17 chàng “ngự lâm” trên đỉnh Cao Sơn

Đăng lúc: 07:30:27 26/08/2019 (GMT+7)

Hàng ngày, hàng tuần họ vẫn vượt qua đèo cao, vực sâu bất chấp hiểm nguy để “gieo cấy” những “mùa chữ” trên mảnh đất vùng cao Son, Bá, Mười với vô vàn những khó khăn, thiếu thốn. Đó là 17 giáo viên, những chàng “ngự lâm” trên đỉnh Cao Sơn.

178d0182835t48379l0.jpg
 Không có sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp nữ, các thầy vẫn ổn định bộ môn, nhưng đó lại là thiệt thòi của các em học sinh
.

Gian nan “cõng chữ lên non”

Từ trung tâm xã Lũng Cao vào 3 bản Son, Bá, Mười chỉ hơn 10 km, nhưng chúng tôi phải mất gần 1 tiếng đồng hồ “đánh vật” với con đường đèo Phà Hé. Với dốc cao trước mặt, rừng núi mù mây, cùng những điểm cua gấp khúc rợn tóc gáy bên là vách đá, bên là vực sâu... Hai bên đường tuyệt nhiên không có một ngôi nhà. Theo lời người dân 3 bản, mỗi lần có việc ra xã xin giấy tờ hoặc mua lương thực, thực phẩm, họ luôn phải mang theo túi “hồ lô”. Túi “hồ lô” này được những người dân cắt từ ống quần dài đã cũ, cột chặt hai đầu để đựng cờ lê, mỏ lết, bu di, bơm xe, miếng vá...

Trầy trật mãi rồi chúng tôi cũng đến được đỉnh Cao Sơn. Đã hơn 9h sáng, khi ở dưới xuôi bắt đầu nắng nóng, thì ở đây mây vẫn lởn vởn, che khuất núi. Càng lên cao, tôi càng cảm nhận rõ hơi lạnh của núi rừng. Đón chúng tôi, thầy Trịnh Công Định, Hiệu trưởng Trường phổ thông Cao Sơn, phân trần: “Vài năm nay mới có đường, xe máy vào được, chứ trước năm 2014, chúng tôi còn phải đi bộ mất gần 5 tiếng đồng hồ để trèo qua các vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Nhiều hôm trời tối, vừa mệt vừa không nhìn thấy đường đi, chúng tôi phải ngủ lại trong rừng chờ sáng hôm sau đi tiếp. Người có sức trẻ thì mỗi tháng “hạ sơn” một lần, già thì 2 – 3 tháng. Mỗi chuyến hành trình như thế được chuẩn bị chu đáo, thuốc men, dầu bóp đề phòng rắn rết không khác gì nhà thám hiểm”.

Cũng vì đặc điểm địa hình nên việc dạy và học ở Cao Sơn có những nét rất riêng biệt. Giờ học buổi sáng thường vào muộn, buổi chiều tan sớm hơn dưới xuôi 15 phút, vì thời tiết Cao Sơn nhanh tối, nhiều em ở bản xa đi bộ 3 km mới về được đến nhà. Đặc biệt, nếu các trường học ở vùng khác, khi thời tiết rét xuống dưới 10 độ C là học sinh được nghỉ học tránh rét nhưng ở đây lại khác. Nhiều mùa đông, nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, cây cỏ đóng băng trong sương giá các em vẫn phải đến trường. Bởi lẽ, nơi đây khí hậu mát mẻ, mùa đông gần như cả năm, nếu cho các em nghỉ đúng như quy định thì học sinh phải nghỉ gần hết cả năm học. Ở Cao Sơn, không nhà nào có đồng hồ báo thức nên thầy giáo chính là chiếc đồng hồ báo thức gọi các em đến lớp đúng giờ bằng tiếng kẻng mỗi sáng. Cá biệt, có em đến lớp còn địu thêm em nhỏ vì bố mẹ đi rừng. Nhiều khi em bé quấy khóc, chị dỗ không được, thầy giáo lại phải “ra tay” làm công việc của một vú em ru bé ngủ để lớp học được tiếp tục.

Công tác trong hoàn cảnh khó khăn nhưng thầy Định vẫn vui vẻ kể cho chúng tôi về sự “thay da đổi thịt” của Cao Sơn trong vài năm qua, đó là nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và những người hảo tâm, năm 2012, trường đã được hỗ trợ cho xây mới 4 phòng học, xóa bỏ phòng học tranh tre nứa lá. Đến năm 2019, dãy nhà công vụ dành cho giáo viên được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, các thầy giáo của Trường phổ thông Cao Sơn vẫn phải đối diện với rất nhiều cái “Không”: Không điện lưới, không mạng intertnet, không tivi, không chợ, không có sóng Vinaphone (sóng Viettel rất yếu...).

