Cô gái khuyết tật giàu nghị lực

Đăng lúc: 15:00:00 14/05/2021 (GMT+7)

Ấn tượng nhất mà em để lại trong tôi sau lần gặp gỡ, trò chuyện là tinh thần lạc quan, vượt lên số phận tật nguyền, là khát vọng tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ được những người có hoàn cảnh như mình.

178d4074511t42080l0.jpg
Em Phạm Thị Thắm điều khiển chiếc mô tơ máy khâu bằng khuỷu tay.
Biến cố và tàn tật
“Trước đây, đã từng có thời gian mà mỗi ngày mới bắt đầu cũng là lúc em lại bắt đầu chìm ngập trong nỗi đau: nỗi đau vì không tự phục vụ sinh hoạt cho bản thân, nỗi đau vì tự ti, mặc cảm không dám ra ngoài, nỗi đau về thân thể, nhất là khi trái gió trở trời... Và rồi em chỉ biết chán nản, oán thán ông trời đã không công bằng với em” - đó là những lời tâm sự đầu tiên của em Phạm Thị Thắm ở phường Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa khi trò chuyện với chúng tôi về những chuỗi ngày đau khổ của mình.
Em sinh ra trong một gia đình thuần nông có 5 anh chị em. Từ khi sinh ra đến năm 9 tuổi em phát triển như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng, trong một trận ốm, em được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm tủy. Mặc dù bố mẹ đã cố gắng vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng số phận vẫn nghiệt ngã với em, bắt em phải gắn chặt cuộc đời trên chiếc xe lăn.
Cuộc sống của em từ đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình. Hằng ngày, không bố thì mẹ hoặc các anh chị phải đưa em đến trường đi học. Học hết lớp 9, hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả, trường học lại xa nhà, em đành từ bỏ ước mơ cắp sách tới trường. Em nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục đi học thì bố mẹ vất vả, gánh nặng trên vai bố mẹ ngày một nhiều hơn. Vì vậy, em tự nguyện nghỉ học ở nhà. 15 tuổi, không đi học, không bạn bè, cả ngày em chỉ quẩn quanh trong nhà. Cũng may thời gian đó, xã đưa nghề thêu về dạy nên các bà, các mẹ trong thôn tranh thủ lúc nông nhàn học và nhận đơn hàng về làm kiếm thêm thu nhập.
“Ông trời lấy của em đôi chân nhưng bù lại cho em đôi tay khéo léo chị ạ. Em chỉ học mót các bà, các mẹ mà em thêu rất khéo, những bức tranh của em thêu ra được mọi người đánh giá đẹp và có hồn. Có việc làm, em thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Lúc nào thấy khỏe trong người là em miệt mài thêu, kiếm thêm thu nhập cho gia đình mặc dù không được nhiều, nhưng đó là thành quả lao động đầu tiên trong cuộc sống tàn tật của em” – Thắm vui vẻ nói.
Tuy nhiên, nghề thêu như một phong trào đến rất nhanh và đi cũng rất nhanh. Bởi nó không phải là nghề truyền thống của địa phương. Các mẹ, các chị chỉ tranh thủ lúc nông nhàn để làm nên công việc và thu nhập không đều. Lúc đó, Thắm đã tự nhủ phải học được nghề gì đó ổn định, kiếm ra tiền nuôi sống bản thân. Với quyết tâm như vậy, em đã vào mạng, tìm kiếm thông tin, nghề nghiệp phù hợp với mình để học. “Như một duyên phận, em vào facebook và làm quen với một người thầy dạy cắt may. Em nhắn tin tâm sự và mong muốn được thầy dạy nghề. Khi thầy nhận lời cũng là lúc cuộc đời tàn tật của em chuyển sang trang mới” – Thắm bộc bạch.
Vượt lên để chiến thắng
“Được thầy nhận lời dạy nghề cho mình, tâm trạng của em không thể nào tả nổi, em vừa mừng vừa lo. Mừng vì được học nghề, được thực hiện ước mơ của mình, lo vì lần đầu tiên rời xa vòng tay chăm sóc của gia đình, không biết có thể lo cho mình được không... Nhưng những nỗi lo đó không còn nữa khi em gặp được người thầy tốt bụng, cả gia đình thầy chăm lo, truyền dạy cho em từ những bước may cơ bản đến kỹ thuật cắt may khó nhất, thời trang nhất. Giờ đây, như chị thấy đấy, em đã có một cửa hàng may riêng cho mình. Không những thế em còn nhận dạy... học viên học may những đường may cơ bản để đi làm công nhân cho các công ty, dạy kỹ thuật cắt may quần áo thời trang, may áo dài. Thậm chí em còn mở kênh youtube riêng để dạy nghề cho mọi người” – Thắm chia sẻ.
- “Chị thắc mắc mãi, không biết em may như thế nào nhỉ?” – tôi hỏi dò.
