Người phụ nữ năng động và giàu nghị lực

Đăng lúc: 15:20:00 21/09/2022 (GMT+7)

Bằng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chị Phạm Thị Thắm, thôn Đa Hậu, xã Tượng Văn (Nông Cống) đã nỗ lực vươn lên và mang nghề về quê hương, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ địa phương.

Người phụ nữ năng động và giàu nghị lựcChị Phạm Thị Thắm đưa nghề về quê hương, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.
Con đường dẫn vào thôn Đa Hậu như được tô điểm gam màu sáng bởi những chiếc chao đèn, chiếc rổ tre nho nhỏ xinh xắn vừa mới đan xong. Mùi tre nứa lẫn vào mùi nắng phảng phất trong không gian yên ắng buổi sớm mai. Chúng tôi ghé vào căn nhà của chị Phạm Thị Thắm thấy không khí làm việc đã rất khẩn trương, sôi động. Các chị em phụ nữ tay đang thoăn thoắt, tỉ mỉ uốn từng sợi nan, người trong nhà, người ngoài sân, tất cả đều chăm chú, kỹ càng. Tất tưởi ra đón chúng tôi, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nở nụ cười đôn hậu, chị Thắm chia sẻ: “Ban đầu theo tìm hiểu được biết trên địa bàn huyện có một số công ty, HTX chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây tre, nứa... thế là tôi khăn gói đến xin vừa học, vừa làm. Tại đây, tôi được dạy nghề đan lát, hướng dẫn các kỹ thuật cần thiết để tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Chẳng bao lâu, khi đã thạo nghề, cộng với việc đấu mối được nguồn nguyên liệu, tiền vốn đầu tư lại không cần nhiều nên tôi bắt đầu nhập nguyên liệu về tổ chức sản xuất ở gia đình và hướng dẫn cho một số người họ hàng, thân quen cùng làm. Thấy công việc tôi làm có hiệu quả, nhiều chị em tìm đến xin học nghề, rồi nhận nguyên liệu về nhà gia công. Bởi vậy, tôi đã mạnh dạn mời thêm các chị em am hiểu về nghề đan ở các địa phương trong huyện đến trực tiếp nhà để mở các lớp dạy nghề cho chị em và mở rộng cơ sở sản xuất”.
Ban đầu, khi mở rộng quy mô những thử thách đầu tiên mà chị Thắm phải đối mặt chính là thị trường và sự “khủng hoảng” nhân lực theo khía cạnh thiếu vắng người thành thạo kỹ thuật đan lát. Bởi nghề này nhìn qua tưởng chừng rất đơn giản, nhưng muốn có sản phẩm đẹp, chất lượng đòi hỏi người theo nghề phải có tính cần mẫn, chịu khó thực hiện tỉ mỉ trong từng công đoạn. Không phải ai cũng giỏi để thực hiện hết các công đoạn bởi có người giỏi công đoạn đan, người giỏi công đoạn chẻ nan, có người lại giỏi ở công đoạn lên hông, đan đáy... Tuy nhiên, một người giỏi thì điều cần nhất là phải có năng khiếu, trước khi nói đến đam mê, sự tỉ mỉ, mới có thể làm ra những sản phẩm nhìn có “hồn cốt”. Thế nên, có không ít chị em khi học không theo được đành phải tạm nghỉ, có chị em đam mê thì gắn bó làm ở cơ sở của tôi từ những ngày đầu mới thành lập. Sau khi đã ổn định được nguồn nhân lực thì việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làm ra cũng là một thử thách. Do đó, những ngày đầu tôi phải gác lại mọi công việc gia đình tập trung cao độ cho cơ sở đan lát của mình cho đến khi mọi hoạt động dần đi vào ổn định. Đến nay, cơ sở của tôi đã tạo việc làm ổn định cho 50 chị em phụ nữ trong thôn, xã.
Trong khoảng sân được chị Thắm tận dụng để lấy chỗ cho chị em ngồi đan và để sản phẩm, chúng tôi được ngắm nhìn đôi bàn tay khéo léo của chị Nguyễn Thị Hồng đang chẻ thoăn thoắt từng chiếc nan, canh đều cho ra từng thẻ nan mà không cần bất kỳ sự đo vẽ nào. Chị cho biết cái nghề “nghèo đan thúng, túng đan nong” này đã thật sự ngấm vào chị từ khi bắt đầu được học. Tuy thu nhập không cao chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn là nguồn thu lớn nhất để chi tiêu trong gia đình. Nghề này không gò bó thời gian, hễ cứ rảnh rỗi là già, trẻ, trai gái đều có thể ngồi đan được. Nhưng yêu cầu người đan phải tỉ mẩn và đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo thực sự. Chẳng hạn, để làm ra một sản phẩm đèn lồng theo đúng yêu cầu của đơn vị thu mua phải qua nhiều công đoạn và các khâu, như chẻ nan, đan đáy, vào vỉ, lên quả, cắt bỏ vành, hoàn thiện... Khó nhất trong các công đoạn chính là lúc lên hông, bẻ miệng, không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà đôi bàn tay còn phải rắn chắc để sản phẩm chắc chắn, bền đẹp, định hình giỏ không bị cong vênh.
Đi lên từ hai bàn tay trắng, người phụ nữ năng động và giàu nghị lực như chị Thắm không chỉ tạo công ăn, việc làm cho nhiều chị em phụ nữ, mà cơ sở của chị còn mang lại thu nhập cao khoảng 200 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, trong tương lai chị Thắm đang nung nấu ý định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, vừa tích cực truyền dạy nghề, vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa bao tiêu luôn sản phẩm cho chị em. Đây chính là “cần câu cá” giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt 
Tin nổi bật
Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào...Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân ...
Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiDiễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực...Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi
Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024Cẩm Thủy tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm” năm 2024