Có lẽ cũng chính vì những khó khăn trên mà bao lâu nay nhà trường không có bóng dáng của nữ giáo viên. Thầy Lê Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Cao Sơn, tâm sự: “Không có sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp nữ, các thầy vẫn ổn định bộ môn, nhưng đó lại là thiệt thòi của các em học sinh. Khi các em viết văn miêu tả về cô giáo thường khó hơn khi viết về thầy giáo, những ngày lễ thì công tác đoàn cũng không được vui vẻ và ít khi tổ chức được cho các em. Trong việc giảng dạy những môn khoa học xã hội, tiếng Việt nếu có các cô giáo thì bài giảng sẽ uyển chuyển, tốt hơn cho các em học sinh. Các em cũng sẽ biết chia sẻ nhiều hơn, cởi mở và lạc quan hơn với thế giới xung quanh”.

Thật vậy, theo lẽ thường, khi một đứa trẻ đi học đa số đều do các cô giáo dạy múa, dạy hát. Nhưng, việc này ở Cao Sơn đều do các thầy đảm nhiệm. “Trường không có cô giáo thì chúng tôi “hóa trang” thành cô giáo, tuy không giống lắm nhưng cả thầy và trò đã có những tiết học rất sôi động. Chưa hết, các thầy giáo ở đây còn thay nhau cắt móng tay, móng chân rồi chải đầu, cột tóc cho các em học sinh nữ. Các thầy bảo, công việc này là các cô làm hợp hơn nhưng dạy chữ còn làm tốt, múa hát còn “kiêm” được thì việc này không khó khăn gì. Lúc đầu thì còn bỡ ngỡ nhưng làm nhiều rồi quen – thầy Dũng nói thêm.

Sau mỗi con chữ là một sự hy sinh

Trời chuyển dần về chiều, không khí lạnh bắt đầu bao trùm, 2 chiếc xe máy rồ ga lên dốc rồi đỗ xịch giữa sân nhà công vụ. Họ là những thầy giáo được phân công đi chợ bên tận tỉnh Hòa Bình. Thầy Định giãi bày: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp. Toàn trường có 17 người đều là đàn ông nên ngoài giờ lên lớp, các thầy còn đóng vai trò “nữ công gia chánh””.

Khách đến, thầy giáo nào cũng lóng ngóng. Chẳng là lâu lắm rồi các thầy mới có khách miền xuôi lên chơi. Vẫn mặc nguyên bộ quần áo đứng lớp, họ xắn tay áo lên lao vào bếp. Theo lời các thầy, chỉ có chiều chủ nhật và sáng thứ hai là bữa ăn sung túc nhất. Vì mỗi dịp về nhà, các thầy lại tranh thủ mang theo đồ khô, như: Trứng, cá khô, thịt, mỡ lợn lên. Tuy nhiên, do đường sá đi lại khó khăn, mỗi tháng chỉ có thể về thăm nhà 1-2 lần mà số thực phẩm mang theo thường chỉ đủ dùng cho 1 tuần nên những ngày cuối tháng, bữa cơm của họ chỉ có rau rừng, mì tôm nấu làm canh. Đặc biệt, mỗi khi mưa lũ, đường sá sạt lở, nhiều thầy giáo bị “kẹt” lại trên bản không về được. Gạo hết, thức ăn không có, các thầy thay phiên nhau đi bắt cá, soi ếch, nhái và bẻ măng về tự chế biến.
178d0182857t86139l0.jpg
Trường Phổ thông Cao Sơn trên đỉnh Cao Sơn.

Cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng 17 chàng “ngự lâm” trên đỉnh Cao Sơn vẫn không một lời than vãn. Một phần vì họ luôn dặn mình phải mạnh mẽ trên hành trình “gieo chữ” gian nan. Phần khác, khi so với cảnh sống cách đây 5 - 6 năm, các thầy tự nhận mình đã may mắn hơn rất nhiều. Bao nhiêu năm qua, 17 con người từ 17 gia đình riêng với hoàn cảnh sống khác nhau gộp lại thành gia đình chung. Mỗi người góp một câu chuyện, vài lời tâm sự, người đi trước dặn dò, truyền đạt kinh nghiệm sống cho người đến sau. Hết giờ dạy, các thầy cùng nhau chơi thể thao, tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn hàng ngày. Nhìn vườn rau tràn sức sống, ít ai nghĩ rằng đó lại là thành quả và công sức do chính những người “nông dân” vẫn hàng ngày cầm phấn đứng trên bục giảng.

18h30, dưới ánh đèn tù mù, các thầy quây quần bên mâm cơm với đôi đĩa rau rừng, vài bát canh cá... và trò chuyện rôm rả. Ăn xong, người rửa bát, người vệ sinh cá nhân rồi ngồi uống cốc nước chè xanh, chia sẻ những câu chuyện đời thường. Với những người bỏ đồng bằng lên miền núi dạy học, thiếu thốn vật chất hay đường rừng hiểm nguy chỉ là chuyện nhỏ. Cảnh bố mẹ già, con thơ dại ở xuôi cùng lòng áy náy khi quăng hết gánh nặng gia đình cho vợ cáng đáng mới là nỗi băn khoăn lớn nhất. “Khó khăn thì anh em cũng phải cố vượt qua, khắc phục dần dần, chứ đã về nhà thì tuyệt đối không đưa chuyện cuộc sống và sinh hoạt nói với gia đình vì họ cũng đã vất vả lắm rồi” – thầy Dũng tâm sự.

Cũng theo lời thầy Dũng, hiện tại có thầy đã gần 40 tuổi vẫn chưa lập gia đình, không ít người hàng chục năm qua đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để bám trụ cùng các em học sinh. Những sự hy sinh này chắc chắn vượt lên trên những vật chất tầm thường. Tất cả chỉ bởi lòng yêu nghề, yêu trẻ hết lòng vì sự nghiệp “cõng chữ lên non”. Thầy Phạm Văn Tùng, 36 tuổi, quê Cẩm Thủy, tâm sự: Nhiều lần về thăm nhà, nghe giục chuyện lập gia đình mà không biết trả lời thế nào, đành nấn ná: “Để thời gian nữa hẵng hay!”.

Ở chốn rừng thiêng nước độc đêm lại càng dài và nỗi buồn, nỗi nhớ lại càng quay quắt không nguôi, nhiều đêm nằm không ngủ được, nước mắt tự nhiên rơi. Vì thế, dù sóng điện thoại chập chờn, không có internet, song mỗi thầy giáo đều cố gắng sắm cho mình một chiếc điện thoại có khả năng chụp ảnh, ghi âm. Với các thầy, đây chính là thiết bị tốt nhất để làm vơi đi nỗi nhớ gia đình. Có lẽ, những hình ảnh và âm thanh từ vợ con, người yêu đã khiến những đêm dài thương nhớ thành tình yêu công việc, tình yêu bản làng, nơi có những người dân nghèo thật thà, tốt bụng, những đứa bé hồn nhiên, trong sáng.

Sống với những người dân thật thà, chất phát, tình yêu thương gắn bó với bản làng cứ lớn dần trong họ. Với dân bản, họ vừa là một thầy giáo, một người con lại vừa như một nhà cố vấn giàu kinh nghiệm. Mỗi khi gặp chuyện gì khó khăn, khúc mắc, dân bản lại tìm đến nhờ thầy giáo giúp đỡ. Hễ khi có chuyện ma chay, cưới hỏi, dựng nhà thì tất cả thầy giáo trong trường đều tham gia với tư cách người dân trong bản. Đúng như lời thầy Định nói: “Ở đây cái gì cũng thiếu cho nên tình cảm phải thật đầy”.

Có thể nói, mỗi con chữ đến được với những bản làng vùng sâu xa, hẻo lánh này đều phải trải qua một chặng đường dài đầy gian nan, vất vả, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người thầy tâm huyết. Những người thầy ấy vẫn ngày ngày thầm lặng hy sinh hạnh phúc của riêng mình, quyết tâm mang cái chữ về bản với hy vọng ánh sáng tri thức sẽ mang lại một màu sắc mới tươi sáng hơn cho cuộc sống ở nơi này.
baothanhhoa.vn
Tin nổi bật
“Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên”; Tiếp lửa truyền thống nhân dịp kỉ niệm 70 năm Chiến...“Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên”; Tiếp lửa truyền thống nhân dịp kỉ niệm 70 năm ...
Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào...Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân ...
Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiDiễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực...Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi