Nhân rộng chuyển đổi số mô hình "3 không" tại tỉnh Thanh Hóa
Triển khai chuyển đổi số (CĐS) thí điểm mô hình "3 không" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gồm: không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công (DVC), không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền.
Theo các kết quả về các chỉ tiêu thí điểm, 4 chỉ tiêu đối với chính quyền, 6 chỉ tiêu đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) đều đạt và vượt chỉ tiêu. Nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ 100%.
4 tiêu chí đối với chính quyền, gồm: (1) Lãnh đạo, cán bộ, công chức trên địa bàn cấp xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; (2) Lãnh đạo, cán bộ, công chức được cấp chứng thư số; (3) Văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định); (4) Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Thành lập tổ công tác “3 không” do Chủ tịch phường làm tổ trưởng
Để thực hiện thí điểm mô hình, phường Điện Biên đã thành lập Tổ công tác thực hiện mô hình “3 không” do Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng, kèm theo phân công nhiệm vụ Tổ công tác phụ trách các tổ dân phố, các Phó chủ tịch được phân công chỉ đạo chủ động triển khai thực hiện theo lịch thời gian, đôn đốc, kiểm soát số lượng thành viên tham gia trong tổ, phân công, chia nhóm thực hiện đảm bảo thời gian linh hoạt, hiệu quả, đúng tiến độ.
Theo số liệu của phường Điện Biên, sau thời gian thí điểm, mô hình đã đạt được một số kết quả. Tổ công tác thực hiện mô hình “3 không” trên địa bàn phường đồng loạt đi đến từng nhà hướng dẫn cài đặt các ứng dụng (app) phục vụ mô hình “3 không”, trong đó ít nhất một thành viên trong hộ gia đình được hướng dẫn.
Tổ hướng dẫn sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID đã có để truy cập vào Cổng DVC quốc gia và thực hiện các DVCTT. Giải pháp cho việc này là tăng cường huy động tối đa lực lượng bao gồm công an phường, cán bộ, công chức, người lao động, Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ). Trong đó, các đoàn viên thanh niên, các tình nguyện viên là học sinh trường THPT Nguyễn Trãi hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân (mức 1, mức 2).
Phường cũng giao khoán chỉ tiêu từng tổ công tác theo tiêu chí “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” gắn với thời gian hoàn thành cụ thể đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo quy định, kết hợp giữa thu nhận hồ sơ căn cước công dân (CCCD) tại trụ sở công an phường với thu nhận hồ sơ CCCD lưu động là 5619/7468 (đạt tỷ lệ 75%).
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường được trang bị đầy đủ các thiết bị, hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng DVCTT cho người dân khi đến giao dịch. Đoàn Thanh niên thực hiện công trình “Thanh niên CĐS trong dịch vụ hành chính công”, đặt mã QRcode để đăng nhập và hướng dẫn chi tiết cho người dân đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến trên cổng DVC tỉnh Thanh Hóa tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ phường.
Cũng theo phường Điện Biên, tỷ lệ người dân/doanh nghiệp (DN) sử dụng nền tảng số trao đổi thông tin với các cơ quan chính quyền đạt 80%. Phường cũng đã đạt 744 người cài đặt ứng dụng ThanhhoaS, ứng dụng bảo vệ người dân trên môi trường mạng (c-m safe).
Phường đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa - đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số (CKS) (VNPT Smart-CA) cung cấp miễn phí CKS cá nhân cho người dân, nhằm phục vụ người dân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử mà không cần hiện diện ở cơ quan chức năng. Đây là mảnh ghép còn thiếu để mỗi người dân có thể thực hiện mọi hoạt động trên môi trường số.
Theo đó, tất cả các cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều đã cài đặt CKS cá nhân. Tổ công tác thực hiện mô hình “3 không” hỗ trợ cài đặt cho 774 công dân cài đặt CKS cá nhân trên ứng dụng điện thoại di động.
Về tạo tài khoản thanh toán điện tử cho người dân, người dân đã được hướng dẫn, cài đặt sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt (các ví điện tử, mobilemoney, smartbanking,…) cho nhân dân trên địa bàn phường tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND phường để thanh toán phí và lệ phí đối với các TTHC, chợ 4.0,... Phường cũng triển khai biên lai điện tử để thực hiện thu phí, lệ phí trong các trường học, trạm y tế, các DN và các cơ sở kinh doanh thay cho việc sử dụng biên lai giấy.
Phường phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, VNPT Thanh Hóa, ngân hàng, Ban quản lý chợ Điện Biên chia làm 3 tổ phụ trách các khu vực triển khai ra quân khảo sát, thống kê số lượng các hộ tiểu thương trong chợ có/chưa có tài khoản ngân hàng, hỗ trợ in mã QR code, vị trí đặt mã QR code - thanh toán không dùng tiền mặt tại các quầy hàng, các hộ, cơ sở kinh doanh, xây dựng 01/01 chợ công nghệ 4.0 (chợ Điện Biên). Theo đó, 70% các hộ tiểu thương tại chợ Điện Biên được trang bị mã QRcode phục vụ người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt.
Xã Nga Liên cấp miễn phí CKS và mã QR code giúp người dân thực hiện thành công các TTHC toàn trình
Triển khai thí điểm mô hình "3 không", xã Nga Liên đã ra quân, huy động Công an xã cùng các tổ chức chính trị - xã hội, DN viễn thông, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ người dân tạo lập tài khoản, cài đặt định danh điện tử VNeID và các ứng dụng thanh toán, cấp miễn phí CKS và mã QR code nhằm giúp người dân thực hiện thành công các TTHC toàn trình và không sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thiết yếu tại nhà văn hóa thôn.
Kết quả sau thí điểm tổng số tài khoản định danh điện tử được cấp trên địa bàn xã Nga Liên là 3.512 trường hợp (1812 trường hợp mức 1, 1702 trường hợp mức 2); Tổng số tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt trên địa bàn xã là 2.977 trường hợp (1495 trường hợp mức 1, 1482 trường hợp mức 2); Tổng số công dân được hướng dẫn đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (từ ngày 01- 18/07/2023) là 177 trường hợp (96 trường hợp mức 1, 82 trường hợp mức 2). 695 người dân đã được tạo tài khoản để khai thác, sử dụng các DVC trên cổng DVC trực tuyến của tỉnh.
Xã đã triển khai cài đặt, tạo lập tài khoản ứng dụng (app) dùng chung của tỉnh cho người dân/DN; cài đặt miễn phí ứng dụng bảo vệ người dân trên môi trường mạng là 722 người; Tạo lập, cấp chữ ký điện tử miễn phí cho 695 người dân; Tạo tài khoản thanh toán điện tử cho người dân đạt 1.800 tài khoản; Tạo mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ/cửa hàng; điểm thanh toán tiền điện là 695 người; 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức trên địa bàn cấp xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử, trong đó số văn bản có ký số lãnh đạo và cơ quan đạt tỷ lệ 100%...
Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 100%: Tổng số TTHC giải quyết tại UBND xã Nga đúng hạn và trước hạn là 100%; Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến hộ tịch đạt 100%...
Theo xã Nga Liên, trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm mô hình “3 không”, xã còn gặp một số khó khăn như: Nhận thức của một bộ phận nhân dân hiểu, sẵn sàng tiếp cận những tiện ích của mô hình “3 không” còn nhiều hạn chế, tư tưởng không muốn cài đặt nhiều app trên điện thoại; Smartphone của người dân đang sử dụng phần lớn là các loại điện thoại đời cũ, cấu hình thấp, dung lượng nhỏ nên khi cài đặt các app mất nhiều thời gian nhưng không thực hiện được.
Việc sử dụng số thuê bao chính chủ và chuyển đổi từ chứng minh thư nhân dân (CMTND) sang CCCD của mạng Viettel gặp nhiều khó khăn vướng mắc do chưa nhận được sự chỉ đạo, phối hợp. Thực tế số thuê bao của nhà mạng VNPT trên địa bàn xã Nga Liên chiếm tỷ lệ ít, phần lớn là số thuê bao của nhà mạng Viettel nên việc hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Việc cài đặt các app cho người dân mất nhiều thời gian, do việc nhận các mã OTP trả về rất chậm, dẫn đến một số người dân không chờ được lâu gây khó khăn và làm mất thời gian của người lao động.
Việc cài đặt app CKS, app nhận diện khuôn mặt cho một số dòng điện thoại cũ không cài đặt mất quá nhiều thời gian thậm chí không thực hiện được. Nguồn kinh phí địa phương không được cân đối, phân bổ để thực hiện mô hình “3 không”; chưa nhận được sự hỗ trợ về kinh phí phục vụ mô hình 3 không thí điểm từ các cấp.
Theo đó, xã đề nghị Sở TT&TT tỉnh quan tâm, hỗ trợ phân bổ kinh phí để UBND xã có nguồn phục vụ thực hiện mô hình đạt hiệu quả; Nâng cấp một số tính năng, phần mềm, giảm bớt dung lượng, tích hợp các app chung của tỉnh.
Huyện Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Quảng Xương đều đạt mục tiêu thực hiện mô hình với tỷ lệ cao
Theo thông tin của huyện Thiệu Hoá, sau thời gian thí điểm, tỷ lệ lãnh đạo, cán bộ, công chức trên địa bàn cấp xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; Lãnh đạo, cán bộ, công chức được cấp chứng thư số; Văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định); Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đều đạt tỷ lệ 100%.
Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh (smartphone) đạt 70%; Tỷ lệ người dân trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác và tỷ lệ người dân được cấp tài khoản định danh điện tử đạt 60%; Tỷ lệ người dân/DN sử dụng nền tảng số trao đổi thông tin với các cơ quan chính quyền đạt 70%...
Đối với huyện Thọ Xuân, tỷ lệ lãnh đạo, cán bộ, công chức trên địa bàn cấp xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; Lãnh đạo, cán bộ, công chức được cấp chứng thư số; Văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định) đạt 100% theo kế hoạch; Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 98% cao hơn kế hoạch là 90%.
Tỷ lệ người dân có smartphone đạt 80%, tỷ lệ người dân trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác, đạt 75,2%; Tỷ lệ người dân được cấp tài khoản định danh điện tử đạt hơn 40% dân số…
Đối với huyện Quảng Xương, tỷ lệ lãnh đạo, cán bộ, công chức trên địa bàn cấp xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử; Lãnh đạo, cán bộ, công chức được cấp chứng thư số; Văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định); Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đều đạt 100% theo kế hoạch.
Rút kinh nghiệm và triển khai mô hình toàn tỉnh
Trước các kết quả từ việc thí điểm mô hình “3 không” tại 5 xã, phường, ông Lê Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý CNTT, Sở TT&TT Thanh Hóa cho biết để giúp cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện mô hình, Sở TT&TT đã thành lập Tổ công tác cấp tỉnh, gồm thành phần các ngành, đơn vị như: Sở TT&TT, Công An tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Các DN viễn thông - CNTT.
Ngoài ra, Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các địa phương rà soát, lựa chọn DVCTT để thực hiện toàn trình theo quy định; triển khai cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng cho người dân, DN.
Tại các đơn vị này, trên cơ sở liên thông dữ liệu giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư, CSDL chuyên ngành với Cổng DVCTT, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan sẽ hỗ trợ người dân kích hoạt mã định danh điện tử mức 2, tạo lập tài khoản trên Cổng DVC, cấp chữ ký điện tử miễn phí và tạo mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tạo thuận lợi cho người dân thực hiện TTHC 100% trên môi trường mạng, không cần di chuyển đến trụ sở UBND xã hoặc UBND huyện.
- Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên
- Tập huấn kỹ năng kinh doanh sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn
- Dấu ấn màu áo xanh trong chuyển đổi số quảng bá di tích, danh thắng
- Ngành y tế đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân
- Thanh Hoá: Chuyển đổi số tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội
- Khi nông dân làm chủ công nghệ số
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
- Khai thác và bảo vệ dữ liệu cá nhân thời 4.0
- Thanh Hóa đang có những bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số
- Nhân rộng chuyển đổi số mô hình "3 không" tại tỉnh Thanh Hóa