Chuyện những người mang dòng máu quý như vàng

Đăng lúc: 12:00:00 09/07/2021 (GMT+7)

Sinh ra với dòng máu đặc biệt, những thành viên trong câu lạc bộ (CLB) nhóm máu hiếm Thanh Hóa luôn nhận thức về tầm quan trọng của dòng máu Rh- mình mang trong người. Vì thế, bất kể đêm khuya hay phải vượt quãng đường hàng trăm cây số, họ luôn sẵn sàng chia sẻ giọt máu hiếm giúp người gặp nạn.

177d0165616t45375l0.jpg
Bác sĩ Thắm trong một lần hiến máu đột xuất tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu tỉnh.
Gặp anh Đặng Đình Thắm, Phó Chủ tịch CLB nhóm máu hiếm Thanh Hóa tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa khi anh đang khám bệnh cho bệnh nhân. Hết giờ hành chính, điện thoại của anh cũng không được “nghỉ” mà thậm chí lúc ấy mới thực sự bắt đầu vào chế độ đường dây nóng. Bởi, ngoài vai trò là một bác sĩ anh còn tham gia làm cầu nối giữa bệnh viện và các thành viên trong CLB nhóm máu hiếm Thanh Hóa để khi có ca bệnh cần người hiến máu hiếm khẩn cấp, anh còn huy động các thành viên tham gia kịp thời.
Năm 2007, trong một lần tham gia hiến máu tình nguyện tại cơ quan, anh Thắm biết mình mang dòng máu hiếm ORh-(ORh (D) âm). Ý thức được tầm quan trọng của dòng máu hiếm đang chảy trong cơ thể, anh Thắm ghi danh vào các nhóm, CLB máu hiếm và sẵn sàng lên đường cho máu bất cứ khi nào người bệnh cần. Năm 2018, CLB nhóm máu hiếm Thanh Hóa thành lập, anh là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia và trở thành 1 thành viên hoạt động tích cực của CLB. “Hễ nhận được thông tin từ các bệnh viện về trường hợp có người thuộc nhóm máu hiếm đang cấp cứu là tôi có mặt ngay. Tôi quan niệm, khi giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ chính bản thân. Không ai biết chắc cuộc sống của mình cứ suôn sẻ mãi mãi, cho đi tức là nhận lại, giúp họ mình cũng nhận lại niềm vui, vậy là được rồi” - anh Thắm chia sẻ.
Nhớ lại vào một buổi tối cách đây khoảng nửa năm, anh Thắm nhận cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ của Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh, khi anh đang ở nhà riêng cách bệnh viện tầm 30 km. Không suy nghĩ, anh vội lấy xe phi thẳng tới bệnh viện. Tiết trời lâm râm mưa, lại thêm trời tối khiến quãng đường di chuyển khó hơn. Nhưng cảm giác có người đang cần máu của mình để được cứu sống khiến anh quên đi vất vả. Anh và 2 thành viên khác hiến 3 đơn vị máu trong đợt ấy, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. “Mỗi lần có thông tin bệnh nhân cần máu, mọi người trong CLB lại “tranh nhau” để được hiến. Có người đến rồi nhưng phải về vì đã đủ máu cho bệnh nhân. Đôi khi buồn một chút vì đi lại mất công, nhưng bệnh nhân được cứu đã là niềm vui lớn nhất rồi” - anh Thắm mỉm cười, nói.
Lần khác, đang trong giờ làm việc, anh nhận được thông tin xin máu của người nhà một bệnh nhân. Không do dự, anh vội lên đường hiến máu cho bệnh nhân. Rất may sau khi được truyền máu, bệnh nhân đã vượt qua “cửa tử”. Anh nhớ lại: “Lúc ấy vào buổi trưa, vì đi gấp nên hiến máu xong mới nhớ ra mình chưa kịp ăn gì nên bị tụt huyết áp, choáng váng. Khi biết bệnh nhân không còn nguy hiểm, tôi ăn tạm cái bánh rồi ra xe trở về tiếp tục công việc”.
Anh Thắm không ít lần xúc động khi chứng kiến nhiều anh, chị, em từ các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa,... vội bắt chuyến xe ra Hà Nội, xuống thành phố để hiến máu cứu người, sau đó lại vội vã ra về. So với họ, anh khiêm tốn cho rằng sự đóng góp của mình có phần nhỏ bé hơn.
Như anh Thắm, chị Lê Thị Nhung, ở phường An Hoạch, TP Thanh Hóa cũng là người có nhóm máu hiếm. Một buổi sáng, đang ngồi cà phê với bạn bè, điện thoại của chị Nhung đổ chuông dồn dập. Thấy số máy của chị Thanh - thành viên CLB nhóm máu hiếm Thanh Hóa gọi đến, chị Nhung vội nghe. Đầu bên kia, giọng chị Thanh rất gấp gáp: “Nhung ơi, có bé thay thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thiếu máu, em vào ngay được không?”. “Được chị!” - chị Nhung trả lời không chút do dự rồi tức tốc lấy xe chạy thẳng xuống bệnh viện.
Chị Nhung phát hiện mình mang máu hiếm khi ra Hà Nội chữa hiếm muộn. Trước đó, chị đã 2 lần mang thai và đều không giữ được. Thời điểm trước năm 2007, các cơ sở y tế thường chỉ xét nghiệm hệ máu A, B, O, không xét nghiệm hệ âm dương, nên thông tin rất mù mờ. Chị đã rất sốc và nghĩ mình đang mắc bệnh. Ngay cả các bác sĩ khám cho chị cũng khẳng định chị không thể có con. Tuy nhiên, may mắn đã đưa chị đến gặp các bác sĩ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tại đây, chị được giải thích và hiểu hơn về nhóm máu mà mình đang mang. Những người phụ nữ có nhóm máu Rh- vẫn có thể sinh con bình thường, tuy nhiên nếu mang thai con có nhóm máu Rh+ thì sẽ sinh ra kháng thể chống lại Rh+, có thể gây các tai biến như sẩy thai, tan máu ở trẻ sơ sinh do cơ thể mẹ đã sinh ra kháng thể chống lại yếu tố Rh có sẵn trên hồng cầu của con có nhóm máu Rh (D) dương.
Biết được tình trạng của mình như vậy, chị chủ động tham gia vào CLB nhóm máu hiếm phía Bắc để có thể cứu người và cứu mình. Suốt thời gian mang thai lần thứ 3, cứ mỗi tháng một lần chị đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kiểm tra kháng thể, rất may đến khi sinh con vẫn không phát hiện có kháng thể trong người. Năm 2018, khi biết được Thanh Hóa thành lập CLB nhóm máu hiếm, chị Nhung đã đăng ký tham gia với mong muốn được kết nối, chia sẻ, tuyên truyền những thông tin có ích đến nhiều người có chung nhóm máu với mình, đặc biệt là các sản phụ. Chị chia sẻ: “Các bà mẹ nên đi xét nghiệm máu và khám thai định kỳ để có thể xác định nhóm máu của mình, tránh trường hợp đến lúc sinh mới biết là nhóm máu hiếm, lúc ấy thì nguy cơ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con là rất cao. Nên thông báo với cơ sở khám chữa bệnh là mình đang có nhóm máu hiếm Rh- để đề phòng tốt nhất trong trường hợp cấp cứu truyền máu, tránh rủi ro không đáng có trước khi sinh và được tư vấn các phác đồ điều trị tiêm thuốc kháng nguyên AntiD trong thai kỳ và cả sau sinh”.
Chị Nhung vui vẻ khoe với tôi tấm thẻ chị luôn mang bên mình. Tấm thẻ có khắc tên, ngày sinh và nhóm máu đặc biệt của chị. Chị bảo, nhiều người trong CLB máu hiếm cũng có những tấm thẻ tương tự. “Vật bất ly thân” này rất có tác dụng trong trường hợp họ gặp tai nạn, đặc biệt ở những nơi không có người quen thân, để bệnh viện kịp thời huy động người hiến máu. Bởi lẽ, nhóm máu hiếm quý như vàng, thường không có sẵn ở các cơ sở y tế.
Trò chuyện với anh Thắm, chị Nhung, cả hai đều mong mỏi đến một ngày sẽ có một chương trình xét nghiệm nhóm máu cho toàn bộ trẻ sơ sinh từ khi ra đời, tích hợp vào giấy tờ tùy thân của từng người. Việc này giúp bản thân bệnh nhân, gia đình, bác sĩ có sự chuẩn bị trước cho từng tình huống bất ngờ, tránh tai nạn mới biết mình mang nhóm máu hiếm sẽ rất nguy hiểm.
Chia tay những “người hùng thầm lặng”, tôi có chung cảm nhận về tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia vô điều kiện mà họ mang đến cho những người không may. Dù mỗi người có một hoàn cảnh, công việc khác nhau hay cách xa đến hàng trăm km nhưng khi biết có người cần là họ có mặt với hy vọng giúp đỡ người bệnh. Mong rằng CLB nhóm máu hiếm Thanh Hóa sẽ ngày càng lớn mạnh, gắn kết với nhau chặt chẽ hơn để cùng sẻ chia những giọt máu nghĩa tình.
Nguồn BTH
Tin nổi bật
Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát triển của...Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát ...
Tự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của ĐảngTự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
Bài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt NamBài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam
Bài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt NamBài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt Nam
Bài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộcBài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc