Ngành y tế đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, những năm qua, ngành y tế Thanh Hóa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hiện đại vào các hoạt động quản lý, khám chữa bệnh (KCB) một cách toàn diện, tạo sự thay đổi tích cực trong các hoạt động của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu nâng cao chất lượng KCB một cách toàn diện, phấn đấu trở thành bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế vào năm 2024, xây dựng bệnh viện đạt các tiêu chí bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy tiến trình CĐS, hướng đến mục tiêu bệnh viện không giấy tờ, góp phần nâng cao chất lượng KCB cũng như quản lý tốt hồ sơ sức khỏe người dân.
Theo đó, cùng với đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, bệnh viện đã tăng cường ứng dụng CNTT trong KCB, bảo đảm hoạt động hệ thống CNTT phục vụ các yêu cầu trong công tác quản lý KCB và điều hành của bệnh viện; tiếp tục đẩy mạnh triển khai phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) với mục tiêu giúp cho công tác quản lý bệnh viện chuẩn hóa phương thức, quản lý mọi khâu, dữ liệu chi phí KCB phải kịp thời và chính xác, nhất là trong thanh toán chi phí KCB BHYT; tăng tốc độ xử lý thông tin, tiết kiệm thời gian phục vụ bệnh nhân; nâng cấp hạ tầng CNTT và từng bước số hóa các mẫu sổ sách, hồ sơ bệnh án điện tử, LIS, PACS, sử dụng chữ ký số trong hoạt động KCB...
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa koa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cường, cho biết: Thực hiện CĐS, tại tất cả các khoa/phòng/trung tâm trong bệnh viện đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; chữ ký số cũng được áp dụng và triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử theo phần mềm quản lý bệnh án điện tử... Cùng với đó, công tác triển khai KCB BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp cũng đã được bệnh viện thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến KCB. Mới đây, bệnh viện được UBND tỉnh lựa chọn làm mô hình điểm cấp tỉnh “KCB sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID”, thực hiện mô hình này, người bệnh không phải mang theo nhiều loại giấy tờ để chứng minh thông tin; không phải làm thủ tục cấp lại BHYT trong trường hợp thẻ BHYT bị mất, rách, hỏng hoặc hết hạn sử dụng. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tích hợp thông tin thẻ BHYT lên thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ người dân, quản lý nhà nước và cải cách TTHC theo hướng hiện đại hóa.
Tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, với ưu thế là bệnh viện mới thành lập, được Trung ương, tỉnh, ngành đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và phần mềm phục vụ CĐS cùng với nhân lực cán bộ, viên chức, người lao động dưới 40 tuổi chiếm 60 - 70%, nên việc tiếp cận triển khai CNTT rất nhanh, vì thế việc CĐS, ứng dụng CNTT vào phát triển chuyên môn sâu chuyên ngành ung bướu thuận lợi, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh ung thư. Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan Nhà nước trực thuộc Sở Y tế, cụ thể là qua phần mềm ioffice, với 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số, thực hiện kết nối liên thông với Sở Y tế và tất cả các đơn vị y tế khác trong tỉnh,... là tiền đề để bệnh viện xây dựng “bệnh viện thông minh”.
Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều bệnh viện trong chiến lược phát triển bền vững của mình cũng đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để ứng dụng CNTT, CĐS và xem đây là bước đột phá. Các bệnh viện đã áp dụng triệt để việc CĐS trong kết nối trực tuyến để đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật theo kiểu cầm tay chỉ việc, đặc biệt là hội chẩn từ xa với các chuyên gia tuyến Trung ương để xử lý những ca bệnh khó, thay cho việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Việc thực hiện CĐS cũng đang được triển khai mạnh mẽ ở các tuyến y tế cơ sở. Trong đó, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng điện toán đám mây, kết nối liên thông dữ liệu 4 cấp từ trạm y tế xã lên đến Bộ Y tế và với các đơn vị liên quan đang được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng đang tập trung triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân và phần mềm quản lý y tế cơ sở, tạo thuận lợi hơn cho công tác KCB.
Trao đổi với ông Trần Huy Quang, Chánh Văn phòng Sở Y tế, được biết, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch CĐS và thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngành y tế Thanh Hóa xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, thời gian thực hiện, trách nhiệm hoàn thành và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch Phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS năm 2023... Ngoài ra, sở cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế bảo trì, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng CNTT, cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT bảo đảm an toàn, an ninh mạng hệ thống CNTT phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ triển khai CĐS và thực hiện Đề án 06...
Tại cơ quan Sở Y tế, hiện nay đã thực hiện quản lý văn bản và hồ sơ công việc hoàn toàn trên môi trường mạng, 100% văn bản đến được tiếp nhận và luân chuyển trên hệ thống, 100% các văn bản đi đều được ký số ban hành; 71/71 đơn vị y tế cũng đã triển khai và duy trì thực hiện quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng...
Thời gian tới, ngành y tế Thanh Hóa sẽ tập trung khắc phục những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình CĐS do nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT tại đơn vị còn hạn chế. Đồng thời, tiếp tục triển khai các ứng dụng các dịch vụ, giải pháp số trong lĩnh vực y tế; tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng số hóa, mua sắm trang thiết bị, thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống máy móc, trang thiết bị; tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về CĐS cho cán bộ, y, bác sĩ... Đảm bảo thông qua việc sử dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động KCB, đem đến sự hài lòng cho người bệnh và chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
- Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên
- Tập huấn kỹ năng kinh doanh sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn
- Dấu ấn màu áo xanh trong chuyển đổi số quảng bá di tích, danh thắng
- Ngành y tế đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân
- Thanh Hoá: Chuyển đổi số tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội
- Khi nông dân làm chủ công nghệ số
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
- Khai thác và bảo vệ dữ liệu cá nhân thời 4.0
- Thanh Hóa đang có những bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số
- Nhân rộng chuyển đổi số mô hình "3 không" tại tỉnh Thanh Hóa