Chàng kỹ sư trẻ tìm hướng làm giàu từ hoa lan

Đăng lúc: 08:12:53 11/11/2019 (GMT+7)

Phong lan vốn là loài hoa mang vẻ đẹp dịu dàng, độc đáo, có khi lại kiêu kỳ làm say đắm lòng người. Chính bởi lẽ đó, Bùi Đức Thịnh, chàng kỹ sư trẻ 25 tuổi đã nhen nhóm tình yêu với loài hoa ấy để bắt đầu những ý tưởng khởi nghiệp.

178d5205215t27934l0.jpg
Kỹ sư trẻ Bùi Đức Thịnh chăm sóc vườn hoa phong lan tại thị trấn Hậu Lộc.

Một ngày cuối tháng mười, chúng tôi đến thăm và tìm hiểu mô hình trồng hoa phong lan của anh Bùi Đức Thịnh ở khu 3, thị trấn Hậu Lộc, một trong những ông chủ của vườn lan “trứ danh” tại huyện Hậu Lộc. Khu trồng lan của anh rộng chừng 250m2, được thiết kế khung 3 tầng sắt kiên cố với gần 1.000 giò hoa phong lan các loại. Trong đó, chủ yếu là lan Phi điệp và Đai trâu, nhiều giò đang khoe sắc, tỏa hương dịu nhẹ.

Sinh năm 1994 nhưng Bùi Đức Thịnh đã có gần 10 năm gắn bó với hoa phong lan. Ngay từ khi còn học phổ thông, vì cảm nhận, yêu thích loài hoa này nên anh đã tỉ mẩn san, trồng và chăm sóc những giò lan được người thân mua về chơi dịp tết. Khi trở thành sinh viên ngành trồng trọt, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bùi Đức Thịnh có điều kiện tham quan học hỏi nhiều phương pháp cấy ghép, lai tạo các giống cây trồng tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa cây cảnh (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Thịnh đã tự mày mò, áp dụng những kỹ thuật chiết, ghép vào loài hoa mình yêu thích. Dù đã nhận ra giá trị kinh tế và xu hướng của thị trường đối với loài hoa này, song vì điều kiện kinh tế nên Thịnh đã gác lại ước mơ phát triển kinh tế từ hoa phong lan. Nhờ sự tiết kiệm, chắt chiu, từ năm 2012-2014, Bùi Đức Thịnh đã gom góp được hàng trăm chậu, giò phong lan với nhiều chủng loại khác nhau.

Năm 2017, Bùi Đức Thịnh nhận được học bổng tu nghiệp tại I-xra-en nên phần lớn hoa lan được Thịnh tặng, nhượng lại cho người có chung đam mê, chỉ để lại những chậu lan dễ chăm, khả năng thích ứng tốt. Năm 2018, sau khi hoàn thành khóa tu nghiệp, Thịnh trở về và bắt đầu “sống” với đam mê của mình. Thịnh cùng một vài người bạn mở cửa hàng dịch vụ cung cấp, kinh doanh giống hoa cây cảnh ngay tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Và đầu tư mở rộng thêm cơ sở tại thị trấn Hậu Lộc.

Không giấu diếm những thất bại, Bùi Đức Thịnh chia sẻ rằng, dù có kỹ thuật trong ngành trồng trọt song với hoa lan anh đã nhiều lần thất bại. Nhiều lần mua hoa lan về trồng do hoa chưa thuần với khí hậu nên bị chết, nhiều cây sống nhưng không ra hoa. Không nản chí, Thịnh dành thời gian tự tìm hiểu thông qua bạn bè, mạng xã hội, internet, đến các nhà vườn lan lớn nhỏ trong, ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm và hiểu thêm về sự phân bố, điều kiện sống của từng loại lan. Thậm chí, Thịnh còn cất công sang Thái Lan để tham quan, tìm hiểu mô hình trồng lan ở đất nước được mệnh danh “cường quốc hoa lan”. Từ thực tiễn đấy, Bùi Đức Thịnh đúc kết thành những bí quyết phù hợp cho vườn lan của mình. Theo Thịnh, muốn hoa lan phát triển tốt thì khâu kỹ thuật và quy trình chăm sóc cần được chú trọng. Ngoài 3 yếu tố cơ bản là độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng, thì một yếu tố quan trọng không kém đó chính là tình yêu đối với hoa lan.

Đầu năm 2019, Bùi Đức Thịnh đã đầu tư gần 400 triệu đồng để xây dựng vườn lan tại Hà Nội và gia đình, tổng diện tích hơn 500m2 với 3 tầng khung sắt, mái che kiên cố kết hợp hệ thống tưới nước tự động để bảo đảm đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng. Đồng thời, trang trí, sắp xếp lại khuôn viên gia đình quy củ, đẹp mắt. Đây vừa là nơi thỏa đam mê, vừa trở thành điểm gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm với những người trồng và yêu hoa lan. Là một người trồng hoa lan lâu năm, anh Hoàng Xuân Hà (Hậu Lộc), nhận xét: “Tuy còn trẻ và kinh doanh hoa lan chỉ là nghề tay trái nhưng niềm đam mê của Thịnh rất lớn, trong vườn nhà có nhiều loại lan đẹp và quý hiếm hội tụ đủ các yếu tố hương, sắc. Tôi thường xuyên đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vườn lan. Đồng thời, trao đổi học hỏi những kỹ thuật mới từ Thịnh để áp dụng cho vườn lan của gia đình”.

Trung bình mỗi tháng vườn lan của Thịnh tại thị trấn Hậu Lộc xuất bán khoảng 30 - 50 chậu hoa, doanh thu khoảng 45-50 triệu đồng. Được biết, để phục vụ nhu cầu hoa, cây cảnh dịp Tết Canh Tý 2020 sắp tới, Bùi Đức Thịnh đã liên kết nhận cung cấp khoảng 10 vạn giống hoa ly, tuy - lip cho các nhà vườn và ký hợp đồng chăm sóc gần 80 chậu phong lan cho khách quanh vùng. Đồng thời, thuê mặt bằng diện tích 300m2 tại thị trấn Hậu Lộc để xây dựng khu trưng bày, bán sản phẩm hoa, cây cảnh, nhất là hoa lan.

Chia sẻ với chúng tôi, Đức Thịnh cho biết: “Hiện tại, công việc dịch vụ cung cấp giống hoa, cây cảnh, nhất là những giống cây đột biến gen cho các nhà vườn là chính. Song, ước mơ của tôi là phát triển một vườn lan quy mô lớn; đồng thời, góp phần bảo tồn các loài lan rừng quý hiếm để chúng không bị mai một. Việc xây dựng được vườn lan và bước đầu kinh doanh hoa lan có thu nhập, được mọi người biết đến chính là động lực để tôi tiếp tục thực hiện ước mơ ấy”. Thời gian dài rong ruổi, nghiên cứu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng lan khắp nơi, Bùi Đức Thịnh đã “sống” được nhờ vườn lan và dần tạo thương hiệu cho vườn lan của mình. Chắc chắn, với niềm đam mê, sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, chàng kỹ sư trẻ sẽ sớm đạt được ước mơ xây dựng và phát triển kinh tế từ loài hoa thanh, quý ấy. 
baothanhhoa.vn
Tin nổi bật
Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát triển của...Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát ...
Tự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của ĐảngTự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
Bài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt NamBài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam
Bài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt NamBài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt Nam
Bài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộcBài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc