Người “giữ hồn” khèn bè dân tộc Thái ở Mường Lát
Đăng lúc: 08:00:00 15/01/2021 (GMT+7)
Ông Hà Văn Tình (57 tuổi, ở bản Bàn, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) là nghệ nhân chế tác và thổi thành thạo khèn bè - một loại nhạc cụ dân tộc của người Thái. Để có một cây khèn ông phải mất cả tuần, thậm chí nhiều hơn.
Trong chuyến công tác đến bản Bàn, chúng tôi tìm gặp ông Tình - nghệ nhân cuối cùng ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa biết thổi và chế tác khèn bè.
Ông Tình kể: Để có được cây khèn bè hoàn chỉnh thật đẹp, thật hay, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người chế tác khèn phải có sự khéo léo, tinh tế, cầu kỳ và sự tinh tường trong thẩm âm. Đặc biệt, người chế tác phải thật sự đam mê khèn mới có thể làm ra được một cây khèn ưng ý.
Để làm cây khèn, ông Tình phải dành 7-10 ngày, có khi cả tháng. Ông đi xe máy cách nhà chừng 5 km để tìm cây mạnh pao - nguyên liệu chính dùng làm khèn.
Cây mạnh pao có thân gần giống cây nứa song nhỏ và ống dài hơn. Loại cây này chỉ mọc ở những triền đồi cao vùng biên giới giáp Lào hoặc các cánh rừng xa nên mất nhiều công sức tìm kiếm. Ông Tình băng rừng lấy mỗi lần được vài trăm cây, đem về dùng trong nhiều tháng. Khi nào hết, ông lại vào rừng chặt tiếp.
“Tôi phải vào rừng chọn cây bánh tẻ, nhỏ, mỏng về phơi nắng từ 15 - 20 ngày. Trước khi cây chuyển sang màu vàng mới bắt đầu cắt theo kích cỡ từ 80cm đến 1m”, ông Tình chia sẻ.
Theo ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát: “Người dân tộc Thái chiếm 98% trong tổng số gần 5.700 nhân khẩu ở Quang Chiểu, nhưng người biết thổi khèn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, còn người làm khèn thì chỉ còn ông Hà Văn Tình. Ngoài chế tác giỏi, ông Tình còn được đánh giá là người thổi khèn hay nhất vùng. Lúc rảnh rỗi, ông thường tập những giai điệu mới tặng vợ và cháu nhỏ”
Chúng tôi ngỏ ý muốn nghe giai điệu khèn bè, ông Tình cầm cây khèn trên tay thổi lên những giai điệu mượt mà, trầm bổng. Tiếng khèn vang vọng, bay bổng, sâu lắng, mang lại niềm vui ấm áp, làm xao xuyến lòng người. Trước sự phát triển của xã hội, và ngày càng có nhiều người trẻ vì đi làm ăn xa đã lãng quên giá trị văn hóa truyền thống, thì những người như ông Hà Văn Tình đang trở thành báu vật sống gìn giữ nét đẹp cho dân tộc Thái.
Nguồn BTH
Các tin khác
- Kết nạp Đảng cho hai đoàn viên Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa đang chống dịch ở TP.HCM
- Chàng trai gieo mầm thiện
- Người phụ nữ năng động ở xã Cẩm Châu
- Việc làm ý nghĩa của chàng trai 8X trong phòng, chống dịch COVID-19
- Hình ảnh đẹp về sự trung thực khi nhặt được của rơi trả lại người đánh mất
- Những tấm gương thương binh gương mẫu
- Chiếc loa phường di động
- Chuyện những người mang dòng máu quý như vàng
- Gương sáng trong thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo
- Người phụ nữ vượt khó vươn lên làm giàu