HỖ TRỢ THÍ SINH THAM DỰ CUỘC THI Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP TRONG ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN TỈNH THANH HÓA LẦN THỨ IX, NĂM 2021

Đăng lúc: 14:45:00 24/11/2021 (GMT+7)

Bước ra từ cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa năm 2021”, chị Phạm Thị Thu sinh sống tại thôn Vân Hòa, xã Cát Vân (Như Xuân) đã xuất sắc đạt giải với ý tưởng “Trồng cây Mắc ca gắn với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ít ai biết được, cùng tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm nhưng cặp vợ chồng Đỗ Trọng Học (sinh năm 1985) và Phạm Thị Thu (sinh năm 1987) đã lựa chọn về quê làm nông dân, phát triển nông nghiệp từ những cây trồng có giá trị ngay chính mảnh đất quê hương của mình.

Bỏ phố về đồi...
Hơn 10 năm trước, anh Học từng tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục, Thể thao Bắc Ninh, chị Thu tốt nghiệp Khoa Sư phạm Toán của Trường Đại học Hồng Đức nhưng cả hai anh chị đều không đi theo nghề giáo mà lựa chọn trở về quê nhà để bắt đầu một hành trình mới – hành trình gắn bó với núi đồi quê hương. Quyết định này của hai vợ chồng khiến không ít bạn bè và người thân ngạc nhiên. “Mình sinh ra ở huyện miền núi, từ nhỏ đã quen với từng tấc đất, ngọn đồi ở nơi này, nên dù được khuyên là phải học giỏi, đi ra để thoát cảnh vất vả nhà nông, nhưng trong thâm tâm mình vẫn luôn muốn làm gì đó để phát triển vùng đất này, để mang lại kinh tế cho gia đình... Lúc đó cũng chỉ là những mong muốn mơ hồ bởi mình chưa có kinh nghiệm gì. Đến khi đi học, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, học hỏi được nhiều điều, mình mới đủ kinh nghiệm thực tiễn để đưa cây mắc ca – nữ hoàng của các loại hạt về trồng ở xứ này ” – anh Học cho biết.
z2975775060712_bbad63787b75f251ce0b06066ca83607.jpg

z2975778278430_61c7a3672d5afe44527dc4fb1266497f.jpg
Năm 2009, anh Học được xem là người đầu tiên đưa cây mắc ca về vùng đồi Như Xuân. “Lúc đầu anh chỉ trồng thử nghiệm và nghiên cứu sự thích ứng của cây đối với vùng đất Như Xuân. Cây vốn “đỏng đảnh”, quá trình chăm sóc để cây cho hạt đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư lớn, người trồng phải có kinh nghiệm, vì vậy anh nhờ một người bạn là kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, sau đó anh tìm tòi học hỏi thêm trên mạng rồi áp dụng vào quá trình trồng, chăm sóc cây. “Giai đoạn đầu cũng gian nan lắm, phải đầu tư mất nhiều thời gian và công sức thì mới rút ra được kinh nghiệm cho bản thân và lựa chọn, sàng lọc được giống cây phù hợp, chăm sóc và phát triển ổn định như ngày hôm nay” - anh Học nói. Thời gian đó, gia đình anh Học trồng xen thêm sắn, ổi, mít Thái... và chăn nuôi kết hợp gia súc, gia cầm, đào ao thả cá... để lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, sau hơn 10 năm nỗ lực, cần cù, chịu khó, đất không phụ công người, gia đình anh Học đã sở hữu hơn 900 cây mắc ca trên diện tích 3 ha, trong đó có hơn 200 cây đã cho thu hoạch và cung cấp ra thị trường. Các diện tích còn lại dự kiến cũng chỉ 1 - 2 năm nữa là bắt đầu cho quả. Các loại cây trồng, vật nuôi khác là nguồn thu thường xuyên cho gia đình, như đàn trâu, bò hơn 10 con, gần 1ha ao thả cá, các loại ngan, gà, vịt... cung cấp thường xuyên ra thị trường. Tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu, nhất là mùa hoa mắc ca từ khoảng tháng 12 đến hết tháng 3, anh Học đã kết hợp chăm sóc thành công 45 đàn ong lấy mật, cho năng suất khá, trung bình mỗi năm đàn ong có thể đem lại cho gia đình anh khoảng 100 lít mật ong hoa mắc ca. Loại mật ong này rất đặc biệt nên được bạn bè, người quen đặt hàng trước, nhiều khi không đủ để bán.
Theo tính toán của anh chị, hàng năm sau khi trừ các chi phí, nguồn thu nhập từ nông trại này mang lại cho gia đình khoảng 200 triệu đồng/năm, giúp gia đình anh từ hộ khó khăn về kinh tế trở thành hộ khá giả. Người dân trong xã thấy thành công của hai vợ chồng trong việc trồng cây mắc ca và xây dựng nông trại tổng hợp, nhiều người đã đến học hỏi kinh nghiệm và nhờ anh Học tư vấn về kỹ thuật. Đến nay, ở xã Cát Vân, diện tích cây mắc ca không chỉ dừng lại ở 3 ha của gia đình anh mà đã nhân rộng thêm 4 ha ở các hộ lân cận. Hai năm trở lại đây, nông trại của gia đình anh còn cung cấp khoảng 1.600 cây giống mắc ca cho các đơn vị có nhu cầu. ...
z2974301685564_d3c3f517db31c686d062e4639f73b0ba.jpg
Xây dựng thương hiệu “Học mắc ca”
“Học mắc ca” là tên gọi mà anh Học, chị Thu lựa chọn để đặt tên nhãn hiệu cho sản phẩm mà nông trại làm ra. Các loại hạt mắc ca sấy khô, mật ong đóng chai và cả những bình rượu mắc ca do chính tay vị nữ chủ nhà khéo léo ngâm ủ được đặt ngay ngắn trong căn nhà nhỏ nằm yên bình trên đồi. Những sản phẩm này từng được chị Thu đưa đi tham dự “Ngày phụ nữ sáng tạo – khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức và được vinh danh sản phẩm xuất sắc. Chị Thu thường mang những sản phẩm của mình đến với phiên “Chợ nhỏ an lành” để kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm riêng của mình và đưa sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng vẫn còn dài. Song những tín hiệu đáng mừng nhờ sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng đã giúp đôi vợ chồng trẻ có thêm động lực để nỗ lực, cố gắng và hướng đến sự phát triển bền vững, quy mô hơn. Anh Học, chị Thu vẫn đang trăn trở nhiều dự định cho tương lai. “Tới đây mình sẽ nghiên cứu để thiết kế lại mẫu mã sản phẩm theo hướng thân thiện, tiện lợi hơn; đồng thời nghiên cứu, học hỏi để sản xuất thêm sản phẩm tinh dầu hạt mắc ca. Đây là sản phẩm được thị trường ưa chuộng bởi công dụng tốt cho sức khỏe và làm đẹp... Vợ chồng mình còn dự định mua sắm thêm máy sấy chuyên dụng để phục vụ khâu sấy hạt mắc ca, đồng thời chuyên luôn sản xuất các loại mít sấy khô từ vùng nguyên liệu sẵn có trong xã...” - chị Thu ấp ủ.
sp.jpg
Nhằm hỗ trợ ý tưởng phát triển mạnh hơn, BTV Tỉnh đoàn có các hình thức hỗ trợ cụ thể như sau: tạo điều kiện để anh chị được vay vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp qua kênh ngân hàng chính sách ít nhất 100 triệu đồng; Phối hợp Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa đưa phóng sự về gương thanh niên khởi nghiệp; giới thiệu dự án đến các doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân có các hoạt động hỗ trợ, đỡ đầu về vốn, công nghệ để ý tưởng phát triển nhân rộng mô hình hơn nữa; tuyên truyền các hoạt động của dự án lên Website tuoitrethanhhoa.vn nhằm giới thiệu, quảng bá đồng thời nhân rộng điển hình thanh niên khởi nghiệp…
Không chỉ dừng lại ở đó, dự định lớn hơn mà đôi vợ chồng trẻ này đang hướng tới đó là xây dựng nông trại du lịch trải nghiệm, bởi trong nông trại của họ sẵn có diện tích nhà sàn, ao cá, cảnh quan thiên nhiên thân thiện với môi trường, sản phẩm đặc trưng riêng có. Chỉ cần có sự kết nối, sự đầu tư thêm vài cung đường, sự hỗ trợ từ phía những cá nhân, tập thể nhiệt tình và chân thành thì có lẽ mục tiêu đón khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức sản phẩm sạch từ nông trại “Học mắc ca” là điều không quá xa vời.
Ban ĐKTHTN
Tin nổi bật
HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VỚI CHỦ ĐỀ”NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHONG TRÀO SINH VIÊN 5 TỐTHỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VỚI CHỦ ĐỀ”NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHONG TRÀO SINH VIÊN 5 TỐT
HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH TỈNH THANH HÓA, KỲ HỌP THỨ 6, NHIỆM KỲ...HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH TỈNH THANH HÓA, KỲ HỌP THỨ 6, NHIỆM KỲ ...
Cụm đồng bằng: Hội nghị giao ban công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024Cụm đồng bằng: Hội nghị giao ban công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024
Hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Miền núi và Cụm Trực thuộc năm...Hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Miền núi và Cụm Trực thuộc năm 2024
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh HóaPhó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa