TỈNH ĐOÀN HỖ TRỢ NHỮNG CHÀNG TRAI VỚI Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP TỪ CÂY CHUỐI TẠO SẢN PHẨM THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Đăng lúc: 10:20:00 12/10/2021 (GMT+7)

Dự án “Cây chuối – từ phế phẩm nông nghiệp tới sản phẩm thân thiện với môi trường” của nhóm sinh viên Lê Đình Hiếu, Lê Hoàng Nam, Nguyễn Hải Nam, sinh viên khoa QTKD, Trường Đại học Hồng Đức đã tạo ra sản phẩm đầu ra riêng biệt khi hô biến thân cây chuối thành những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ … vô cùng độc đáo; đồng thời nhằm góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị cây chuối, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của các bạn trẻ đã đạt giải Ba cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ VIII, năm 2021”

     Ý tưởng khởi nghiệp “cây chuối- từ phế phẩm nông nghiệp tới sản phẩm thân thiện với môi trường” được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá có tính khả thi cao. Chia sẻ cơ duyên để hình thành nhóm và xây dựng ý tưởng, Lê Hoàng Nam, chàng sinh viên sinh năm 1997, cho biết: Em đã tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải nhưng sau khi đi làm tại công ty của gia đình em có nhu cầu học thêm văn bằng 2 Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Hồng Đức. Nhờ cùng chung sở thích tìm tòi, khám phá, chế tạo, em đã dễ dàng kết bạn và thân thiết với Lê Đình Hiếu, Nguyễn Hải Nam cùng sinh năm 2002. Không chỉ tâm đầu ý hợp trong tình bạn mà từ những chuyến đi thực tế, đi dã ngoại cùng nhau chúng em đều quan tâm tới nông nghiệp sạch, yêu thích mong muốn và hướng tới xu hướng xanh hoá môi trường. Đó chính là cơ duyên và động lực lớn để nhóm thanh niên tham gia ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm bẹ chuối … “Mới đầu mọi người xung quanh và cả gia đình đều thấy lạ, ai cũng thắc mắc sao đi học đại học mà suốt ngày tìm hiểu về cây chuối, cắt chuối, xé bẹ chuối đi phơi. Có người còn thắc mắc không biết bọn em học cái gì mà cứ về chặt chuối như vậy. Đến khi ra thành phẩm thì ai cũng ngạc nhiên vì thân cây chuối mà làm được những thứ độc đáo và đẹp như thế này”.

1.jpg

     Không như Lê Hoàng Nam, Lê Đình Hiếu, xuất thân từ vùng quê Đông Sơn. Tuổi nhỏ lam lũ, vất vả là gắn liền với mảnh vườn, gốc lúa nên vẫn đau đáu mong muốn nâng cao giá trị cho những phụ phẩm từ nông nghiệp. Lê Đình Hiếu, chia sẻ: Theo nhiều khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, tỉnh Thanh Hoá có khoảng 7.000 ha trồng chuối với mục đích chủ yếu để lấy quả và lá, một phần thân chuối được dùng trong việc chăn nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn phần lớn thân cây bỏ đi đã tạo ra hàng nghìn tấn chất thải để phân hủy tự nhiên. Do đó thải ra một lượng lớn khí metan và cacbon dioxide ra môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân. Do đó, ý tưởng của chúng em là tận dụng nguồn phụ phẩm từ thân cây chuối để nâng cao giá trị kinh tế cho người canh tác và từng bước xanh, sạch hoá môi trường. Sau nhiều ngày rong ruổi, khảo sát thực tế ở một số huyện Vĩnh Lộc, Nông Cống, Đông Sơn… nhận thấy cây chuối có thể bóc bẹ nhiều lần mà không ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển, mỗi bẹ chuối dài, dày, khi hong khô có có độ dẻo dai, linh hoạt trong tạo hình. Các sản phẩm làm từ thân cây chuối bền hơn so với sợi coton hoặc silk, nó giữ được hình dáng ban đầu và thấm màu nhanh lại không bị phai màu khi sử dụng; Sản phẩm còn thân thiện với môi trường, góp phần thay thế các sản phẩm làm từ nhựa, túi nilon…. Đặc biệt khí hậu tỉnh Thanh Hóa nhiều nắng, hanh khô thuận lợi cho công đoạn sơ chế nguyên liệu. Nếu đầu tư xây dựng được kho chứa, bảo quản nguyên liệu thì sẽ đảm bảo nguồn cung ứng cho sản xuất lâu dài và chủ động về số lượng sản phẩm. Đồng thời bổ sung cho nguồn nguyên liệu mây, giang, nứa vầu trên địa bàn tỉnh đang ngày càng khan hiếm.
3.jpg
 
     Khi ý tưởng đã có, nhóm tác giả đã bắt tay vào thử nghiệm. Để đưa ra quy trình chuẩn cho sản xuất đồ mỹ nghệ từ bẹ chuối, 3 chàng trai tuổi đôi mươi ấy đã khảo sát nhiều vùng quê trong tỉnh và tham khảo qua các phương tiện truyền thông đại chúng để tìm được địa điểm phù hợp. Xã Trường Trung, huyện Nông Cống là địa điểm được nhóm tác giả lựa chọn, bởi đây là vùng chiêm trũng, diện tích trồng cây chuối của xã đạt hàng trăm ha. Đồng thời, người dân trong vùng đã gắn bó lâu đời với nghề đan lát, thủ công mỹ nghệ.
Nhằm giúp đỡ ý tưởng đi vào hoạt động, BTV Tỉnh đoàn đã có các hình thức hỗ trợ cụ thể như sau: tạo điều kiện để các đồng chí được vay vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp qua kênh ngân hàng chính sách ít nhất 100 triệu đồng; Giới thiệu tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức; giới thiệu dự án đến các doanh nghiệp, danh nhân, cá nhân có các hoạt động hỗ trợ, đỡ đầu về vốn, công nghệ để ý tưởng đi vào thực tế; Phối hợp Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa đưa phóng sự về gương thanh niên khởi nghiệp.
z2974536311951_a4bcf07b6e5c92dab81e8030ff5259c0.jpg
     Tin tưởng rằng, với xu hướng sử dụng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường cùng với với những dự định, hoạch định mang tính khả thi cao ý tưởng khởi nghiệp “Cây chuối - Từ phế phẩm nông nghiệp đến sản phẩm thông thiện với môi trường” có triển vọng phát triển mạnh mẽ đồng thời nhân lên tinh thần, đam mê khởi nghiệp cho đội ngũ thanh niên trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, những chàng trai Lê Đình Hiếu, Nguyễn Hải Nam, Lê Hoàng Nam đều nhận ra rằng, điều cần thiết là thời gian, bởi”một con én không làm nên mùa xuân", những chàng trai đầy nhiệt huyết ấy sẽ cần thêm nhiều người hơn cùng góp sức để hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp thân thiện với môi trường này.
Nguyễn Linh – Ban ĐKTHTN
Tin nổi bật
Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát triển của...Phát biểu của Tổng Bí thư về công tác nhân sự có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với sự phát ...
Tự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của ĐảngTự hào vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng
Bài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt NamBài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam
Bài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt NamBài 3: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chính sách dân tộc ở Việt Nam
Bài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộcBài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc