Xin chữ - Đừng để mai một nét đẹp văn hóa

Đăng lúc: 09:05:13 15/02/2019 (GMT+7)

Đã thành lệ, những ngày đầu xuân năm mới, việc xin chữ đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt trên mọi miền Tổ quốc. Ngay từ những ngày cuối tháng chạp cho tới đầu tháng giêng, Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) luôn tấp nập người đến xin chữ.

Tục xin chữ này có ý nghĩa như thế nào, và có sự khác biệt gì so với thời nhà thơ Vũ Đình Liên cho ra đời những câu thơ mà hầu như ai cũng biết và ngâm nga khi xuân về: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/ Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay”.

Hình ảnh xin chữ đầu năm không chỉ quen thuộc ở Văn Miếu Quốc Tử Giám mà còn có ở nhiều cổng chùa, đình làng, hoặc tại gia của một nhà thư pháp nào đó. Tuỳ theo nét bút tài hoa của mỗi ông đồ mà khách xin chữ Hán Nôm hay chữ quốc ngữ. Ở thời xưa việc cho chữ gắn liền hình ảnh một cụ già mực thước, đức độ, giỏi chữ hay một nhà nho uyên thâm cho chữ, nhưng ngày nay nhiều ông đồ còn rất trẻ, thậm chí chỉ chưa đến 30 tuổi.

Tại khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, trước đây vài năm vẫn có phố ông đồ ở phía ngoài Văn Miếu nhưng hiện nay, phía trong Văn Miếu và hồ Văn đã được sắp xếp thành nơi xin chữ, cho chữ trang trọng hơn trước. Nhưng để được có chỗ trưng bày chữ và hành nghề thì các ông đồ phải qua kì sát hạch và được tuyển chọn.

 

 

Thầy đồ cho chữ đầu năm ở chùa Tảo Sách, Hà Nội.

Những người cho chữ ở đây dù là viết chữ Hán Nôm hay chữ quốc ngữ thì đều phải qua kì thi sát hạch, tuyển chọn với yêu cầu khá khắt khe như: Sự hiểu biết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, am hiểu về thư pháp, kĩ năng viết đúng, viết đẹp... Tuy vậy, du khách vẫn mang tâm lý thích xin chữ của những ông đồ già.

Những ông đồ khăn đóng áo the, chân đi guốc mộc nhưng vẫn thấy vương vấn buồn thương tiếc nuối hình ảnh của người xưa, phố cũ. Dường như hình ảnh ông đồ ngày xưa đã quá xa xăm bởi cho và nhận chữ hiện nay đã nhuốm màu thương mại. Không còn đơn thuần là cho và xin mà là mua và bán chữ. Bởi thế, nét đẹp cho chữ theo truyền thống xưa đã phần nào bị mai một, dù rằng khát vọng hướng tới những điều tốt đẹp trong năm mới, hướng tới tri thức vẫn được thể hiện qua từng nét chữ.

Truyền thống hiếu học

Theo Cư sĩ Giới Minh, Trưởng ban biên tập Tạp chí nghiên cứu Phật học, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người ta hay đến chùa xin chữ vì trước đây có nhiều nhà sư am hiểu về thư pháp, lưu loát tường tận tiếng chữ Hán nên có thể cho chữ. Việc xin chữ thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc chứ việc xin chữ không phải là một phong tục của Phật giáo. Với các bậc cao tăng, mái chùa ngoài chức năng của tôn giáo còn đáp ứng nhu cầu văn hoá truyền thống.

Tuy nhiên, muốn cho được chữ thì người cho chữ phải am hiểu về thư pháp, có kiến thức và nên hiểu mong muốn của người xin chữ để cho chữ phù hợp. Xin chữ thể hiện đậm nét truyền thống hiếu học. Đặc biệt trong lịch sử, truyền thống hiếu học thiên về hai hướng học văn và học võ, thì cho chữ thiên về học văn.

 

 

Khách hàng lựa chọn chữ phù hợp với mình.

Và như vậy, việc cho chữ không phải của tôn giáo này hay tôn giáo kia mà còn là truyền thống của dân tộc, trong đó các thầy Phật giáo đáp ứng được nhu cầu ấy. Nếu thấy mình có khả năng am hiểu về thư pháp, đặc biệt là am hiểu về tín ngưỡng nho giáo thì việc cho chữ cũng là điều rất tốt đẹp.

Còn như theo Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Trần Lâm Biền thì hiện nay nhiều người bán chữ chứ không phải cho chữ. Xin chữ đầu năm là xin chữ thánh hiền, mà thánh hiền là những vị thần có trí tuệ, nên xin có nghĩa là xin trên nền tảng hiểu biết các chữ ấy và chỉ có hiểu biết mới dẫn dắt người ta khỏi ngu tối, mà ngu tối là mầm mống của tội ác. Đi xin chữ thánh hiền thì rất hay nhưng phải đúng là chữ thánh hiền, và những người cho chữ phải hiểu biết mới viết được.

Ngày xưa tục đi xin chữ đầu năm thường là đối với những nhà trí thức của xã hội, họ dùng chữ thánh hiền để giáo hoá chúng sinh, giáo hoá con người. Đầu năm là sự vận hành đồng nhất với thời gian một chu trình sản xuất nông nghiệp, là thời điểm khởi đầu đồng nhất với chu trình cả một đời người, hay chu trình của cả loài người. Và theo quan niệm ấy, đầu năm quan trọng vô cùng, đầu năm hanh thông tốt đẹp thì cả năm “thông đồng bén giọt”, con người mong trong năm ấy được tốt đẹp và chữ ấy thể hiện điều mong ước.

Cho nên khi gặp nhiều đau khổ, đầu năm người ta luôn muốn thể hiện ước vọng cho một năm mới nhiều niềm vui hơn. Bởi thế, khách du xuân xin chữ cũng là để muốn bù đắp cho cái đang thiếu hoặc đang mong muốn đạt được. Thế nên, ông đồ hiểu ý của người xin chữ để cho chữ đúng với nguyện vọng, dùng chữ thánh hiền để mong muốn đạt được mọi sự tốt lành cho người xin chữ.

Xin chữ thế nào?

Những người cho chữ có trí thức, có hiểu biết thì không mấy khi cho ai đó một chữ Phúc hoặc một chữ Tâm, hay một chữ Đức, mà thường cho cả câu. Ví dụ như cho chữ Tâm thì người ta viết câu: “Tâm như thuỷ”. Nguyên tắc là ai thiếu cái gì thì cần cái đó. Ví dụ: Cuộc sống của tôi không được tử tế tôi đến xin chữ là để cầu mong cho chữ ấy là chữ của thánh hiền, mà người cho chữ là người thay mặt các vị thánh hiền để cho chữ.

Người cho chữ là người hiểu biết nên thể hiện và là mạch nối thánh hiền với người xin chữ. Nhưng bây giờ thì hình ảnh ông đồ hoàn toàn khác nên nét đẹp này đã bị mai một, thương mại hóa, trở thành bán chữ chứ không còn ý nghĩa cho chữ. 

Theo phân tích của Giáo sư Trần Lâm Biền, thì có một lẽ rất đơn giản trong triết học là ai thiếu cái gì người đó cần cái đó. Vậy thì trong triết học, cho tôi một chữ Tâm có nghĩa là anh bảo tôi thiếu Tâm. Anh bảo tôi thiếu Đức nên  mới cho tôi chữ Đức. Nhưng cho tôi chữ như thế này thì tốt: “Tâm như thuỷ”, ý của ba chữ này là: Tâm mênh mông như nước, tôi không với tới được thì tôi sẽ hướng tới.

Hoặc viết: “Phúc tựa Nam Sơn”, dịch nghĩa Phúc như quả núi lớn thì tôi không thể như quả núi lớn ấy thì tôi hướng tới. Chứ cho tôi một chữ Phúc không thì có khác gì bảo tôi không có Phúc. Cho tôi chữ Thọ không thì có nghĩa là anh rủa tôi chóng chết, nhưng anh cho tôi mấy chữ này: “Ngũ phúc lâm môn” có nghĩa là 5 chữ Phú, Quý, Thọ, Khanh, Ninh tới nhà thì tôi rất sung sướng vì chữ Thọ là trung tâm. Nhiều khi người ta cho chữ Thọ nhưng mà bốn góc có bốn con dơi tượng trưng cho Phú, Quý, Thọ, Khanh, Ninh. 

Phân tích như trên để thấy rằng, cho một chữ là phải rất thận trọng, người đi xin chữ cũng phải tìm hiểu để có chút kiến thức đi xin chữ. Còn những người khoe chữ, thấy mình viết chữ đẹp mà lợi dụng người không hiểu biết để kiếm tiền thì tự tâm người cho chữ đã không tốt rồi, làm sao có thể cho chữ được? Nếu làm vậy nghĩa là anh bán chữ, mà đã bán với mua ở trong lĩnh vực của Tâm của Trí thì rõ ràng thiếu văn hoá một cách tử tế.

Xin chữ chưa hẳn là được chữ

Còn hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám định tác phẩm Hội họa - đồ họa thì cho biết việc cho chữ đã được thực hiện từ lâu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngày nay người ta kế tục truyền thống với mong muốn lưu giữ nét đẹp này. Nhưng khi làm những chiếc lều để cho các ông đồ thuê bên hồ Văn, ông cảm thấy nó cũng thế nào ấy, và ông cũng chưa bao giờ đi xin chữ như thế cả.

 

 

Chữ được bày bán.

Hình ảnh ông đồ trước đây được biết qua văn chương, qua báo chí trong không khí Tết của người Hà Nội xưa. So với hình ảnh ông đồ ngồi ở phố Hàng Bồ ngày xưa cũ thì ông đồ giờ khác nhiều. Giờ đa phần là ông đồ trẻ, thậm chí theo ông, nhiều người giả ông đồ. Ngày nay người ta hay đi xin chữ  Đức, Tâm, Tài, Lộc, Thọ, Khanh, Ninh, Phúc...

Những chữ ấy như là chữ biểu tượng mà người đi xin chữ cũng là tâm lý đầu năm đi xin chữ lấy may, nhưng may mắn hay không chỉ là ở quan niệm. Cái chính là phải ở mình. Đôi khi xin chữ đầu năm cũng là một hình thức cố níu hình ảnh xưa.

Xin chữ ở đây cũng như việc bán tranh dân gian Đông Hồ ở chợ quê. Khi ở trong ngôi nhà với nội thất hiện đại, hay như nhà chung cư thì mấy ai xin chữ? Có khi người xin chữ mang về rồi cuộn lại chứ không phải treo lên trang trọng giữa nhà. Xin chữ có thể chỉ là thói quen khó bỏ, chấp nhận yếu tố thời gian để điều chỉnh theo năm tháng…

Xin chữ, cho chữ là nét đẹp văn hóa rất cần lưu giữ trong xã hội hiện đại. Những ước vọng của người dân, của các cô cậu học trò, của các bậc phụ huynh muốn con hay chữ… đều thể hiện bằng nét chữ đẹp đẽ trên nền giấy cổ truyền. Và, nơi mọi người tìm đến xin chữ đều là những nơi linh thiêng, như để tăng thêm niềm tin vào những con chữ ấy. Nét đẹp văn hóa ấy cần được phát triển, lưu giữ nhưng phải có cách làm khác để thói quen xin chữ đầu năm không bị nhuốm màu thương mại, không có cảnh mua – bán với số tiền đắt đỏ, với sự ấm ức của các cô cậu học trò ít tiền mà phải mua chữ đắt.

Một góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa như trên đã cho thấy điều đó. Giờ là lúc các nhà nghiên cứu văn hóa cần hiến kế cho các cơ quan quản lý văn hóa một cách làm, cần phải có sự điều chỉnh để duy trì nét đẹp văn hóa, để thể hiện truyền thống hiếu học theo đúng nghĩa văn hóa.
Nguồn: baothanhhoa.vn 
Tin nổi bật
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024
TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN
Như Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệpNhư Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp
Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹpĐại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp