Từng bị trêu vì dáng đi, 8X vượt nghịch cảnh, làm điều đặc biệt giữa đại ngàn
Trên chiếc xe ba bánh cải biên do chân khuyết tật, anh Cường rong ruổi khắp nơi, nhận từng chiếc áo, bao gạo để trao tới tay người bệnh hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trưa một ngày cuối năm, ở vùng núi huyện Khánh Sơn, tiết trời se lạnh. Vơ vội chén cơm, anh Nguyễn Văn Cường (40 tuổi, kỹ thuật viên xét nghiệm Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn) mở túi hàng vừa nhận được ở miền xuôi gửi lên. Bên trong là những bộ quần áo đủ màu, mới cũ có đủ. Tỉ mẩn kiểm tra, anh đưa đi giặt, gấp gọn để đưa tới tủ đồ 0 đồng, đặt trong khuôn viên trung tâm.
Anh Cường chia sẻ, anh lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình, lối xóm. Anh chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây còn vất vả, khốn khó. Nhiều bà con đi rẫy, quần áo mỏng dính. Nhiều bệnh nhân đang điều trị, cùng người thân mặc những chiếc áo đã sờn màu, cũ kỹ… Những hình ảnh ấy khiến anh xót xa. Điều này thôi thúc anh xây dựng tủ đồ 0 đồng và bữa sáng cho mọi người.Năm 2018, anh trình bày với lãnh đạo trung tâm nguyện vọng được sẻ chia với bệnh nhân, người nghèo. Họ đồng ý. Từ đó, anh liên hệ người quen, bạn bè. Mọi người đều tán thành, hỗ trợ.
Là người khuyết tật, đi lại khó khăn, anh Cường đã cải tạo chiếc xe máy thành xe ba bánh. Sau mỗi giờ làm, hay khi rảnh rỗi, anh lại băng qua những ngọn đồi, vận động nhà hảo tâm để nhận về những bộ quần áo, thùng sữa, bao gạo… trao tới cho người cần.Từng bộ quần áo sau khi tiếp nhận được anh và vợ giặt sạch sẽ, thơm tho, rồi treo lên tủ. Các cộng sự ở đơn vị cũng ủng hộ anh. Mỗi khi ai cần, họ tới chọn. “Áo quần có thể không mới, nhưng đó là tình cảm của anh Cường và cộng đồng sẻ chia với những người khó khăn”, chị Cao Hà, 39 tuổi, ở huyện Khánh Sơn, chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, anh Cường còn xây dựng tủ bánh mì 0 đồng cho bệnh nhân, người nghèo. Nhiều người bệnh điều trị hàng tháng trời, người nhà đi theo chăm sóc, họ ít khi nghĩ tới việc ăn sáng, hay uống sữa.
Ông Trần Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, nhìn nhận mô hình thiện nguyện của anh Cường đã phần nào chia sẻ được khó khăn cho bệnh nhân khi tới điều trị, cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.. Về công việc, anh Cường có chuyên môn tốt, nhiệt tình, hòa đồng với đồng nghiệp và luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Với những hành động đẹp của mình, anh Cường được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng; Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022; Bằng khen Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022 của Hội LHTN Việt Nam.
- Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương những mảnh đời bất hạnh
- Làm giàu từ chế biến lâm sản xuất khẩu
- CÔ GIÁO HUẾ: TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ TỪ THIỆN
- Bí thư chi bộ, trưởng thôn hết lòng vì việc dân
- Những người “chăm việc Đảng, lo việc dân”
- Anh em song sinh đồng lòng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ
- Phòng khám hơn 60 năm chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí cho người lao động
- Nghỉ hưu, bà lão U80 ở TPHCM làm điều đặc biệt cảm ơn cuộc đời
- Doanh nhân vượt khó tích cực tham gia an sinh xã hội
- Chuyện về những “ngân hàng” máu sống