Thắm cười rồi nói: “Có một số bạn khuyết tật tìm đến với em để học nghề nhưng rất tiếc các bạn lại khuyết tật tay. Làm nghề may, đòi hỏi bàn tay phải linh hoạt. Vì vậy, khuyết tật chân thì còn làm nghề được chứ khuyết tật tay thì gần như không thể”. Nói rồi, Thắm quay một vòng xe lăn, lùi đến chỗ máy khâu, tay thoăn thoắt cầm mảnh vải đẩy trên mặt kim khâu, khuỷu tay đều đều nhấn xuống bàn ga. Cứ thế, thoáng một cái em đã may xong một bên chiếc ống quần.
Thấy chúng tôi trò chuyện rôm rả, lúc này người thợ may từ đầu buổi đến giờ lúi húi kẻ vẽ, cắt trên tấm giấy khổ lớn mới cất lời: “Thắm thông minh lắm các chị ạ. Em làm nghề may được hơn chục năm rồi. Em có rất nhiều khách đến may quần, áo nhưng để có thể cắt được mẫu mới, bắt kịp với xu hướng hiện nay, em đã lên đây nhờ Thắm dạy cắt. Lần đầu nhìn thấy Thắm loay hoay trên chiếc xe lăn. Em lo mình chọn nhầm “cô giáo”. Nhưng qua 10 ngày tiếp cận với Thắm, được em ấy chỉ dạy cho những công thức cắt mẫu mới, em thay đổi hẳn cách nhìn về em ấy. Và thấy rằng quyết định của mình chọn Thắm dạy là đúng...” – em Lê Thị Quý, ở phường Đông Cương, TP Thanh Hóa nói với chúng tôi.
“Không chỉ mình chị nghĩ như vậy đâu, mà khi em học xong, về quyết định mở cửa hàng, gần như khách hàng tìm đến em chỉ là sửa chữa quần áo. Em phải mất gần 1 năm để khẳng định cho khách hàng là em có thể may được trang phục, từ quần áo công sở, váy thiết kế, đến áo dài. Giờ đây, khách tìm đến em may không chỉ quanh xã mà còn có cả xã khác. Có những lần em nhận đơn hàng may hàng chục bộ áo dài cho các bà, các chị”. Đang nói với chúng tôi thì chuông điện thoại của Thắm reo lên. Tôi quay sang xem những mẫu áo dài em đang treo trên mắc áo và nghe em trao đổi: “Bao nhiêu bộ hả chị. Còn 3 ngày nữa đến 8-3 mà chị đặt em may 30 bộ áo dài thì em may sao kịp. Đợt này thợ của em nghỉ hết rồi... Để lần khác thời gian dài hơn chị nhé. Mình em và một thợ nữa may không kịp”.
Thấy tôi đang chăm chú quan sát sản phẩm của em. Thắm nói: “Chị có may áo dài không, em may cho chị một cái nhé. Chị mặc thử thấy đẹp, giới thiệu khách cho em là được rồi” - Thắm cười rồi với tay lấy chiếc áo dài xanh ngọc vừa hoàn thành đưa cho chúng tôi xem mẫu.
- “Em có rất nhiều dự định trong đầu. Em muốn có một không gian rộng rãi, có những chiếc máy khâu tốt để mở lớp dạy miễn phí cho những người khuyết tật giống em. Nhưng để làm được điều đó, phải có tiền mua máy, có nơi ăn, chốn ở cho các bạn mà sức của em thì không thể. Bởi, người lành đi lại đã khó, huống gì người khuyết tật. Em thấy cuộc đời em đang còn may lắm, khi ông trời cướp đi đôi chân của em, nhưng bù lại cho em một người thầy – người mà em coi như người anh trai đã dạy cho em cái nghề tự nuôi sống được bản thân. Giờ đây, em muốn nhân lên lòng tốt của thầy, truyền dạy cho các bạn khuyết tật – những ai có khả năng học may được, học nghề để khẳng định người khuyết tật không phải là người tàn phế như cách nhìn của mọi người... Giá như có một cơ sở, hay có một nhà hảo tâm mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật, em sẽ là người đầu tiên đăng ký làm cô giáo dạy nghề miễn phí cho họ...” - Thắm nói trong niềm mong mỏi.
Đồng hồ điện thoại báo chuông hẹn giờ đón con, tôi vội vàng chào tạm biệt Thắm để về, trên đường về tôi suy nghĩ mãi về câu chuyện cuộc đời Thắm. Tại sao một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn như Thắm lại có một nghị lực phi thường như vậy. Em đã tự đứng lên trong biến cố, khó khăn để “may” lại cuộc đời mình, mà điều đó có những người lành lặn, mạnh khỏe chưa chắc đã làm nổi. Câu chuyện của Thắm về cuộc đời em đã truyền lại cho tôi và những người xung quanh em một nguồn năng lượng mạnh mẽ để rồi tiếp tục phấn đấu và vươn lên vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Nguồn BTH
Tin nổi bật
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024
TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN
Như Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệpNhư Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp
Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹpĐại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp