Đất trời đã vào thu và lòng người dường như cũng ngập tràn ấm áp bởi cái sắc màu lung linh và nồng nàn của không gian thu. Cảm giác êm ái và rạo rực như bức tranh thu được danh họa dùng sắc màu tươi sáng vẽ lên nền trời cao xanh vời vợi và gửi gắm khao khát được bay bổng giữa không trung, tự do phiêu đãng giữa đất trời. Và, có điều gì đó vừa được gieo xuống lòng người, như hạt mầm hy vọng đã đâm chồi từ mùa xuân, được sưởi ấm trong nắng hè và chỉ chờ sang thu để đơm hoa kết trái. Chợt nhớ về mùa thu Quốc khánh đầu tiên, khi Quảng trường Ba Đình ngập nắng vàng và hàng triệu con người tắm mình trong niềm tin vô bờ bến về con đường mới mà Đảng và Bác Hồ đã khai phá cho dân tộc...
Bầu trời xứ sở này cũng đã xanh cái màu xanh bất diệt của hòa bình, của khát vọng độc lập, tự chủ, hạnh phúc và ấm no trong những ngày thu tháng Tám, ngày thu Quốc khánh ấy. Bởi, mỗi khoảnh khắc lịch sử diễn ra trên mảnh đất này luôn là một “đoạn” đặc biệt, đan cài, kết nối mà dệt nên cái chiều sâu thăm thẳm của không gian, thời gian lịch sử dân tộc. Thậm chí, khi nghiên cứu về dải đất của sự giao thoa và khởi phát nơi cuối Bắc – đầu Trung này, một học giả phương Tây đã phải cảm khái, rằng, xứ Thanh là sân khấu của những bản anh hùng ca vĩ đại trong lịch sử dân tộc! Điều này có cơ sở thực tiễn của nó, khi vùng đất đã xuất hiện từ rất sớm trong những ghi chép có từ thời Hùng Vương dựng nước, dưới tên gọi Cửu Chân – một bộ phận quan trọng hình thành nên nhà nước Văn Lang. Không những thế, vùng biển Tĩnh Gia ngày nay vẫn còn dấu tích về sự suy vong của nhà nước Âu Lạc, khi chứng kiến những trận đánh cuối cùng trước khi An Dương Vương tự vẫn, cũng là đắm luôn cả cơ đồ xuống biển sâu.
Mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi xóm làng, con đường... từ vùng thượng xuôi về miền biển, đâu đâu cũng đọng dấu tích của trận mạc, của vó ngựa, của cồng chiêng lẫn trong tiếng hò reo xung trận. Từng tấc đất được xới lên cũng đủ để kể một câu chuyện từng diễn ra và hằn lại dấu chân của vô số nhân vật lịch sử. Đó là núi rừng Ngàn Nưa nơi Triệu Thị Trinh phát động cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô từng khiến toàn Giao Châu chấn động; là hạ lưu sông Mã, sông Chu và dãy Tam Điệp từng được Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn chọn làm căn cứ chống kẻ thù xâm lược. Đặc biệt, núi rừng Lam Sơn nơi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống đô hộ nhà Minh, mà hào khí còn tỏa rạng cho muôn đời không gì khác là tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết dân tộc. Rồi phòng tuyến Biện Sơn – Tam Điệp từng được thiết lập để đón đoàn quân thần tốc của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, với quyết tâm đánh cho 20 vạn quân Thanh thấy “Sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”!. Rồi Ba Đình – cái tên đã đi vào lịch sử, không chỉ bởi đây là căn cứ Cần Vương chống Pháp, mà vinh dự và tự hào hơn, đó là cái tên được chọn để gọi tên trái tim thủ đô – Quảng trường Ba Đình - giữa ngày thu Quốc khánh đầu tiên của dân tộc. Rồi Nam Ngạn, sông Mã, nơi có cây cầu đẹp nhất của thế kỷ XX - cầu Hàm Rồng – biểu tượng của tinh thần bất khuất...
Dưới góc nhìn địa lý và phong thủy, có người cho rằng, thế đất này có thể tạo nên một thế cục đặc biệt: “Thiên hạ loạn, Thanh Hóa ninh, thiên hạ bình, Thanh Hóa định”!. Đó phải chăng là một nguyên do để lý giải cho tính bền vững về cương vực lãnh thổ của Thanh Hóa trong dặm dài lịch sử?. Như khẳng định của TS Hà Mạnh Khoa và ThS Nguyễn Thành Lương trong bài viết “Xứ Thanh “Từ quận Cửu Chân đến tỉnh Thanh Hóa – một đơn vị hành chính bền vững”, thì “từ quận Cửu Chân thời Văn Lang – Âu Lạc, trải qua từ thời Bắc thuộc đến các nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ và dưới thời kỳ thuộc Pháp, đến tỉnh Thanh Hóa ngày nay, Thanh Hóa là một đơn vị hành chính tương đối ổn định nhất về cương vực và độc lập trực thuộc chính quyền Trung ương”. Cũng vì thế đất “vững như bàn thạch” ấy mà sau mọi sự thịnh – suy, hưng – vong, người ta vẫn tin “châu về Hợp Phố”? Điều này có lẽ không chỉ đúng với những sử gia, học giả, nhà nghiên cứu có tâm với xứ Thanh, mà dưới góc nhìn đầy hình ảnh và giàu sức gợi của các học giả phương Tây, vùng đất “giàu kỷ niệm lịch sử” này được tái hiện vô cùng sinh động. “Bên trong một duyên hải luôn thay đổi và khó làm ăn, dọc những dòng sông sâu và rộng, bên những sườn non lỗ chỗ hang động, trong những thung lũng hẹp đi lại khó khăn, chủng tộc người An Nam đã tìm chọn cho họ một lãnh thổ được ưa thích hơn cả làm chỗ dừng chân lâu dài, làm một trạm trên đường để qua bao nhiêu thế kỷ chuẩn bị cho công cuộc mở mang bờ cõi, hồi sức và tập trung lực lượng mà thực hiện vận mệnh của mình. Vào những phút giờ thử thách, đối với nước An Nam, Thanh Hóa còn hơn cả Hà Nội. Đây là một thánh đường bảo tồn mọi kỳ vọng của chủng tộc”! (trích trong “Thanh Hóa đẹp tươi” của H. LeBreton).
Là “miền đất được chọn”, Thanh Hóa là cái nôi phát tích của 3 triều vua, 2 đời chúa với những bậc quân vương như Lê Lợi, Lê Hoàn, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng; nhiều anh hùng tài ba là Dương Đình Nghệ, Triệu Thị Trinh...; các hiền nhân quân tử như Khương Công Phụ, Ngô Chân Lưu, Lê Văn Hưu, Lê Quát, Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Quán Nho...; đến những anh hùng lực lượng vũ trang của thời đại Hồ Chí Minh như Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; Lê Mã Lương với chân lý sống “cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận chống quân thù”... Tên tuổi những người con xứ Thanh ấy đã dệt gấm thêu hoa lên bức địa đồ lịch sử dân tộc ở những nét rực rỡ bậc nhất. Vùng đất từng là “kinh sư chi thượng đô” hiện vẫn còn Thành Nhà Hồ - công trình được xây dựng cách đây hơn 600 năm và ngày nay đã trở thành di sản văn hóa toàn nhân loại; còn Lam Kinh – kinh đô tưởng niệm của nhà Lê, đất dựng cơ nghiệp của vua Lê Thái tổ; còn dấu tích Yên Trường hành tại của nhà Lê hồi đầu thời kỳ Trung hưng... cùng hàng trăm di tích “miếu mạo công thần xen mái cổ/ lăng phần liệt thánh lẫn cây ngàn”.
Hàng trăm, thậm chí là cả nghìn di tích đền đài, miếu mạo, chùa chiền cổ xưa ấy là một phần làm nên diện mạo xứ Thanh xưa – miền đất “níu giữ và quyến rũ như một vùng có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại”. Song, bấy nhiêu vẫn chưa nói hết sự giàu có của xứ Thanh với tư cách một “vùng văn hóa”, có vị thế đặc biệt, nếu không nhắc đến di chỉ loài người núi Đọ cách đây 50 vạn năm, hay di sản văn hóa quốc gia đặc biệt hang Con Moong – một pho sử thi về lịch sử hình thành loài người. Đặc biệt, di chỉ Đông Sơn với nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ và trống đồng Đông Sơn đã trở thành “Quốc bảo” của dân tộc... Nhưng rồi, suy cho cùng, văn hóa là sản phẩm từ sự sáng tạo của con người trong quá trình lao động và tranh đấu để sinh tồn và phát triển. Bởi vậy, sẽ thật thiếu sót nếu không nói về người xứ Thanh với tư cách chủ thể của nền văn hóa đặc sắc và giàu giá trị ấy. Không chỉ có những bậc vương, tướng, danh nho, mà hàng triệu con người bình thường nhất đã và luôn là một phần của xứ “Thanh kỳ khả ái” này.
Trong suốt dặm dài lịch sử, người xứ Thanh đã đi khắp nơi, từ Bắc vào Nam. Họ là hàng nghìn, hàng vạn những người lính, dân thường và các thế hệ chưa biết đến tên, mà may chăng ta chỉ tìm thấy trong các văn bia, ký ức, gia phả, tộc phả. Nhưng cũng chính nhờ họ mà người Thanh Hóa hay nhân tố Thanh Hóa đã trở nên “hết sức đặc biệt, để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong quá trình lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nhân tố này đã góp phần đặc biệt tạo thành Việt Nam như đã và đang có” (theo cố PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế trong bài viết “Góp phần trả lời câu hỏi “Thanh Hóa có từ bao giờ?”). Đồng thời, cũng chỉ khi soi vào chiều sâu của lịch sử và văn hóa vùng đất, mới thấy được nét tính cách “phóng khoáng và chuộng điều nghĩa” của con người, mà nhờ đó, xứ Thanh mới trở thành “mảnh đất được chọn”.
Như một tất yếu khách quan, lịch sử luôn có những trang bi thương, nhưng cũng không thiếu những trang hào sảng. Cũng bởi, chỉ có đi qua những ngày đông lạnh giá, con người mới cảm nhận hết giá trị của nắng ấm mùa xuân. Suốt hàng ngàn năm, ngọn gió thời cuộc đã thổi sàn sạt qua xứ sở này, với vô vàn phong ba như để nhắc nhở hậu thế rằng đây từng là mảnh đất phên dậu của Tổ quốc, từng là quý hương của nhiều vương triều phong kiến và cũng từng “ấp ủ mọi kỳ vọng”, mà chỉ với những ai mến mộ mới dần dà bộc lộ hết các ý nghĩa kỳ bí trong sự đa dạng của mình. Xin dẫn theo lời của tác giả Nguyễn Hải Kế, rằng, trên đất nước Việt Nam có nhiều nơi gọi là “địa linh nhân kiệt”, thế nhưng, tột cùng linh thiêng thì Việt Nam chỉ có hai nơi là Chí Linh (Hải Dương), gắn với cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông của triều Trần và núi Chí Linh của xứ Thanh, nơi mà cách đây tròn 600 năm, Đức Thái tổ Lê Lợi đã “dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”, đã cùng “tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để đưa dân tộc này thoát khỏi kiếp lầm than nô lệ. Hay lời ngợi ca mà nhà sử học Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã dành cho Thanh Hóa: “Bởi vì đất thiêng mà người giỏi, nên nảy ra nhiều bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đứng đầu cả nước”! Bởi vậy, xứ Thanh “địa linh nhân kiệt” là điều không một ai và không có bất kỳ lập luận nào có thể phủ định được!
Nhìn lại quá khứ để càng thêm tự hào, đặc biệt là khi Thanh Hóa đang hướng đến kỷ niệm 990 năm ra đời Danh xưng “Thanh Hóa” – với tư cách một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Gần tròn 1 thiên niên kỷ, danh xưng giàu ý nghĩa ấy đã đồng hành cùng sự phát triển của xứ sở này. Song, 990 năm chỉ là sự kế thừa những tinh hoa đã bồi tụ, lắng đọng và chắt lọc từ thời Hùng Vương lập nước, đến thời đại Hồ Chí Minh và còn nối dài đến tương lai giàu đẹp, văn minh cho mảnh đất này. 990 năm ấy được đo bằng chiều dài của thời gian lịch sử; chiều sâu các vỉa tầng văn hóa giàu giá trị và đậm đà bản sắc; bằng sự dày dặn của truyền thống yêu nước, yêu cuộc sống, yêu lao động và hơn hết là yêu chuộng hòa bình; bằng vô vàn thử thách nghiệt ngã liên quan đến vận mệnh quốc gia – dân tộc; bằng phẩm chất, cốt cách tài hoa, thông minh, lịch lãm nhưng cũng giản dị, khiêm nhường và đầy hào sảng của con người... Đó cũng chính là cội rễ để nuôi dưỡng cái gốc “Thanh Hóa” – với ý nghĩa tốt đẹp của danh xưng ấy là “Cái đức của người dân hóa thành thanh cao, trong sáng”! (theo PGS.TS Nguyễn Minh Tường trong bài viết “Về bối cảnh và sự ra đời Danh xưng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc”)....
Vẫn bầu trời thu với cái sắc xanh bất tận, nhưng dường như, không gian thu của ngày Quốc khánh hôm nay có điều gì đó thật tươi mới, hứng khởi và đầy rạo rực. Phải chăng là cái sắc xanh của sự đổi mới đang thay dần cái màu xam xám của đói nghèo, lạc hậu? Thanh Hóa đang nắm bắt những thời cơ, vận hội để chuyển hóa thành giá trị, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Nguồn:baothanhhoa.vn