Quảng Xương thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số
Đăng lúc: 17:10:00 28/09/2023 (GMT+7)
Những năm gần đây, huyện Quảng Xương đã có nhiều giải pháp nhằm tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Cán bộ Huyện đoàn Quảng Xương hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ trên mã QR code.
Xã Quảng Lộc là đơn vị luôn quan tâm nguồn nhân lực cũng như đầu tư hạ tầng công nghệ số để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, mang lại nhiều tiện ích cho chính quyền và người dân. Đồng chí Nguyễn Trọng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để thực hiện có hiệu quả việc xây dựng chính quyền điện tử, xã Quảng Lộc đã thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho thành viên để triển khai thực hiện CĐS với 3 trụ cột: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Đến nay, xã Quảng Lộc đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhất là đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, người dân về CĐS. Nhằm đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn và phục vụ người dân; cán bộ xã đều có máy tính để phục vụ công tác, UBND thực hiện chữ ký số. Toàn bộ khu vực hành chính xã được lắp đặt hệ thống mạng internet và wifi, giúp cán bộ, công chức truy cập thông tin, tài liệu phục vụ hội nghị mà không cần giấy tờ, hoặc thực hiện giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng. 100% văn bản đi, đến của cơ quan được xử lý qua môi trường mạng. 100% cán bộ, công chức xã có tài khoản phần mềm văn bản điều hành tác nghiệp phục vụ công việc. Xã cũng đã đầu tư hệ thống truyền thanh không dây, lắp wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn.
Hiện tại xã chuẩn bị triển khai lắp đặt hệ thống loa thông minh với 16 cụm loa, 32 mắt camera giám sát cũng được lắp đặt tại các điểm công cộng, điểm tập trung đông người và kết nối về điểm giám sát tập trung tại công an xã, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự công cộng, ngăn chặn các hành vi trộm cắp, xả rác bừa bãi ra môi trường... Tại bộ phận giải quyết thủ tục hành chính UBND xã Quảng Lộc, đã niêm yết công khai, đầy đủ 116 thủ tục thuộc 11 lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4. Nhờ đó, tỷ lệ người dân có ý thức làm thủ tục trực tuyến ngày càng tăng, không còn tình trạng phải chờ đợi, xếp hàng tại bộ phận giải quyết thủ tục hành chính như trước đây.
Với mục tiêu hướng dẫn bà con và các đoàn viên, thanh niên tiếp cận với phương thức giao dịch trên nền tảng điện tử, thời gian qua Ban Thường vụ Huyện đoàn Quảng Xương đã triển khai và ra mắt 2 công trình thanh niên đó là: Công trình “Chuyển đổi số trong dịch vụ hành chính công”, đặt mã QR để đăng nhập và hướng dẫn chi tiết cho người dân đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa tại khu vực một cửa công sở thị trấn Tân Phong. Cùng với công trình “Chuyển đổi số trong dịch vụ hành chính công”, Huyện đoàn Quảng Xương triển khai công trình “Chuyển đổi số trong hỗ trợ thanh toán điện tử”, Huyện đoàn đã trao tặng 12 biển QR code cho các tiểu thương, hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Tân Phong, đồng thời tuyên truyền và hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các nền tảng thanh toán điện tử... Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Anh, Bí thư Huyện đoàn cho biết: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn Quảng Xương tiếp tục thực hiện chương trình CĐS, hướng dẫn các cơ sở đoàn thực hiện các công trình CĐS, qua đó cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong những năm qua, huyện Quảng Xương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp thông tin (CNTT) vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, công khai và minh bạch. Cùng với đó, chính quyền huyện Quảng Xương cũng từng bước nâng cấp kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT, đồng thời triển khai ứng dụng đồng bộ và kết nối, liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản, điều hành của Quảng Xương với trục liên thông văn bản của tỉnh; thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử và chữ ký số để số hóa các dữ liệu; ứng dụng hệ thống một cửa điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử... để huyện Quảng Xương xem xét thực hiện phát triển hạ tầng số và cơ sở dữ liệu số, cụ thể là: phát triển các hạ tầng nền tảng, phát triển cơ sở dữ liệu số, xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức huyện. Phát triển chính quyền số với các nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành. Đẩy mạnh sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, wifi công cộng, bộ chữ ký số, thực hiện khai sinh, chứng tử. Triển khai phần mềm phản ánh tương tác thông tin giữa người dân và chính quyền. Triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Triển khai ứng dụng nền tảng số lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, truyền thanh thông minh...
Trên cơ sở kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ CĐS, thời gian tới huyện Quảng Xương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, các đề án, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của các cấp về CĐS; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về CĐS với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của các cấp, ngành trên địa bàn huyện. Tổ chức các hội nghị tập huấn, các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề để nâng cao kiến thức cơ bản, kỹ năng về CĐS cán bộ, công chức, viên chức, người lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; lựa chọn những sáng kiến, cách làm, mô hình, điển hình về CĐS của các đơn vị cấp xã, của doanh nghiệp, người dân và tổ chức cho các đơn vị tham quan, học tập mô hình để rút kinh nghiệm triển khai thực hiện; nâng cấp hệ thống mạng nội bộ (LAN) tại UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đảm bảo các điều kiện để kết nối mạng diện rộng trên cơ sở mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; khai thác hiệu quả hệ thống phòng họp không giấy tờ trong việc tổ chức các hội nghị; xây dựng trang thông tin điện tử tại các xã, thị trấn phù hợp với quy định và điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ quản lý, điều hành của Nhà nước và nhu cầu của người dân...
Theo BTH
Các tin khác
- Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên
- Tập huấn kỹ năng kinh doanh sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn
- Dấu ấn màu áo xanh trong chuyển đổi số quảng bá di tích, danh thắng
- Ngành y tế đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân
- Thanh Hoá: Chuyển đổi số tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội
- Khi nông dân làm chủ công nghệ số
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính
- Khai thác và bảo vệ dữ liệu cá nhân thời 4.0
- Thanh Hóa đang có những bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số
- Nhân rộng chuyển đổi số mô hình "3 không" tại tỉnh Thanh Hóa