Khi nông dân làm chủ công nghệ số
Để bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, đòi hỏi người nông dân cũng phải dần thay đổi tư duy, cách làm nhằm tiệm cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh. Với tư duy mới, cách làm mới, người sản xuất nông nghiệp đã bước vào cuộc chơi lớn, làm chủ công nghệ số, đó là sự thay đổi tất yếu để phát triển.
Tại huyện Thường Xuân, nhiều trang trại trồng trọt ứng dụng công nghệ cao cũng đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc điều tiết nước tưới, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng bằng điện thoại thông minh hay các thiết bị hỗ trợ từ xa khác. Người sản xuất có thể vận hành hệ thống tưới mọi lúc, mọi nơi; có thể kết hợp nước tưới với bón phân và kiểm soát lượng phân bón đúng tỷ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất. Ông Vũ Văn Chiến, quản lý trang trại Hoàng Gia tại thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) cho biết: Trồng trọt theo quy trình truyền thống, các trang trại sẽ phải mất nhiều chi phí thuê nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn khi ứng dụng công nghệ cao, mỗi vùng sản xuất đều được giám sát theo nhật ký điện tử nên lượng dinh dưỡng được giám sát chặt chẽ, không hao phí và có tính bao quát cao mà lao động thủ công khó có thể làm được. Thay vì phải thuê cả chục lao động, nay mọi hoạt động đều có thể điều khiển từ xa. Hệ thống tưới tự động không chỉ giúp cung cấp nước mà toàn bộ phân bón sử dụng bằng chế phẩm sinh học (IMO) và các loại phân hữu cơ khác cũng được xử lý qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây...
Để khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân và HTX ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, thời gian qua, huyện Thường Xuân đã tập trung thực hiện tốt công tác tích tụ đất đai; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, chú trọng xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ và bền vững giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện Thường Xuân đã có hơn 60.000m2 nhà lưới và 2.200m2 nhà màng sản xuất rau, quả. Thông qua việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, lợi nhuận thu được cao hơn nhiều so với quy trình sản xuất truyền thống.
Có thể thấy, mặc dù mới chỉ dừng ở mức ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bắt đầu “lộ diện” ở một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xác định muốn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thành công phải bắt đầu từ người nông dân. Bởi vậy, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, giới thiệu đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số để các HTX, hội viên chủ động kết nối, lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh đã được chứng nhận 77 mã số vùng trồng xuất khẩu; 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và có nhiều sản phẩm nông sản đạt OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh.
Trong quý I và quý II năm 2023, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 40.752 lượt cán bộ, hội viên nông dân; chủ động liên kết với các trung tâm nghiên cứu, các viện khoa học, các doanh nghiệp phối hợp chuyển giao ứng dụng, sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, gắn với phát triển sản xuất theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình cây, con năng suất, hiệu quả cao. Hướng dẫn xây dựng được 39 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị ở TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, các huyện Hậu Lộc, Hà Trung... Đồng thời, tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai việc “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025” và hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử postmart.vn.
Nhờ sự chủ động, mạnh dạn thay đổi, quyết tâm đầu tư tìm ra hướng đi mới trong nông nghiệp của người nông dân cũng như sự hỗ trợ từ các cấp, sở, ngành có liên quan, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nông dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, dần bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số. Việc ghi chép nhật ký sản xuất không làm thủ công như trước đây mà được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh. Không chỉ tự động hóa trong quy trình sản xuất, marketing, tiêu thụ sản phẩm cũng dần được số hóa. Nhờ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, sản lượng rau, củ, con nuôi tại nhiều nông trại, HTX trên địa bàn tỉnh được nâng lên, giá trị sản phẩm nhờ vậy cũng tăng cao hơn so với trước.
- Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên
- Tập huấn kỹ năng kinh doanh sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn
- Dấu ấn màu áo xanh trong chuyển đổi số quảng bá di tích, danh thắng
- Ngành y tế đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân
- Thanh Hoá: Chuyển đổi số tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội
- Khi nông dân làm chủ công nghệ số
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
- Khai thác và bảo vệ dữ liệu cá nhân thời 4.0
- Thanh Hóa đang có những bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số
- Nhân rộng chuyển đổi số mô hình "3 không" tại tỉnh Thanh Hóa