Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, vững bước trên hành trình đổi mới

Đăng lúc: 08:46:06 19/08/2019 (GMT+7)

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc đã được hội tụ để rồi chín muồi chớp thời cơ, vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước và làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại. 74 năm trước, hòa chung không khí cách mạng trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa với giáo gươm đã đứng lên giành chính quyền về tay cách mạng.

176d0173534t35688l0.jpg
Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa).

Theo triền đê sông Chu, chúng tôi về xã Thiệu Minh, địa danh gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương Thiệu Hóa. Dọc hai bên đường, nắng rải vàng trên những cánh đồng lúa. Điều chúng tôi đau đáu, trong lần về lại vùng quê cách mạng Thiệu Minh là tìm được những người trực tiếp góp phần làm nên cuộc cách mạng thần kỳ của dân tộc. Quả không hề dễ dàng, bởi quá khứ đã lùi xa quá lâu và liệu những chiến sĩ cách mạng năm xưa còn được mấy người. Theo dòng địa chỉ được ghi lại trong cuốn sổ tay, chúng tôi tìm đến nhà cụ Hoàng Đình Bách, lão thành cách mạng, ở thôn Đồng Chí (làng Ngô Xá Hạ xưa). Thật may, dù đã ở cái tuổi “gần đất, xa trời” cụ Bách vẫn còn minh mẫn. Ngồi kể cho chúng tôi nghe về những ngày đấu tranh cách mạng với khí thế sục sôi đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống bọn phản động, trừng trị bọn chức sắc ác ôn, đấu tranh chống giặc Nhật cướp lương thực, thực phẩm, chống bắt phu, bắt lính, khởi nghĩa giành chính quyền, ánh mắt cụ lấp lánh niềm vui xen lẫn tự hào. Lớn lên với đồng bãi, nương dâu, đói no với hạt lúa, củ khoai và dành trọn niềm tin theo cách mạng nên ký ức về những ngày sục sôi đấu tranh cách mạng của quê hương chưa khi nào “rời xa” tâm trí cụ. Năm 1941, cụ Bách vừa tròn 17 tuổi, được giác ngộ cách mạng, tham gia thanh niên cứu quốc. Hồi đó, tham gia vào phong trào cách mạng, cụ Bách đã cùng với lực lượng thanh niên ở quê hương Thiệu Minh kêu gọi nhân dân đọc sách báo tiến bộ, truyền bá đường lối cách mạng, đòi giảm thuế, mở trường học, đòi chia lại ruộng đất. Rồi lội sông đưa đón cán bộ, vận chuyển, phân phát thư từ, tài liệu, vũ khí đi các huyện Nga Sơn, Hà Trung, sang Yên Định, Thọ Xuân, mua vũ khí ủng hộ Chiến khu Ngọc Trạo. Năm 1944, cụ còn tham gia vận chuyển chiếc bàn in bằng đá từ Thanh Hóa vào Nghệ An để phục vụ cho công tác in ấn tờ báo “Kháng địch” tỉnh Nghệ An. Cụ kể: “Để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã triệu tập hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng, làng Mao Xá, xã Thiệu Toán. Mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng, song căn cứ vào tình hình cách mạng ở Thanh Hóa lúc bấy giờ, hội nghị đánh giá thời cơ cách mạng đã chín muồi và quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch. Đồng thời, phân công cán bộ lãnh đạo khởi nghĩa ở các phủ, huyện và chỉ định chủ tịch UBND lâm thời các phủ huyện. Hội nghị chủ trương tiến hành khởi nghĩa ở những nơi có phong trào cách mạng mạnh, sau đó sẽ tập trung lực lượng hỗ trợ cho những nơi phong trào còn yếu, giành chính quyền ở miền xuôi rồi tiến đến giành chính quyền ở miền núi.
102d0174859t1718l6-nha-ong-bang.jpg
Nhà ông Tô Đình Bảng, thôn Mao Xá, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa
nơi tổ chức Hội nghị tỉnh Đảng bộ quyết định tổng khởi nghĩa, ngày 15/8/1945

Sau 2 ngày chuẩn bị, đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19-8-1945, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh được phát ra. Ngay trong đêm 18-8, quần chúng cách mạng và tự vệ đã tiến hành bao vây đội lính bảo an gồm 40 tên tại trường tiểu học và bao vây phủ lỵ Thiệu Hóa. Ở cả hai địa điểm trên, quân địch đều điên cuồng chống cự buộc lực lượng cách mạng phải nổ súng tấn công. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt và đến sáng ngày 19-8, quân cách mạng đã làm chủ hoàn toàn phủ lỵ, chính quyền cách mạng về tay nhân dân Thiệu Hóa”.

