Những tấm gương thương binh gương mẫu

Đăng lúc: 07:00:00 20/07/2021 (GMT+7)

Là người dân tộc Mường, ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc), năm 1972 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Cao Thái Vê lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ. Sau giải phóng miền Nam, năm 1979 anh tiếp tục tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia, năm 1985 anh bị thương nặng cụt 2 chân. Trở về quê hương với thương tật 91%, cuộc sống vô cùng khó khăn. Để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, vợ bác phải lam lũ ngoài ruộng vườn, bác thì nhận sửa chữa xe đạp phụ tiền cùng vợ nuôi con. Với bản lĩnh người lính Bộ đội Cụ Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh Vê đã mạnh dạn đưa giống mía Kim Tân về trồng trên đất làng và đã thành công bước đầu. Về sau, gia đình bác được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhận thầu chợ Kiên Thọ suốt 7 năm liên tục. Các con khôn lớn, trưởng thành, đời sống cũng dần ổn định từ đó.

177d0191548t73774l0.jpg
Tuy tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng thương binh Hà Thanh Ngọc vẫn hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Trong cuộc sống, gia đình bác luôn gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, để chung tay xây dựng nông thôn mới, bác đã động viên các thành viên trong gia đình tích cực thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu đóng góp với thôn. Từ năm 2016 đến năm 2019, gia đình bác đã ủng hộ làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn với tổng số tiền gần 6 triệu đồng. Năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19, bản thân tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nguồn thu nhập cũng giảm, song gia đình bác vẫn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, dành một phần kinh phí để giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời tiếp tục ủng hộ thôn, xóm trong việc xây dựng cơ sở vật chất, công trình phúc lợi phụ trợ để thôn sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Với bác Hà Thanh Ngọc, quê làng Mù Khò, xã Điền Quang (Bá Thước), trải qua 43 năm chiến đấu và công tác, dù ở cương vị nào bác cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bác Ngọc chia sẻ: Ý thức được bản thân là một cựu chiến binh, một thương binh 4/4, mình phải làm gì cho xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế”. Vì vậy trong quá trình chiến đấu, công tác tôi đều cống hiến hết mình. Khi về nghỉ chế độ, tôi cùng các con tập trung xây dựng trang trại với diện tích 5,2 ha trồng keo, xoan lai, mít thái, sắn, chè xanh cùng các loại cây bản địa như dỗi, trám, sú, măng tre bát độ, măng vầu, măng đắng. Ngoài ra còn có 3 sào ao nuôi cá, kết hợp chăn nuôi lợn, ngan, gà, vịt, số lượng gần 100 con.
Với quan điểm còn năng lực, tâm huyết, sức khỏe là còn cống hiến, năm 2011 bác gia nhập Câu lạc bộ chủ trang trại tỉnh Thanh Hóa và tham gia vào Ban Chấp hành Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện cho đến nay. Trên cương vị là chủ tịch hội, bản thân bác cùng tập thể huyện hội luôn đoàn kết, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tích cực vận động quỹ hội để hỗ trợ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn về con giống; trao tặng học bổng, xe đạp cho các cháu mồ côi vượt khó; trao tặng xe lăn, thăm hỏi, tặng quà, chiêu sinh dạy nghề cho đối tượng... góp phần có hiệu quả vào công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.
Là người dân tộc Thái ở làng Cốc, xã Thành Lâm (Bá Thước), năm 1968, bác Hà Xuân Hương nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, đến năm 1975 phục viên với thương tật 61%. Về địa phương, năm 1986 bác tham gia công tác ở xã; đến năm 1991, do vết thương hành hạ, sức khỏe giảm sút, bác xin về nghỉ chế độ. Không cam chịu số phận đói nghèo khi trong tay có đất đai, ruộng vườn, bác Hương đã bàn với vợ chuyển đổi 500m2 đất ruộng nước sang nuôi cá và vịt Cổ Lũng; 2 ha đất rừng kém hiệu quả sang trồng luồng kết hợp nuôi bò, thả gà đồi; 2 ha rừng trồng cây công nghiệp và các loại cây ăn quả, hoa màu khác. Trên diện tích 1.500m2 đất ruộng còn lại, bác cấy giống lúa nếp thương phẩm cho năng suất cao. Từ sự cần cù, chăm chỉ trong tăng gia sản xuất, mỗi năm gia đình bác cũng tích cóp, dành được một khoản tiền, để đến năm 2019 bác đã xóa được căn nhà tranh tre nứa lá, thay vào đó là ngôi nhà mới kiên cố, khang trang. Những năm gần đây, từ xuất bán vịt, gà đồi, cá, bê con, nếp thương phẩm, luồng... gia đình bác thu về khoảng trên 400 triệu đồng/năm. Với suy nghĩ còn sống thì còn cống hiến, bác vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa nhiệt tình tham gia công tác xã hội, làm nhiều việc giúp ích cho quê hương. Không những thế, bác còn tích cực động viên con cháu học tập, rèn luyện, công tác tốt, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Có rất nhiều tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế” trong thời bình tiếp tục gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế gia đình và mọi phong trào do địa phương phát động. Họ thật đáng để chúng ta trân trọng, học tập và noi theo.
Nguồn BTH
 
Tin nổi bật
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024
TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN TUYÊN TRUYỀN CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP CHO NGƯ DÂN
Như Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệpNhư Thanh: 900 học sinh Thanh Hóa tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp
Đại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹpĐại hội Hội LHTN Việt Nam thành phố Sầm Sơn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp