Tết yêu thương!
Tết đến xuân về, đâu đâu trên khắp dải đất hình chữ S này cũng thấy sắc đỏ rực rỡ - màu biểu trưng cho sự may mắn, tốt lành. Sắc đào phai, câu đối đỏ, đèn lồng đỏ...
Gia đình đoàn tụ, vui vầy bên mâm cơm gia đình là một trong những nét đẹp khi tết đến xuân về.
Tết hàm chứa ý nghĩa sâu sắc: “Nó là sự thánh hóa, biểu dương, ngợi ca tôn giáo gia đình và sự thờ cúng tổ tiên. Và với tính chất đó, nó là một thiết chế gắn liền ngay với cấu trúc gia đình và xã hội nước Nam. Chính trong ngày tết, toàn bộ gia đình cùng nhau sum họp và thực sự sống một cuộc sống chung”. Nếu quy luật của tự nhiên khiến muôn vàn cánh én nhỏ tự khắp phương trời nào “rủ nhau bay về” dệt nên trời xuân thì quy luật của lòng người thúc giục bước chân của những người con xa quê hối hả quay trở về nguồn cội, về với quê hương tuổi thơ, về với cha mẹ già ngày đêm mong ngóng, tự tay đốt nén nhang kính cẩn cúi đầu vái lạy trước bàn thờ gia tiên...
Những giá trị truyền thống, ý nghĩa sâu sắc của ngày tết trong lòng dân tộc Việt tự ngàn đời xưa vẫn bền bỉ sức sống. Dẫu rằng cách biểu hiện của nó đã có phần khác đi trong nhịp sống hiện đại vốn ưa thích sự náo nhiệt, hối hả. Ngày nay, tết vẫn là biểu tượng của sự sum họp, đoàn viên nhưng không còn là quan niệm cố hữu và duy nhất. Khái niệm “Tết xê dịch” được bàn luận nhiều hơn, trở thành một xu hướng của cuộc sống hiện đại, nhất là đối với các bạn trẻ và những gia đình hạt nhân.
Bạn Nguyễn Diệu Ngọc (TP Thanh Hóa) tâm sự: “Mình vẫn luôn mong muốn được một lần trải nghiệm cảm giác rong ruổi trên chuyến tàu cuối năm rời ga đến một vùng đất mới trong những ngày tết. Tuy nhiên, những năm trước đây, do tích lũy tài chính hạn hẹp và chưa làm tốt “công tác tư tưởng” với bố mẹ nên vẫn còn đắn đo nhiều. Nhưng năm nay, mình đã có thu nhập ổn định, bố mẹ cũng mở lòng hơn nên mình ngại gì mà không thử”. Không chỉ đối với các bạn trẻ mà nhiều gia đình (chủ yếu gia đình hạt nhân) vốn đã bị bó buộc nhiều hơn trong những vấn đề như: Trách nhiệm, tài chính, truyền thống gia đình, các mối quan hệ xã hội... cũng đã “mạnh dạn” lựa chọn xu hướng “Tết xê dịch”. Chị Trần Minh Hằng (Yên Định) thẳng thắn chia sẻ: “Ngày nay, quan niệm về tết đã có nhiều thay đổi, trong đó bao gồm cả việc: Ăn, chơi, lễ nghĩa như thế nào cho “phải đạo”. Tức là, mình có thể lựa chọn việc ăn tết, chơi tết theo điều kiện, sở thích của bản thân, gia đình nhưng vẫn không được bỏ quên đi giá trị truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc”. Xuất phát từ ý nghĩ đó, tết này, vợ chồng chị Hằng đang bàn bạc, lên ý tưởng thực hiện chuyến du xuân, chào đón năm mới tại vùng đất mới. Tuy hai vợ chồng vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng nhưng chị Hằng đã có sự tính toán, thu xếp việc nhà cửa, “đối nội – đối ngoại” đâu ra đó. Chị nói: “Dù đi đâu chăng nữa, trong những ngày tết đến xuân về, nhà cửa cũng không thể không tươm tất, sạch sẽ hay thiếu bóng dáng cành đào, cây quất. Trên bàn thờ gia tiên phải có mâm ngũ quả, ấm áp khói hương... Rồi công việc nội - ngoại đôi bên cũng không thể xuề xòa, thất lễ. Nếu vắng nhà vào dịp tết thì hai vợ chồng sẽ thu xếp đưa các cháu về chơi, chúc tết ông bà từ những ngày trước đó”.
Xã hội vận động không ngừng theo thời gian. Nếp sống, nếp nghĩ cũng từ đó mà có nhiều thay đổi. Nó giống như việc mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội ngày nay vui xuân đón tết theo cách riêng của mình. Tết sum họp, đoàn viên hay “Tết xê dịch”... Thiết nghĩ, tất cả cũng chỉ là hình thức biểu hiện. Quan trọng hơn tất thảy là căn nguyên, bản chất, cái nội hàm sâu sắc, ý nghĩa của tết vẫn “ăn đời ở kiếp”, hằn in trong lòng mỗi người dân đất Việt. Đó là khát vọng thịnh vượng, mơ ước hạnh phúc, bình an, thành công và lan tỏa, chia sẻ tình yêu thương...
Nguồn: baothanhhoa.vn
- TRIỆU SƠN: Khởi công "Nhà nhân ái - nhà khăn quàng đỏ" cho em Hoàng Đình Anh, học sinh lớp 6A, trường THCS Xuân Lộc, Huyện Triệu Sơn
- Cẩm Thủy: Tổ chức tập huấn Nâng cao kỹ năng năng lực số trong tổ chức các hoạt động Đoàn, Hội cho cán bộ Đoàn
- Khai mạc trọng thể kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV
- Trở về ký ức thời... bao cấp
- Cỗ tết – bữa tiệc của những giác quan
- Xuân về rạo rực, bâng khuâng!
- Hủy bỏ nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dịp tết để phòng, chống dịch, bệnh COVID-19
- Huyện Quan Hóa giữ gìn nhà sàn truyền thống đồng bào Thái, Mường
- Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ
- Nhà sàn truyền thống -nơi “giữ lửa” văn hóa dân tộc Thái