Rời nhà cụ Bách, chúng tôi về xã Hoằng Thắng, nơi có “địa chỉ đỏ” – Khu di tích cách mạng Cồn Ba Cây. Trong lúc giới thiệu về địa phương, đồng chí Hoàng Sỹ Long, bí thư đảng ủy xã, đưa cho chúng tôi cuốn “Lịch sử đảng bộ và phong trào cách mạng của nhân dân xã Hoằng Thắng”. Đồng chí Long nói: “Qua lời kể của các cụ, cuộc mít tinh tại Cồn Ba Cây được chúng tôi ghi lại, rồi biên soạn rất đầy đủ! Nhưng vắn tắt lại là vào ngày 24-7-1945, tại Cồn Ba Cây này, quần chúng nhân dân, tự vệ ở Hoằng Thắng đã kiên cường đứng lên mít tinh, biểu tình giành chính quyền về tay cách mạng đầu tiên ở xứ Thanh.
102d0175146t6032l6-con-ba-cay.jpg
Cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa

Thời khắc lịch sử ấy đã được quần chúng nhân dân địa phương gọi là “ngày 24-7 kiên cường”. Cuộc mít tinh tại Cồn Ba Cây hôm đó có hơn 5.000 người tham gia. Đúng 13 giờ, ngày 24-7-1945, trước rừng người với khí thế cách mạng sục sôi, đồng chí Đinh Trương Lân, Tỉnh ủy viên thay mặt Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa đọc bản cáo trạng về tội ác khủng bố cách mạng của tri phủ Phạm Trung Bảo, lên án kẻ thù xâm lược, chính quyền tay sai và biểu dương quân dân trong huyện. Viên tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên lính đã cúi đầu nhận tội và được nhân dân tha tội chết. Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, quần chúng cách mạng và lực lượng vũ trang nòng cốt được tổ chức thành đoàn biểu tình lớn tiến về phủ lỵ.
102d0175352t9580l2-ra-mat-chinh-quyen.jpg
UBNDCM Lâm thời ra mắt tại Thị xã Thanh Hoá ngày 23/8/1945


Trước khí thế cách mạng dâng trào của quần chúng nhân dân, lính tuần sai, nha lại trong phủ không dám chống cự, toàn bộ tài sản công, con dấu, hồ sơ, sổ sách, máy đánh chữ, vũ khí đều được giao lại cho cách mạng. Sau cuộc mít tinh ở Cồn Ba Cây, vào cuối tháng 7-1945 với lực lượng sẵn có và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, chi bộ đảng, quân, nhân dân Hoằng Hóa đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên phạm vi toàn huyện. Như lời Tổng Bí thư Trường Chinh đã đánh giá: “Đây là cuộc khởi nghĩa đầy sáng tạo, trọn vẹn và rất táo bạo, xứng đáng là lá cờ đầu của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa”.

Từ cuộc mít tinh ở Cồn Ba Cây, khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thiệu Hóa, các phủ, huyện miền xuôi trong tỉnh gồm: Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Yên Định, Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, thị xã Thanh Hóa, quần chúng cách mạng như được tiếp thêm sức mạnh, không phân biệt già, trẻ, nam, nữ đều nhất tề vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Sau khi giành chính quyền, lực lượng cách mạng của các phủ, huyện miền xuôi đã hỗ trợ cho đồng bào dân tộc các địa phương miền núi Thường Xuân, Ngọc Lặc, Như Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa, Bá Thước đấu tranh, thiết lập nên chính quyền nhân dân. Tại thị xã Thanh Hóa, từ sáng sớm ngày 19-8, đông đảo các tầng lớp nhân dân thị xã cùng với băng, cờ khẩu hiệu, biểu ngữ cách mạng tiến hành biểu tình xuất phát từ khu vực Lò Chum tiến về Trường Thi, rồi đoàn biểu tình đi qua Cửa Tả, tiến vào nội thành bao vây dinh Tỉnh trưởng buộc Tổng đốc Nguyễn Trác phải giao nộp ấn tín, tài liệu và đầu hàng cách mạng vô điều kiện. Trong niềm hân hoan, phấn khởi của nhân dân, ngày 23-8-1945, tại phố Vườn Hoa, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa ra mắt trước nhân dân tỉnh nhà. Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Lê Tất Đắc đọc lời tuyên ngôn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến thực dân và thành lập chính quyền cách mạng, công bố bản chương trình của Việt Minh về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa.
102d0175238t1456l0-kn-hh2.jpg
 

Khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hoá, ngày 24/7/1945
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám của ông cha năm xưa, cán bộ, đảng viên, quân và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa, với khát vọng thịnh vượng đã và đang nỗ lực với trí tuệ, “sức người, sức của” xây dựng Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
baothanhhoa.vn
 
Tin nổi bật
Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát triển của...Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát ...
Tự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của ĐảngTự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
Bài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt NamBài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam
Bài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt NamBài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt Nam
Bài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộcBài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc