Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới
Đăng lúc: 14:00:00 05/12/2024 (GMT+7)
Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo nên bước ngoặt trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn.
Tại Việt Nam, bên cạnh những lợi ích lớn lao của trí tuệ nhân tạo mang lại, AI cũng tiềm ẩn thách thức khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để xuyên tạc, kích động, chống phá con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tư duy tự động và xử lý thông minh, có thể tự học từ dữ liệu đầu vào và cải thiện hiệu suất qua thời gian nhờ các thuật toán học máy (Machine Learning) và học sâu (Deep Learning). AI có thể phân tích thông tin, đưa ra dự đoán và giải pháp dựa trên dữ liệu lớn (Big Data), mô phỏng cách thức con người suy nghĩ để giải quyết các vấn đề phức tạp mà không cần sự can thiệp của con người, từ đó nâng cao hiệu quả công việc.
Dựa trên dữ liệu lịch sử và các mô hình thống kê, AI có thể xử lý lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc ra quyết định chính xác, dự đoán xu hướng, rủi ro hoặc kết quả tiềm năng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế và giáo dục. Một số hệ thống AI tiên tiến có khả năng đưa ra quyết định độc lập, dựa trên các quy tắc hoặc mục tiêu đã được lập trình trước. AI cũng hoạt động hiệu quả trên nhiều thiết bị và nền tảng khác nhau, dễ dàng tích hợp với các hệ thống công nghệ hiện có và liên tục được cập nhật để mở rộng khả năng. Những đặc điểm này giúp AI trở thành công cụ mạnh mẽ trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về đạo đức, an ninh và quyền riêng tư.
Trên thực tế, AI đang ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… ở nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong về AI, nơi các công ty công nghệ lớn đã sớm nhận diện rủi ro từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này. Từ năm 2023, Chính phủ Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý AI, ban hành sắc lệnh an toàn AI đến tổ chức các hội nghị quốc tế về kiểm soát công nghệ này. Trong lĩnh vực quốc phòng, những nguy cơ từ việc AI điều khiển vũ khí tự hành đã buộc Mỹ và nhiều nước khác phải đưa ra tuyên bố chung, kêu gọi sử dụng có trách nhiệm AI trong quân sự. Nguy cơ từ việc sử dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng và khủng bố đặt ra những bài toán lớn về an ninh mà nhiều quốc gia cần giải quyết.
Tại Việt Nam, AI đã hiện diện ở nhiều lĩnh vực, nổi bật như định vị, dịch thuật hay chỉnh sửa hình ảnh... bên cạnh những giá trị tốt đẹp của công nghệ này đem lại, AI cũng đang bị lợi dụng trong các hoạt động phạm pháp như lừa đảo qua công nghệ Deepfake. Các video, hình ảnh giả mạo được tạo ra để đánh lừa nạn nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các mục đích bất chính khác. Những thông tin cá nhân như số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, địa chỉ và các mối quan hệ trên mạng xã hội thường dễ bị rò rỉ, tạo ra lỗ hổng lớn mà các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng.
Lợi dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo những kẻ xấu có thể tạo ra những chiêu trò tinh vi để thuyết phục nạn nhân tin vào các thông tin lừa đảo, từ đó chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các hành vi xấu khác. Theo Cục An toàn thông tin, năm 2023, hơn 15.900 trường hợp lừa đảo liên quan đến AI đã được ghi nhận, phần lớn xảy ra trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Gmail và Telegram.
Thách thức đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Theo nghiên cứu của Statista, thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 54% mỗi năm. Điều này cho thấy trí tuệ nhân tạo đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của chúng ta.
Trong xu thế chung, ở nước ta thế hệ trẻ đang tiếp cận AI một cách tự nhiên là đối tượng có nguy cơ lệ thuộc vào AI, dễ trở nên lười biếng, thiếu tính sáng tạo cá nhân. Đặc biệt là không ít người bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai lệch mà AI tổng hợp từ những nguồn tin không đáng tin cậy khi sử dụng các công cụ tìm kiếm như: Google AI, Neeva, Wolfram, Alpha, Yandex, You.com, Bing Chat, Chat GPT… Nhiều trường hợp, các đối tượng xấu lợi dụng các công cụ tìm kiếm, cố tình đưa ra những câu hỏi thiếu chính xác hoặc không hợp lý nhằm lừa dối người sử dụng, từ đó tạo ra những câu trả lời sai lệch để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, ví dụ như: "Không thể tồn tại nền kinh tế thị trường mà lại định hướng xã hội chủ nghĩa phải không?", "Khi nào chủ nghĩa xã hội sẽ về đích?", hay "Lúc nào thì làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu?"... Nếu sử dụng nguồn tin không được kiểm chứng, họ có thể vô tình hấp thụ những quan điểm lệch lạc, ảnh hưởng đến nhận thức chính trị và tư tưởng.
Các công cụ AI như Deepfake đang đặt ra nguy cơ lớn đối với an ninh thông tin và nhận thức xã hội. Các video, bài viết giả mạo được tạo ra bởi AI không chỉ gây rối dư luận mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cùng đó các thuật toán AI thường được thiết kế để cá nhân hóa nội dung, tạo ra các "buồng vọng âm" (echo chambers), nơi người dùng chỉ tiếp xúc với những thông tin họ đồng thuận. Điều này không chỉ củng cố định kiến mà còn khiến các quan điểm sai lệch dễ lan truyền. Các thế lực thù địch có thể khai thác đặc điểm này để phát tán thông tin xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sự phát triển nhanh chóng của AI vượt qua khả năng kiểm soát của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các công ty công nghệ lớn đang dẫn dắt sự phát triển của AI, tạo ra sự mất cân đối giữa năng lực của doanh nghiệp và khả năng giám sát của chính phủ. Nếu không có các quy định pháp luật cụ thể và cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ mất kiểm soát đối với AI sẽ trở thành hiện thực.
Các giải pháp đồng bộ để đối phó với nguy cơ từ AI
Để đối phó hiệu quả với nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo (AI), cần triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ. Đầu tiên, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về AI, ban hành các quy định về an toàn và đạo đức trong việc sử dụng công nghệ này. Tiếp theo, cần đẩy mạnh công tác giáo dục và nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với giới trẻ, giúp họ có khả năng phân biệt thông tin thật - giả và nâng cao ý thức trách nhiệm khi sử dụng AI. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tham gia vào các diễn đàn toàn cầu để kiểm soát AI, học hỏi và áp dụng kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó là vô cùng quan trọng. Cần xây dựng các công cụ và đội ngũ chuyên gia đủ mạnh để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những âm mưu lợi dụng AI nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.
Trí tuệ nhân tạo là một thành tựu mang tính cách mạng, nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, việc chủ động nghiên cứu, dự báo và phòng ngừa các nguy cơ từ AI là một nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo sự ổn định và phát triển của đất nước.
Các tin khác
- "Phi chính trị hóa" quân đội - thủ đoạn thâm độc, xuyên suốt của các thế lực thù địch
- Không để người dân đứng ngoài “cuộc chiến” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới
- Phản bác, phê phán quan điểm sai trái và nhận thức lệch lạc về nguyên tắc tự phê bình và phê bình
- Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đơn thư nặc danh để tố cáo sai sự thật
- Một số quan điểm, nguyên tắc trong giải quyết vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc ở Việt Nam
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giáo dục liêm chính
- Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học về công tác xây dựng Đảng
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'
- Đảm bảo và thúc đẩy quyền con người - nhân tố quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc