Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi năm 2025, nhằm tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong học sinh.Sáng 11/5/2025, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Khoa ...

4 giờ sáng 19-10-1941 (tròn 1 tháng sau khi đội du kích chiến khu Ngọc Trạo ra đời), quân Pháp mò vào chiến khu Ngọc Trạo; chúng cho quân đột kích theo ba hướng nhằm nhanh chóng bóp chết lực lượng du kích ở đây và phá tan chiến khu mới tạo dựng này. Nhưng địch không ngờ đã bị nếm trận phản đòn đích đáng: Lực lượng du kích bám chiến khu dù vũ khí còn thô sơ, với quyết tâm chiến đấu đã đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, làm thất bại cuộc vây hãm của kẻ thù có quân đông và đầy đủ vũ khí hiện đại. Trận chiến chênh lệch về lực lượng quân sự nhà nghề với đội quân du kích mới thành lập, kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối ngày 19-10-1941; kết quả là quân Pháp phải bỏ cuộc, trong khi không biết cách nào mà du kích quân Ngọc Trạo đã bí mật rút lui và bảo toàn lực lượng. Trận mở màn này rõ ràng báo hiệu một quá trình chiến đấu mới của nhân dân xứ Thanh, ngọn lửa từ hang Treo - Ngọc Trạo đã lan tỏa đến các địa bàn khác như Phan Long, Ban Long, Thạch Cừ, Dĩ Chế... đều có các đội tự vệ cứu quốc hoạt động.
Từ đó, đến ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8-1945), du kích và các lực lượng cách mạng từ bàn đạp chiến khu Ngọc Trạo đã hoạt động tác chiến và đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang, cùng nhân dân giương cao ngọn cờ Việt Minh đấu tranh giành tự do độc lập.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp tái xâm lược (1946-1954), Chiến khu du kích Ngọc Trạo vẫn là chỗ dựa vững chắc của Đảng bộ quân và dân Thanh Hóa phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, du kích Ngọc Trạo đã xây dựng phát triển thành lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, cùng bộ đội chủ lực lập nhiều chiến công trong kháng chiến trường kỳ. Chiến khu Ngọc Trạo cũng là một trong những hậu phương tại chỗ vững chắc của kháng chiến trên địa bàn Khu IV (cũ), góp phần trực tiếp vào thắng lợi Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, nhân dân và lực lượng vũ trang Thạch Thành cũng như toàn tỉnh, tiếp tục phát huy truyền thống bám trụ kiên cường, chiến đấu mưu trí dũng cảm của đất chiến khu Ngọc Trạo xưa, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ hậu phương Thanh Hóa và miền bắc xã hội chủ nghĩa, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ với chiến công bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay Mỹ, bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ và tay sai; giữ vững mặt trận giao thông vận tải, tích cực chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Từ sau ngày hòa bình, thống nhất non sông (1975), nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới (1986) đến nay, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã xây dựng Chiến khu du kích Ngọc Trạo thành khu di tích cách mạng Ngọc Trạo, lấy ngày 19 tháng 9 hàng năm làm ngày kỷ niệm truyền thống tại khu di tích chiến khu Ngọc Trạo, làm hành trang lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: vhds.baothanhhoa.vn