Sự học trên đỉnh Cao Sơn

Đăng lúc: 08:04:53 26/11/2019 (GMT+7)

Xung quanh Trường Phổ thông Cao Sơn và khu lẻ của Trường Mầm non Lũng Cao là một màu xanh mát của rau quả và sắc vàng của hoa cải đơm bông. Những khuôn mặt vui tươi với những nụ cười rạng rỡ làm bừng lên sức sống cho một vùng sơn cước nơi đây. Các em được yêu thương, được vui chơi, được học hành, được gieo những ước mơ để ươm mầm cho một tương lai tươi sáng.

178d1193624t86738l0.jpg 
Thầy và trò Trường Phổ thông Cao Sơn đã được học trong các lớp học khang trang, đầy đủ ánh sáng.

Những lớp học trên đỉnh núi

Con đường để đến với những lớp học trên đỉnh Cao Sơn - tên gọi chung của ba bản: Son, Bá, Mười thuộc xã Lũng Cao (Bá Thước) thật chẳng dễ dàng. Đúng như tên gọi gợi lên sự xa xôi, cách trở, người dân Cao Sơn gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Từ trung tâm xã Lũng Cao đến đỉnh Cao Sơn là gần 10km, đường bê tông ngoằn ngoèo ôm quanh đỉnh núi cao chót vót, thi thoảng đống sình lầy do đất đá từ taluy bên đường dội xuống, “ngoạm” hết đường đi. Gần 1 tiếng đồng hồ trên con đường đèo, chúng tôi cũng đặt chân đến đỉnh núi Phà Hé. Từ đây nhìn xuống, hàng trăm nóc nhà của người Thái như nấm mọc lô nhô sau cơn mưa rào. Hơn 10h sáng, trên con đường liên ba bản, thấp thoáng những đứa trẻ vai đeo ba lô, tay cầm dép vừa đi học vừa đùa nghịch. Lý giải về giờ đi học giữa buổi này, Vi Thị Lan - học sinh lớp 3, Trường Phổ thông Cao Sơn, nói: “Chiều bọn cháu mới vào học nhưng phải đi sớm tới lớp nghỉ ngơi, ăn cơm nắm buổi trưa để kịp giờ học ạ”. Tôi hỏi: “Đi học vất vả thế này sao cháu vẫn đi?”. Thật bất ngờ cô bé lớp 3 quả quyết: “Dù có khó khăn đến mấy cháu cũng quyết không bỏ học đâu. Vì đi học vui lắm”.

Trường Phổ thông Cao Sơn và khu lẻ của Trường Mầm non Lũng Cao, nằm giữa bản Mười. Khi chúng tôi đến, các em nhỏ đang học tiết cuối. Đâu đó ở các phòng học văng vẳng vang lên tiếng ê a đọc bài của các em lúc trầm, lúc bổng. Khi mặt trời đã lên cao qua đầu ngọn núi thì tiếng trống trường cũng giục giã vang lên, các em học sinh chào thầy cô xong vội vã ùa ra khỏi lớp học. Khi thấy có người lạ, các em chỉ trỏ nhau rồi vừa cười, vừa chạy... Ở đây các em đều tự đến trường rồi tự về nhà, em nào nhỏ quá thì anh chị học ở trường bên sẽ đưa đón. Gần 12h trưa, nhưng vẫn còn nhiều học sinh chơi quanh quẩn trước cửa lớp. Hỏi ra mới biết, nhà xa nên các em không về mà ở lại đợi học buổi chiều. Bữa cơm trưa, em có, em không. Giáo viên thương học trò, nhiều hôm lại nhường phần cơm của mình để các em ăn cho có sức.

Còn nhớ cách đây vài năm, để lên được tới điểm trường, các thầy cô phải đi bộ theo con đường mòn duy nhất, nằm sát ngay phía vực của dãy Pha Hé. Cứ thế, người sau nối tiếp bước người trước, tay bám sườn đá, cành cây di chuyển gần 10 giờ đồng hồ. Phòng học của các em mẫu giáo được ghép bằng gỗ thưa, mái lợp cỏ tranh không thể nào ngăn gió lạnh. Những khi mưa gió, lớp học ướt đẫm, cô trò lại kéo nhau đi trú mưa. Khi trời lạnh, gió rít, môi thâm, tay cóng, cô trò lại ngồi sát vào nhau để tạo hơi ấm. Phòng học như thế nên sách vở, đồ dùng học tập của các em cũng chỉ được thời gian ngắn là hư hỏng.

Cao Sơn chưa có điện lưới quốc gia nên vào mùa mưa, người dân thường sử dụng điện chập chờn từ chiếc máy phát điện mini đặt ở các mó nước. Mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, người dân phải đi lấy nước sinh hoạt từ rất xa bản. Vì thế, thời gian để tự học, làm bài tập của các em rất ít. Buổi tối, qua ánh lửa bếp các em chỉ đọc qua loa được một chút. Cũng chả đào đâu ra nến, còn điện thì lại càng xa vời. Khó khăn là thế, nhưng sự học ở Cao Sơn vẫn được thầy, trò và người dân nơi đây quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Theo thầy Trịnh Công Định, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Cao Sơn, tiểu khu Cao Sơn thành lập từ 1966. Khối THCS ở đây đã có từ 1978, nhưng tồn tại không lâu vì không có giáo viên nào dám “cắm bản”. Vì thế, khi học hết tiểu học, học sinh ba bản Son, Bá, Mười muốn học tiếp phải xin học nhờ bên xã Ngổ Luông, Nam Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Học tại bản đã vất vả, học bên Hòa Bình còn khó khăn gấp bội. Học sinh đi học từ lúc còn tờ mờ sáng, đốt đuốc, xách đèn vượt dãy Pha Chiến, đi bộ 7 – 8 km. Ban đầu, các trường ở Hòa Bình không nhận học sinh khác tỉnh. Các trưởng bản phải đích thân sang “thương thuyết”, chấp nhận điều kiện học sinh bản mình không có bất cứ chế độ phụ cấp ưu tiên nào, dù các em có hộ khẩu thuộc vùng cao đặc biệt khó khăn. Nhiều em cố gắng lắm nhưng cũng chỉ học hết lớp 9 là bỏ học rồi vào Nam kiếm sống.

Ngày 1-8-2008, Trường Phổ thông Cao Sơn được thành lập với mục đích giảng dạy cho các em học sinh trong ba bản Son, Bá, Mười. Chương trình giáo dục từ lớp 1 đến lớp 9. Vì vậy trường được đặt tên là Trường Phổ thông Cao Sơn để không bị nhầm với các trường ở dưới trung tâm xã Lũng Cao.

Nơi gọi yêu thương về

Những vất vả, thiếu thốn trên đã là câu chuyện của nhiều năm về trước, giờ đây nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự đồng cảm, sẻ chia của nhiều tấm lòng thiện nguyện mà bộ mặt Cao Sơn dần khởi sắc.

Giữa mênh mông đá núi ở Cao Sơn hôm nay, sẽ không ai còn tìm thấy những lớp học mái tranh nhếch nhác. Thay vào đó là “bông hoa núi” rực rỡ với dãy phòng học chính kiên cố, đầy đủ tiện nghi. Năm 2017 – 2018, điểm trường mầm non cũng được xây dựng khang trang. Việc tỉnh đầu tư xóa bỏ các phòng học tạm không chỉ đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh và giáo viên mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết, nguyện vọng học tập chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
178d1193641t19481l0.jpg
Năm 2017 - 2018, điểm trường mầm non cũng được xây dựng khang trang.

Những lớp học được xây dựng vững chãi vốn chỉ tồn tại trong giấc mơ của người dân Cao Sơn nay đã trở thành hiện thực. Niềm hạnh phúc ấy thật khó có thể diễn tả hết bằng lời. Bởi vậy, địa phương đã dành quỹ đất công, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất để góp phần làm cho khuôn viên trường, điểm trường thêm rộng rãi. Giờ đây, lớp học ngoài là nơi học tập của các em, còn là nơi cả gia đình, bản thân các em xem như nơi an toàn để học, nghỉ ngơi trong ngày, khi bố mẹ đi làm nương rẫy.

Cùng với các việc xây mới, nâng cấp và cải tạo trường, điểm trường hàng năm, học trò nghèo Cao Sơn còn được đón nhận chăn, quần áo ấm, đồ dùng học tập... của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện gửi về. Đây là sự động viên lớn, tiếp thêm nghị lực cho các em đến lớp, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho các em học sinh Cao Sơn có cơ hội tiếp cận và học tập ngang bằng với trẻ em miền xuôi. “Trường Phổ thông Cao Sơn hiện có 110 học sinh, 100% là dân tộc Thái. Các em học sinh nơi đây đặc biệt rất ham học nhưng nhiều em còn chưa thạo tiếng phổ thông, hay rụt rè vì ít tiếp xúc với người lạ. Tuy nhiên, nhà trường cũng đã đạt được những thành tích nhất định. Năm học 2017-2018, trường có một học sinh giỏi cấp huyện, 4 học sinh đạt giải khuyến khích cấp tỉnh về việc vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn. Năm học 2018 – 2019, cấp THCS có 1 giải nhì, 1 giải ba môn Lịch sử và Giáo dục công dân cấp huyện; cấp tiểu học có 2 giải nhất cấp huyện môn Toán. Đặc biệt, 5 năm liên tục trường có học sinh đạt giải cấp huyện về nghiên cứu khoa học” - thầy Định tự hào cho biết.

Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui, năm 2015 con đường bê tông tỉnh lộ 521B lưu thông không chỉ giúp bà con Cao Sơn đi lại thuận tiện, có điều kiện phát triển kinh tế mà còn tạo thuận lợi để các tấm lòng hảo tâm đến gần với học trò nghèo nhiều hơn nữa. Rất nhiều các chương trình hỗ trợ cho các trường, điểm trường và học sinh vùng đồng bào dân tộc đã được thực hiện trong những năm trở lại đây.

Tạm biệt mái trường giữa thung lũng, lặng nhìn những tốp học sinh trở về nhà trong mây núi vây kín mặt; những tấm áo mong manh dưới sương muối mịt mù... chúng tôi thực sự cảm phục và hy vọng về một tương lai tươi sáng của học trò vùng cao.
baothanhhoa.vn
Tin nổi bật
Cụm đồng bằng: Hội nghị giao ban công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024Cụm đồng bằng: Hội nghị giao ban công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024
Hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Miền núi và Cụm Trực thuộc năm...Hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Miền núi và Cụm Trực thuộc năm 2024
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh HóaPhó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa
Hơn 5.000 vé máy bay, ô tô miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán 2025Hơn 5.000 vé máy bay, ô tô miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán 2025
Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đối thoại với thanh niên theo Luật Thanh niên 2020Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đối thoại với thanh niên theo Luật Thanh niên 2020