Từ chối thành thị đầy đủ, 20 năm miệt mài "gánh" chữ lên vùng biên ải

Đăng lúc: 22:00:00 12/03/2023 (GMT+7)

MƯỜI TÁM, ĐÔI MƯƠI, NHÂN LÚC THANH XUÂN TƯƠI ĐẸP, BÔNG HOA RỪNG ĐẶNG THỊ HƯƠNG – VỪA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG SƯ PHẠM NGHE THEO TIẾNG GỌI CỦA CON TIM ĐI VỀ PHÍA VÙNG BIÊN GIỚI XA XÔI, HẺO LÁNH CỦA HUYỆN THƯỜNG XUÂN, TỈNH THANH HÓA. Ở ĐÓ CÓ NGÔI TRƯỜNG TIỂU HỌC BÁT MỌT 1 LẤP LÓ TRONG SƯƠNG MAI, CÓ NHIỀU ĐIỂM TRƯỜNG LẺ NGẬP MÙI ĐẤT MẸ, CÓ NHỮNG ÁNH MẮT THƠ NGÂY, LẤP LÁNH KHÁT KHAO TÌM CON CHỮ.

align: center;">cô đặng thị hương.jpg (1).jpg

Nhớ lại những năm tháng đó, cô giáo Đặng Thị Hương – giáo viên Trường Tiểu học Bát Mọt 1, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa không khỏi xúc động về quyết định của chính mình.

“Tôi sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi chúng tôi ăn học. Không phụ công lao trời biển của mẹ, vượt qua tất cả khó khăn, tôi duy trì, tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông. Vào thời điểm chuyện học chữ còn xa lạ với nhiều người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, tôi đã sớm theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo để gieo chữ trên những bản làng quê hương.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, tôi xin về công tác tại Trường Tiểu học Bát Mọt 1 - vùng đặc biệt khó khăn. Đời sống của bà con nơi đây khổ cực, cơ sở vật chất lớp học còn nhà tranh vách nứa, trang thiết bị phục vụ dạy học còn thiếu thốn, học sinh là dân tộc thiểu số, 100% là các con em hộ nghèo, đường sá đi lại khó khăn” – cô Hương nhớ lại.



Dẫu khổ cực nhưng cô giáo trẻ ngày ấy nhất mực tin vào sự lựa chọn của bản thân. Những năm đầu, cô dạy học ở điểm trường lẻ cách trường chính 7km đường rừng, trên một lớp ở đỉnh đồi. Đó là lớp học thiếu thốn đủ thứ, nhưng chưa bao giờ thiếu tình thương.

         cô đặng thị hương.jpg

Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới ngày nào ở lứa tuổi đôi mươi, lần đầu đặt chân tới bản làng biên giới để công tác, đến nay cô Hương đã gắn bó với sự nghiệp trồng người hơn 20 năm.
Cô kể, nhiều anh chị bạn bè đồng nghiệp chuyển đến trường công tác rồi chuyển đi, biết bao cuộc hội ngộ rồi chia ly, nhưng với sự cảm thông chia sẻ và tình cảm gắn bó sâu nặng với bà con nơi đây, hơn hết là tình yêu thương học trò, nhiệt huyết muốn ‘‘mang cái chữ lên non’’ nên bản thân không nỡ rời xa mảnh đất này.

“Tôi tâm niệm, sống ở đâu hay sống như thế nào không quan trọng, quan trọng nhất là có thể góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình cho quê hương, đất nước. Tôi muốn mang đến tri thức và cả niềm vui, niềm hy vọng trong cuộc sống cho các em. Cứ thế, những niềm vui và hạnh phúc của nghề dạy học được nhân lên mỗi ngày” – cô Hương cười hiền.


             cô đặng thị hương.jpg (2).jpg
 
Nhớ về những năm tháng tuổi trẻ, cô Hương không thể quên hành trình đến các điểm trường lẻ - nơi học sinh và giáo viên gặp vô vàn khó khăn. Ngày ấy, trường có đến 5-6 khu lẻ, cách điểm chính 5-7km đường rừng, đường suối. Có những điểm chỉ có thể đi bộ, luồn lách qua vách đá, lội qua những khe suối mới có thể đến dạy học. Thế nhưng, mỗi mùa lũ lụt, lớp học bị cuốn trôi, cô trò phải học dưới gầm nhà sàn.
Đến nay, các điểm trường đã được thu hẹp, đường sá bớt khổ cực, bà con có điện, giáo viên dạy chủ yếu ở điểm trường chính. Thế nhưng, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.

“Trường tôi công tác xây cách đây 20 năm, có 8 phòng học, trong đó có 6 phòng học đã đổ trần, 2 phòng học nhà cấp 4. Những đợt mưa nhiều, tường ngấm nước, trần dột; trời nắng rất nóng; sân trường lỗ chỗ nền đất. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị dạy học không được đủ đầy, trường học cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên khiến giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm nhiều việc” – cô Hương bộc bạch.

Dẫu khó khăn vất vả là vậy, nhưng cô giáo Hương vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, với học sinh và bà con thôn bản. Năm 2009, cô Hương được UBND huyện điều động về công tác tại trường tiểu học ở trung tâm, cách thị trấn Thường Xuân khoảng 3km, cách nhà cô khoảng 10km. Thế nhưng, nữ giáo viên đã nhất mực xin ở lại với học trò và bà con nơi đây.

          cô đặng thị hương.jpg (3).jpg

Cô vì yêu mà đến, vì thương mà ở lại, vì phải lòng mà hy sinh xa gia đình, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thấu hiểu khó khăn của học sinh đã thôi thúc cô nỗ lực dạy chữ, động viên học sinh đến lớp chuyên cần. Mỗi giờ lên lớp, cô Hương đều tìm phương pháp hay, gần gũi với tập quán sinh hoạt, đời sống văn hóa người dân tộc thiểu số để học sinh dễ tiếp thu bài.

Học sinh đến lớp phần lớn giao tiếp bằng tiếng dân tộc tạo "rào cản" về ngôn ngữ. Vì vậy, để học sinh miền núi có thể tiếp thu bài học, trong quá trình giảng dạy cô đã tự học tiếng dân tộc để hỗ trợ học sinh khi giảng bài. Trong mỗi giờ lên lớp, cô chú trọng việc mở rộng vốn từ, rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh; tổ chức các buổi ngoại khóa về tiếng Việt, tăng cường các hoạt động để các em được bộc lộ những suy nghĩ của mình, giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp...


Không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ học sinh khó khăn, tìm tòi phương pháp dạy hiệu quả, cô Hương còn tích cực đến các bản làng, vận động học sinh đi học chuyên cần. Ở xã vùng cao biên giới hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, học sinh phải đi cả chục cây số để đến lớp. Hơn nữa học sinh hay nghỉ học và bỏ học giữa chừng, cô Hương lại lặn lội hàng chục cây số, đến nhà học sinh nhiều lần để động viên các em đi học.

Không phụ lòng chăm lo của cô giáo, các em học sinh đã có nhiều tiến bộ trong học tập và rèn luyện. Với tất cả sự say mê, yêu nghề, cộng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, trong quá trình giảng dạy, cô Hương được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh có năng khiếu nhiều năm và đã đạt được những thành tích rất khả quan. Từ đối tượng học sinh chưa nói thạo tiếng phổ thông, năm học vừa qua có em đã đạt giải Nhì môn Tiếng Việt trong đợt giao lưu câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt cấp huyện.

Trong quá trình công tác bản thân cô Hương cũng không ngừng trau dồi, học hỏi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn. Tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào, các cuộc thi do nhà trường và ngành tổ chức.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, điều mà cô Hương tự hào nhất là tình cảm của các em học sinh dành cho cô cùng các giáo viên công tác tại đây. Mỗi mùa Hiến chương Nhà giáo, các em lại thập thò nơi cửa lớp, bạn xách đùm nếp than, bạn cầm bông hoa dại, bạn mang theo những búp măng… đến tặng cô giáo.

Với cô Hương, ánh mắt hồn nhiên trong sáng, tinh thần hiếu học của học sinh đã tiếp thêm nguồn động lực giúp cô cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình.

“Nơi đây chính là thanh xuân, là tuổi trẻ và nhiệt huyết đẹp đẽ nhất của cuộc đời tôi. Đến bây giờ tôi có thể khẳng định rằng, tôi may mắn và hạnh phúc khi được gắn bó với nơi này. Tôi chỉ mong ước học sinh và bà con nơi đây bớt khổ, các em được đến trường như bạn bè đồng trang lứa, không ai phải bỏ học. Các em sẽ học tập thật tốt để thay đổi chính số phận của mình và làm giàu đẹp quê hương, đất nước mai sau” – cô Hương cười hiền.




Nguồn: Báo Lao Động





Tin nổi bật
“Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên”; Tiếp lửa truyền thống nhân dịp kỉ niệm 70 năm Chiến...“Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên”; Tiếp lửa truyền thống nhân dịp kỉ niệm 70 năm ...
Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào...Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân ...
Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiDiễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực...Sôi nổi hội thi Rung chuông vàng học sinh, sinh viên với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Đại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núiĐại hội điểm Hội Liên hiệp Thanh niên cấp huyện, cụm miền núi