghèo, nhưng Bác hỏi: “Cà Nghệ quê Bác ngon thật, nhưng các cô các chú lấy đâu ra mà lắm thế?”, mọi người tưởng Bác thích nên nói: “Bác cứ dùng thoải mái đi Bác, chúng con chuẩn bị sẵn cho Bác một ô tô cà rồi”. Bác dạy ngay một điều về đạo đức: “Thôi, Bác ăn thế là đủ rồi, giờ Bác nhờ các cô các chú ăn giúp Bác ô tô cà này đi, rồi góp tiền trả cho dân, ai ăn thì người ấy trả tiền”. Rõ ràng, Bác muốn tiết kiệm vì mỗi thứ chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của dân…

Miền Nam luôn trong tim Người

GS. Hoàng Chí Bảo cho biết, khi còn sống, sáng nào Bác cũng đọc báo và rất chuyên tâm mục “Người tốt việc tốt”. Bác dùng bút chì xanh đỏ gạch dưới tất cả những tấm gương ấy rồi gọi cho Tổng biên tập các báo hỏi: “Các chú đưa tin có đúng không để Bác tặng huy hiệu?”. Bác nói, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp, suốt 10 năm cuối đời Bác thưởng 6.000 huy hiệu Người tốt việc tốt.

Đặc biệt, cảm động rơi nước mắt là những câu chuyện bên giường bệnh và những giây phút cuối đời của Người.

“Bác ra đi đúng vào ngày Quốc khánh, ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày khai sinh ra đất nước. Đây có thể là ngẫu nhiên, nhưng riêng với Bác, đây là cả một nỗ lực rất lớn, vượt qua đau đớn để cố chờ dân trong ngày Quốc khánh rồi mới đi”, ông Bảo nói và kể về những ngày tháng cuối cùng của Bác: “Trước phút lâm chung, Bác không nói được nữa, đưa mắt nhìn tất cả mọi người âu yếm như một lời vĩnh biệt. Bác nhìn rất lâu vào ông Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, theo Bác suốt từ những ngày ở chiến khu Việt Bắc, cùng chia ngọt sẻ bùi với Bác. Như hiểu ý Bác, ông Vũ Kỳ vừa đi vừa khóc, chạy lên đầu giường nơi Bác nằm rồi quỳ xuống. Bác hôn lên trán ông Vũ Kỳ rất lâu rồi tắt thở”.

Bác ra đi rồi, nhưng mọi người vẫn nhớ những khoảng khắc lúc ốm nặng, khi bệnh tật, Bác vẫn hỏi: “Miền Nam hôm nay thắng ở đâu? Đê vỡ có nhiều không? Có kịp sơ tán dân đi không?”, “Sắp đến ngày khai giảng, đã chuẩn bị trường lớp, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?”... Như vậy, để thấy trong những giờ phút đau đớn nhất vì bệnh tật, Bác vẫn nghĩ đến tất cả mọi người trong trái tim mênh mông của mình, và quên bản thân mình đi.

“Tôi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, để tìm hiểu về những câu chuyện, những triết lý sống của Người. Và tôi cũng luôn tự nhắc mình rằng, chỉ khi nào tự mình thuyết phục được chính mình mới có thể thuyết phục được người khác. Điều đó đem đến cho tôi nhiều động lực mỗi khi bắt đầu một buổi nói chuyện về Bác Hồ”, ông Bảo xúc động chia sẻ. 
Tin nổi bật
02 CÔNG TRÌNH, ĐỀ TÀI CỦA TUỔI TRẺ THANH HÓA ĐƯỢC VINH DANH TUYÊN DƯƠNG “TUỔI TRẺ SÁNG TẠO KHU VỰC...02 CÔNG TRÌNH, ĐỀ TÀI CỦA TUỔI TRẺ THANH HÓA ĐƯỢC VINH DANH TUYÊN DƯƠNG “TUỔI TRẺ SÁNG TẠO KHU VỰC ...
Nâng cao năng lực truyền thông về nhận thức của thanh niên & xã hội về học nghề, việc làm và...Nâng cao năng lực truyền thông về nhận thức của thanh niên & xã hội về học nghề, việc làm và ...
NHƯ THANH: TRIỂN KHAI 02 MÔ HÌNH HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO "CHỐNG RÁC THẢI NHỰA" NĂM 2024NHƯ THANH: TRIỂN KHAI 02 MÔ HÌNH HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO "CHỐNG RÁC THẢI NHỰA" NĂM 2024
THIỆU HOÁ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA CẤP UỶ, CHÍNH QUYỀN VỚI CÁN BỘ, ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN...THIỆU HOÁ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI GIỮA CẤP UỶ, CHÍNH QUYỀN VỚI CÁN BỘ, ĐOÀN VIÊN, THANH NIÊN ...
Tuyên dương Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi tỉnh Thanh Hóa năm 2024Tuyên dương Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi tỉnh Thanh Hóa năm 2024