Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện tính Đảng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và sự vận dụng đối với giảng viên trường chính trị
Đăng lúc: 08:13:32 16/05/2022 (GMT+7)
Với cương vị là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong suốt quá trình cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng, phát huy “tính Đảng” của cán bộ, đảng viên và yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên phải nêu cao “tính Đảng” trong công tác cũng như cuộc sống.
Bởi theo Người, tính Đảng có vai trò hết sức quan trọng đối với cán bộ, đảng viên: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính Đảng, thì việc gì cũng không làm nên”[1]. Chính vì vậy, trong nhiều bài nói, bài viết, Người đã đề cập đến vấn đề này, đặc biệt, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc – một trong những tác phẩm được có giá trị rất lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì riêng nội dung về rèn luyện tính Đảng được Người đề cập rất cụ thể và đây cũng chính là một những nội dung quan trọng xuyên suốt của tác phẩm. Trong đó, Người đã nêu rõ về tầm quan trọng của việc rèn luyện tính Đảng, những nội dung cụ thể và cách thức, phương pháp để rèn luyện tính Đảng của mỗi cán bộ, đảng viên.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính đảng ở đây trước hết là “phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết” [2]. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính”[3]. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lưu ý, việc đặt lợi ích của Đảng lên trên hết không có nghĩa phủ nhận, bài trừ lợi ích cá nhân, nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích tập thể thì không phải là xấu và vấn đề quan trọng là “phải làm sao cho lợi ích cá nhân hoàn toàn nhất trí với lợi ích của Đảng”[4].
Thứ hai, tính đảng còn được thể hiện qua tất cả mọi công việc, mọi vấn đề từ nhỏ đến lớn do đó từ mỗi tổ chức Đảng cho đến các cán bộ đảng viên khi tiến hành nhất thiết “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”[5]. Bởi vì, có như vậy thì Đảng mới hiểu rõ tình hình để đặt chính sách cho đúng và đưa chính sách đi vào thực tiễn.
Thứ ba, tính đảng còn thể hiện là “Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”[6]. Bởi theo Người, Đảng ta là đội tiên phong, là tổ chức lãnh đạo chính trị của quần chúng, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng phụ thuộc một phần lớn vào trí tuệ và năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cán bộ, đảng viên vừa phải có trí tuệ, có kiến thức sâu rộng, vừa phải có năng lực thực hành giỏi, biết tổ chức và hoạt động thực tiễn có hiệu quả. Những phẩm chất ấy thống nhất với nhau thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Do đó, thống nhất giữa lý luận và thực hành, giữa lời nói và việc làm cũng là một trong những nội dung phản ánh phẩm chất đạo đức và uy tín của đảng viên.
Cùng với việc làm rõ nội dung tính đảng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, việc cán bộ, đảng viên kém “tính đảng” sẽ là nguyên nhân của những căn bệnh như: Bệnh ba hoa, địa phương, ham danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả, xa quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, hủ hoá, thiếu ngăn nắp, lười biếng. Nếu cán bộ, đảng viên mắc phải một trong các căn bệnh nguy hiểm sẽ làm hỏng việc, gây hại cho Đảng. Từ đó, Người cũng đã chỉ ra các phương pháp, cách thức rèn luyện tính đảng đó là:
Một là, phải học tập, trau dồi lý luận. Bởi vì,“…có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình...”[7].
Hai là, phải thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc để mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm, chữa các bệnh, các biểu hiện kém tính đảng.
Ba là, nghiêm ngặt kiểm tra, kiên quyết thực hành kỷ luật.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong các biện pháp quan trọng để nâng cao tính đảng là phải “nghiêm ngặt kiểm tra”, “Kiên quyết chống lại thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo”[8]. Người khẳng định: “kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm cũng lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”[9]. Và, để kiểm soát tốt cần hai điều kiện: việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm và người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh thực hành kỷ luật đảng, coi đây là một con đường để rèn luyện tính đảng cho cán bộ, đảng viên. Theo đó, cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương.
Đối với giảng viên trường Chính trị, hầu hết đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những tiêu chuẩn của người đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng chính là phải suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, với tư cách là một đảng viên, đòi hỏi người giảng viên trường Chính trị phải luôn chú trọng việc rèn luyện, nâng cao tính đảng. Hơn nữa, giảng viên trường Chính trị chính là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng và để có thể hoàn thành được trọng trách đó thì trước hết, giảng viên phải là những tấm gương về việc nêu cao tính đảng cả trong tư tưởng và hành động.
Từ những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện tính đảng cho cán bộ, đảng viên được nêu trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, liên hệ với chức trách nhiệm vụ của người giảng viên trường chính trị có thể thấy, tính đảng của người giảng viên phải thể hiện cụ thể đó là:
Thứ nhất, đó là sự vững vàng về bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.
Bản lĩnh chính trị vững vàng chính là một trong những biểu hiện cụ thể của tính đảng. Điều này đòi hỏi, trong bất kỳ tình huống nào thì giảng viên trường chính trị - những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng cũng phải là những người luôn giữ vững niềm tin và trung thành tuyệt đối với nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng và Nhân dân đã lựa chọn, không ngả nghiêng, dao động trước những khó khăn thử thách và sự chống phá của các thế lực thù địch. Ngay trong mỗi bài giảng mà giảng viên truyền tải tới học viên cũng phải là những thông điệp của giảng viên về bản lĩnh chính trị và niềm tin cộng sản; là những “viên đạn” hiệu quả công phá vào những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, từ đó góp phần quan trọng trong tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để định hướng tư tưởng đúng đắn cho người học, thông qua đó giúp người học xác định đúng mục đích, động cơ tính thần, thái độ, phương pháp học tập và công tác.
Đồng thời, cùng với bản lĩnh chính trị vững vàng thì tính đảng của giảng viên trường chính trị cũng thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, hết lòng vì nhiệm vụ chung của nhà trường trong công tác đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng. Theo đó, trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, giảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm vì tập thể để vượt qua mọi khó khăn, thử thách và không ngừng nỗ lực cố gắng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ cũng như kỹ năng, nghiệp vụ để cùng với tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.
Thứ hai, giảng viên phải thực sự là tấm gương mẫu mực về ý thức tổ chức kỷ luật, đặc biệt là về kỷ luật trong phát ngôn và việc tuân thủ, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Bởi vì, như đã nêu ở trên, giảng viên trường chính trị hầu hết đều là đảng viên, mà đối với người đảng viên cộng sản khi tự nguyện gia nhập hàng ngũ của Đảng thì đồng nghĩa với việc tuân thủ nghiêm ngặt tính tổ chức và tính kỷ luật của Đảng. Đây được xem là “hành lang pháp lý” của Đảng để người đảng viên rèn luyện và phấn đấu không ngừng. Vì vậy, trong rèn luyện, nâng cao tính đảng, thì người giảng viên phải thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn, nói viết và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trong đó trước hết phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, luôn tôn trọng và tuân thủ ý kiến tập thể, chấp hành nghiêm túc các nghị quyết của tổ chức đảng; luôn luôn tự giác trong tự phê bình và phê bình, để nhận rõ những hạn chế, yếu kém của bản thân và không ngừng nỗ lực cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời góp phần giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp cùng phát triển để xây dựng tập thể nhà trường ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh;…
Thứ ba, giảng viên phải có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, nói luôn đi đôi với làm và có tác phong làm việc khoa học. Đây cũng chính là sự biểu hiện cụ thể về tính đảng của giảng viên trường chính trị trong chính đạo đức, lối sống và tác phong làm việc. Bởi vì, để có thể hoàn thành chức trách nhiệm vụ của người giảng viên trường chính trị - những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng thì đòi hỏi mỗi giảng viên cũng phải là những tấm gương về đạo đức cách mạng, trong công việc cũng như trong lối sống phải luôn thể hiện sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn tận tâm, nhiệt huyết vì học viên và hết lòng, hết sức vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.
Bên cạnh đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, tính đảng còn được thể hiện đó là “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Đây là một trong những biểu hiện của tính đảng và cũng chính là sự thể hiện của tác phong làm việc khoa học, nó trái ngược với những biểu hiện kém tính đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu đó là: Bệnh ba hoa, thiếu kỷ luật, cẩu thả, chủ quan, hình thức, thiếu ngăn nắp, lười biếng,… Điều này đòi hỏi, ngay từ trong công tác nghiên cứu, giảng dạy cũng như trong thực hiện những việc chung Đảng bộ, chi bộ và của nhà trường, khi đề cập bất kỳ một vấn đề gì thì giảng viên phải tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc để đảm bảo tính khách quan, trung thực, tránh sự suy diễn chủ quan trong truyền đạt những thông tin, kiến thức đến học viên hoặc tham mưu, đề xuất các ý kiến thiếu căn cứ khoa học đối với lãnh đạo. Đồng thời, trong thực hiện nhiệm vụ của cá nhân cũng như của tập thể, mỗi giảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm, tránh tình trạng làm qua loa, đối phó, thấy dễ thì làm, thấy khó thì đùn đẩy.
Tóm lại, rèn luyện tính đảng là một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, có giá trị bền vững, trường tồn, đang tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đối với các giảng viên Trường chính trị, để nâng cao tính đảng, đòi hỏi trước hết mỗi giảng viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm trong tự tu dưỡng, rèn luyện, bởi vì chỉ khi nào giảng viên thấy rõ được đó là nhu cầu tự thân để chủ động trong tự tìm tòi cách thức và quyết tâm trong rèn luyện thì mới có hiệu quả thực sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cũng phải thường xuyên chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện để nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của giảng viên, đồng thời tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra và thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện kém tính đảng của giảng viên để mỗi giảng viên của nhà trường đều xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Theo Th.s Lê Hải Yến - Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Các tin khác
- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân trong bối cảnh mới
- Bồi dưỡng cán bộ trẻ theo phong cách Hồ Chí Minh
- Học và làm theo lời Bác dạy về công tác tuyên truyền
- Bác Hồ với các cháu thiếu nhi
- Giữ vững tư cách người cách mạng
- Luôn có Bác trong tim
- Nhớ lời Bác dạy về “tài” và “đức”, nghĩ về đội ngũ cán bộ hôm nay
- Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện tính Đảng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và sự vận dụng đối với giảng viên trường chính trị
- Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng
- Bác Hồ niềm tự hào về Đảng