TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN CUỘC VẬN ĐỘNG “Xây dựng Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh tại đê Sông Mã, Phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa”

Đăng lúc: 15:17:54 24/09/2019 (GMT+7)

735347573.jpg 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Hàm Rồng - sông Mã có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, được coi như một “yết hầu” giao thông và trở thành một mục tiêu tấn công của không quân Mỹ, nhằm ngăn chặn sự chi viện của quân dân miền Bắc cho đồng bào miền Nam.
Năm 1965 khi mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, Nhà trắng đã coi cầu Hàm Rồng là điểm tấn công cốt tử nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Chỉ trong 2 ngày mùng 3 và 4/4/1965 Mỹ huy động 454 lượt máy bay ném bom rải thảm xuống mảnh đất này. Trong cuộc chiến đó, quân và dân Hàm Rồng đã làm nên chiến công lịch sử khi bắn hạ 47 máy bay bằng một lưới lửa phòng không kiên trung, đanh thép. Từ đó Hàm Rồng đã được lịch sử lựa chọn là nơi đối đầu quyết liệt nhất của không lực Hoa Kỳ với lực lượng phòng không của quân và dân ta.
Năm 1972 trong chiến tranh phá hoại lần 2, Mỹ vẫn điên cuồng trút xuống cây cầu Hàm Rồng hàng trăm ngàn tấn bom đạn. Chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, bệnh viện, trường học…tất cả đều trở thành mục tiêu ném bom.
Trong những cuộc ném bom tàn khốc của đế quốc Mỹ, vụ ném bom tàn sát đẫm máu của giặc Mỹ ở đê Nam Ngạn buổi sáng ngày 14/6/1972 là tội ác kinh hoàng nhất.
Mùa hè năm ấy đến sớm, nước sông Mã dâng cao, trong khi trước đó mấy tháng, bom Mỹ phá cầu Hàm Rồng đã làm đê sông Mã bị tàn phá nghiêm trọng. Nguy cơ vỡ đê, ngập lụt khắp thị xã Thanh Hóa và vùng phụ cận là rất lớn. Để đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch phục vụ chiến trường miền Nam và phòng chống lũ lụt ngay trong thời điểm máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, chính quyền tỉnh Thanh Hóa vẫn phải huy động lực lượng khẩn cấp bồi đắp đoạn đê sông Mã xung yếu từ Nam Ngạn đến Hàm Rồng.
Kì thi cuối cấp các trường cấp III và trung học đã hoàn thành, nhiều người, trong đó đa phần là nam sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, kể cả những giáo sinh, giáo viên đã từ biệt quê hương đi vào tuyến lửa theo lời gọi của miền Nam ruột thịt. Trong các trường trung học chuyên nghiệp chỉ còn những nữ sinh đang thu xếp hành lý về nghỉ hè. Đúng lúc ấy thì có công lệnh điều động mọi người, chủ yếu là các cô giáo trong thị xã Thanh Hóa, giáo sinh trường sư phạm 7 +3 đang sơ tán trên Vĩnh Lộc, nữ sinh trường trung cấp Y và dân quân tự vệ huyện Đông Sơn đi đắp đê ứng cứu sông Mã.
Lực lượng tham gia đắp đê lúc đó có hơn 2 nghìn người, trong đó riêng huyện Đông Sơn có một nghìn người, còn lại là giáo viên, sinh viên, học sinh của các trường ở thị xã Thanh Hóa như trường y sĩ, trường sư phạm 7+3 Thanh Hóa, giáo viên các cấp ở thị xã lúc bấy giờ và dân công của một số huyện lân cận vì những lực lượng khác đã tham gia vào các đơn vị chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.
Địa điểm đắp đê là đoạn đê hữu sông Mã, cách chân cầu Hàm Rồng chừng 1km. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, công trường lại nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ nên Ban chỉ huy công trường phân công cứ 5 người làm một hầm chữ A dọc theo chân đê để tránh bom đạn. Các hoạt động đắp đê diễn ra vào ban đêm, nhưng để đảm bảo an toàn, bí mật và ưu tiên cho việc thông xe qua tiền tuyến, đoàn dân công quyết định chuyển giờ đắp đê vào lúc tảng sáng.
Sáng 14/6/1972 (tức ngày 4/5 Nhâm Tý), mọi người cùng nhất trí tranh thủ làm thêm giờ, dự định hôm sau thì cũng nghỉ ăn Tết Đoan Ngọ. Giây phút định mệnh xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng, khi máy bay Mỹ ập đến thả 24 loạt bom trải dài cả cây số, như một trận cuồng phong, khiến nhiều người hi sinh tại chỗ, nhiều người vào được hầm cũng hi sinh vì bom rơi trúng hầm hoặc bị thương vì sức ép của bom.
Bà Phạm Thị Khuyến (60 tuổi, lúc đó đang là y sĩ của Bệnh viện Việt - Trung đóng trên địa bàn Thanh Hóa) thì sự kiện của 37 năm trước ám ảnh như vừa xảy ra vào ngày hôm qua. Bà Khuyến kể lại: "Khoảng 9h ngày 14/6, chúng tôi nhận được tin máy bay Mỹ ném bom làm chết rất nhiều người trên công trường đắp đê Nam Ngạn - Hàm Rồng. Lúc đó, cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Việt - Trung chỉ còn 12 người ở lại trực cấp cứu, do một số đã đi sơ tán hết. Toàn bộ anh em trong đội cấp cứu vội đưa xe cứu thương ra công trường để đón các nạn nhân về bệnh viện”.
Họ ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa kịp đem kiến thức của mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người như tâm nguyện. Sau trận thảm sát kinh hoàng đó, hầu hết những người tham gia công trường còn sống đều bị thương, nhưng đều nỗ lực tốt hơn để làm thay công việc và tri ân người nằm xuống. Có nhiều giáo viên bị thương nặng, nhưng sau khi điều trị tại bệnh viện đã vội vã trở lại bục giảng vì nhớ trường lớp và học trò.
Gần 50 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Nam Ngạn, Hàm Rồng năm xưa giờ đã thành nơi chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng. Khắc ghi công lao, tri ân sự hy sinh anh dũng của các dân công, giáo viên, học sinh đã hy sinh ngày 14/6/1972 trên công trường đắp đê sông Mã, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư xây dựng công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14/6/1972 tại đê sông Mã, Phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa.
Thực hiện Công văn số 4113-CV/VPTU, ngày 03/4/2019 của Văn phòng Tỉnh ủy V/v “Chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết và đầu tư Dự án khu công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại đê sông Mã, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa”; nhằm thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ đối với những giáo viên và học sinh đã hy sinh ngày 14/6/1972 tại đê sông Mã, Phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phát động cuộc vận động xây dựng Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại đê sông Mã, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa.
Sau khi hoàn thành công trình sẽ là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống, cách mạng cho các thế hệ trẻ, là điểm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, nơi chứa đựng bao huyền thoại thiêng liêng và cao cả, thu hút sự quan tâm của tuổi trẻ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
* Trong tài liệu tuyên truyền có sử dụng tư liệu từ các nguồn sau:
- Bộ sưu tập những tư liệu về Hàm Rồng và chiến thắng Hàm Rồng (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) Tập VI
- “Ký ức đau thương ngày 64 giáo viên, học sinh hy sinh trên đê Sông Mã” - Báo Dân trí ngày 03/04/2015
- “Cần tôn vinh gần 400 dân công hi sinh khi đang đắp đê sông Mã” - Báo Công an Nhân dân ngày 07/08/2009
- “ Nam Ngạn, nỗi đau còn khuất lấp” – Báo Lao động Xã hội số thứ 5 ngày 08/4/2010.
 
Tin nổi bật
“Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên”; Tiếp lửa truyền thống nhân dịp kỉ niệm 70 năm Chiến...“Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên”; Tiếp lửa truyền thống nhân dịp kỉ niệm 70 năm ...
Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào...Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân ...
Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiDiễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực...Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi