“Thầy giáo” quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Trung Lý

Đăng lúc: 16:54:28 26/06/2023 (GMT+7)

Khi màn đêm buông xuống, các bản làng miền biên viễn xa xôi của huyện Mường Lát chìm dần trong bóng tối, đấy cũng là lúc tiếng đọc bài của những học sinh “đặc biệt” ở bản Khằm II, xã Trung Lý vang lên tại điểm trường Tiểu học Khằm II.

 “THẦY GIÁO” QUÂN HÀM XANH Ở ĐỒN BIÊN PHÒNG TRUNG LÝ.jpg
Đại úy Hơ Văn Di - “Thầy giáo" mang quân hàm xanh đang dạy lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho Nhân dân tại bản Khằm II, xã Trung Lý (Mường Lát).
Nói là “đặc biệt” bởi người đứng lớp là “thầy giáo" quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng (ĐBP) Trung Lý; còn các học sinh là đồng bào dân tộc, người ít tuổi chừng 20 tuổi và người lớn tuổi khoảng trên 50; có cả học sinh là vợ chồng, có học sinh mang theo cả con nhỏ đến lớp, cũng có em bé được mẹ địu trên lưng và có những người đã lên ông, lên bà đều theo học. Tiếng đánh vần “ê, a” dù còn ngọng của các học viên, phá vỡ không gian tĩnh lặng của vùng biên về đêm. 30 học viên chủ yếu là người dân tộc Mông của bản Khằm II, họ đến đây có niềm đam mê để biết đọc, viết và cộng các con số.
“Thầy Di” đó là cái tên thân thương mà bà con dân bản đặt cho Đại úy Hơ Văn Di, cán bộ Đội vận động quần chúng ĐBP Trung Lý. Ở con người anh toát lên tác phong nghiêm cẩn, kỷ luật của người lính đồng thời lại có cả nét mô phạm của người thầy giáo. Anh chia sẻ: Năm 2006, anh về công tác tại ĐBP Trung Lý, lại là người dân tộc Mông, nên anh có ưu thế là nói được tiếng Mông, hiểu được tập tục và gần gũi với đồng bào. Vì vậy, được cấp trên tin tưởng và sự phân công của chỉ huy đơn vị, anh đi khắp các bản xa, bản gần trong xã vận động, hướng dẫn đồng bào học và viết chữ. Những năm trước đây, đường đi vào các bản rất khó khăn; lúc đó, khi nào mở lớp, anh lại bắt đầu hành trình của mình. 7 giờ sáng xuất phát từ đồn, đi theo các đường mòn, đạp núi băng rừng, xuyên các đường tắt, 3 giờ chiều anh mới đến nơi. Cùng với tổ công tác tại các chốt, ban ngày sinh hoạt chuyên môn, tối đến anh bắt đầu lên lớp dạy học.
Tại các lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ, ban ngày, bà con lên nương rẫy, nhưng đúng 19 giờ 30 phút, họ lại í ới gọi nhau đến lớp học chữ. Vốn quanh năm chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, bàn tay chai sần, thô ráp, nay cầm bút thấy gượng gạo, cố gắng uốn nắn theo từng nét chữ. Dạy học cho trẻ nhỏ đã khó, dạy cho người lớn còn khó hơn. Phải cầm vào những bàn tay chai sần vì lao động, hướng dẫn di theo từng nét chữ, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, anh không chỉ dạy mà còn phải cùng đồng bào khắc phục cả sự ngượng ngùng, tự ái. Do vậy, dù rất hăng hái học tập nhưng mức độ tiếp nhận của mỗi người mỗi khác, nên các anh phải vô cùng nhẫn nại và linh hoạt với nhiều phương pháp giảng dạy thì mới khai thông được mặc cảm, xóa bỏ được tự ti để lớp học thực sự hiệu quả. Cứ mỗi lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ diễn ra trong vòng 3 tháng. Những người lớn ban đầu còn bỡ ngỡ, bối rối với bút, với vở, ngồi còn thừa chân, thừa tay, khom lưng trên những chiếc bàn ghế bé xíu của trẻ em, được sự tận tình của người thầy, thấm thoắt họ đã đọc được chữ, viết được câu từ lúc nào. Vui nhất là đồng bào ham học, ham hiểu biết, vẫn muốn được học thêm. Bởi vậy, nhiều khi lớp học kéo dài thêm thời gian “thầy giáo” quân hàm xanh vẫn hăm hở lên đường.
“Thầy Di và các cán bộ, chiến sĩ biên phòng không chỉ giúp bà con học chữ, học viết mà còn lồng ghép vào trong các buổi học cho Nhân dân chúng em những kinh nghiệm làm kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. Tuyên truyền cho Nhân dân nắm bắt những chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần cùng với lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền biên giới. Ngoài ra, lớp học còn thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Ngày em đi làm rẫy, chiều về nấu cơm cho gia đình, tối em lại đi học với thầy Di; phải học lấy con chữ trước mới học làm kinh tế được, để thoát nghèo, thoát đói”, em Vàng Thị Da, sinh năm 1993 đang theo học chữ ở bản Khằm II vui vẻ nói với chúng tôi.
Chia sẻ với chúng tôi kết quả tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho Nhân dân khu vực biên giới, Thiếu tá Hoàng Ngọc Trung, Chính trị viên phó ĐBP Trung Lý, cho biết: Để tổ chức được một lớp học xóa mù chữ cho đồng bào, các cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị đã nỗ lực không biết mệt mỏi. Từ những ngày đầu mở lớp, những người lính phối hợp với các ban, ngành địa phương đi xuống bản, gõ cửa từng nhà để vận động dân bản đến lớp, học lấy con chữ. Lúc đầu, do tâm lý e ngại, tự ti nên lớp học chỉ hơn chục người, nhưng dần dần, người nọ rủ người kia và ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc đi học chữ nên lớp ngày càng đông.
Từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã phân công các đồng chí cán bộ có kinh nghiệm, trình độ, hiểu rõ dân bản để trực tiếp giảng dạy. Năm 2022, đơn vị phối hợp với Hội LHPN huyện, xã Trung Lý mở lớp xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho Nhân dân bản Khằm I và giao cho đồng chí Hơ Văn Di trực tiếp giảng dạy. Sau thời gian khai giảng thì số học viên ngày càng tăng lên; lúc đầu có 20 học viên nhưng sau đó tăng lên 25 và cuối cùng tăng lên 28 học viên. Các học viên tham gia lớp học rất nhiệt tình, tích cực đi học và tiếp thu bài rất tốt, kết thúc khóa học đa số học viên trong lớp đã đọc thông, viết thạo. Chính vì vậy, năm 2023, đơn vị tiếp tục phối hợp với Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã và Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Trung Lý tiếp tục mở lớp xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho chị em phụ nữ và Nhân dân bản Khằm II với 30 học viên và “thầy giáo” Hơ Văn Di trực tiếp lên lớp và giảng dạy. Sau 2 tháng học tập, học viên vẫn duy trì số lượng từ 25 đến 30 học viên.
Với kết quả trên, dự kiến trong quý IV này đơn vị tiếp tục phối hợp với Hội LHPN huyện và Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Trung Lý sẽ tiếp tục mở thêm 1 lớp xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho Nhân dân trên trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí cho quần chúng Nhân dân trên địa bàn và cũng thông qua lớp học để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến với Nhân dân và cũng tuyên truyền cho Nhân dân nắm được âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Bài và ảnh: Tiến Đạt
 
Tin nổi bật
“Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên”; Tiếp lửa truyền thống nhân dịp kỉ niệm 70 năm Chiến...“Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên”; Tiếp lửa truyền thống nhân dịp kỉ niệm 70 năm ...
Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào...Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân ...
Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiDiễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực...Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi