Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hóa - Bài 8: Một lần đến thăm nơi chôn rau cắt rốn của đồng chí Lê Khả Phiêu

Đăng lúc: 15:10:38 13/08/2020 (GMT+7)

”Nếu không có Đảng, có quân đội rèn luyện, không có dân chăm nuôi, bảo vệ thì làm sao ta có ngày hôm nay. Dù làm đến chức gì, ở vị trí cao đến mấy, không được quên quá khứ, không được quên nhân dân, ai quên quá khứ là quên chính mình”.

 105d3085948t9807l10-105d1114916t46360l0.jpg
Đồng chí Lê Khả Phiêu sinh ngày 27-12-1931 (năm Tân Mùi) trong một gia đình bần nông tại làng Rủn, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí đã trải qua nhiều chức cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam: Thiếu tướng, trung tướng, Thượng tướng và cuối năm 1997 đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Đảng. Trời! chỉ mấy năm ngắn ngủi ấy mà sao trong lòng nhân dân cả nước lưu luyến người đến thế? Bạn bè năm châu bốn biển kính trọng người mãi thế? Phải chăng cả cuộc đời đồng chí hết lòng vì dân, bốn năm làm Tổng Bí thư Đảng lại càng dốc lòng vì dân! Khi về nghỉ trong lòng đồng chí cũng đau đáu vì dân.
Tôi đã đọc tập sách “Mông mênh tình dân” của nhà báo Thanh Phong do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành. Thanh Phong khéo đặt tên cho quyển sách này đến thế! Thanh Phong càng khéo hơn khi đưa lời nói đầy tâm huyết của đồng chí Lê Khả Phiêu lên đầu trang sách rằng:
…”Nếu không có Đảng, có quân đội rèn luyện, không có dân chăm nuôi, bảo vệ thì làm sao ta có ngày hôm nay. Dù làm đến chức gì, ở vị trí cao đến mấy, không được quên quá khứ, không được quên nhân dân, ai quên quá khứ là quên chính mình”.
Làng Rủn khi xưa
Cách TP Thanh Hóa độ 12km, có một làng quê yên bình mà chân chất, đó là làng Rủn. Cứ thẳng quốc lộ 45 đến Rừng Thông, huyện lị Đông Sơn. Nơi đây, năm 1947 Bác Hồ nói chuyện với đồng bào và các nhân sỹ xứ Thanh. Hôm nay, qua đây đồi thông ngút ngàn vi vút còn vương vấn lời khuyên dạy của Người lẫn tiếng reo mừng hân hoan của người dân Thanh Hóa. Từ đây rẽ trái đi vào quốc lộ 47 chỉ vài km nữa ta gặp một biển đúc xi măng có dấu chỉ phải, biển đề: Đền thờ Lê Hy. Lê Hy là tể tướng dưới thời Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông (1663-1675). Ngõ vào đền thờ tể tướng Lê Hy cũng chính là đường vào nhà đồng chí Lê Khả Phiêu, là nơi chôn rau cắt rốn đồng chí Lê Khả Phiêu. Đền thờ tể tướng Lê Hy và nhà đồng chí Lê Khả Phiêu gần như sát mái chái hè.
Đã qua hơn 300 năm nhưng hôm nay về làng Rủn này vẫn nghe vang vọng đâu đây câu thơ của nhà văn hóa lớn Lê Hy:
“…Lỗi kia đá xếp nên ba chạch
Ty nọ miên xem đáng nửa đồng”.
Chuyến về thăm nơi chôn rau cắt rốn của đồng chí Lê Khả Phiêu lần này may sao tôi được gặp ông Nguyễn Mật là người cùng tuổi Tân Mùi là bạn học thuở tấm bé, cũng là người em bên ngoại của đồng chí Lê Khả Phiêu. Được biết thuở ấy gia đình ông Mật kinh tế có khấm khá nên được theo học hơn đồng chí Lê Khả Phiêu hai lớp. Còn gia đình đồng chí Lê Khả Phiêu thì rất nghèo: Bữa rau, bữa cháo; buổi học, buổi làm. Tuy thuở ấy cậu bé Lê Khả Phiêu rất thông minh nhưng do nghèo nên chỉ được học hết lớp sơ học yếu lược trường làng, về sau nhờ người chú cho ra Hải Phòng ở và được học thêm một lớp nữa.
Ông Nguyễn Mật rất mến khách và rất chu đáo. Ông đưa tôi đi khắp xã Đông Khê. Ông kể tôi nghe mọi chuyện ở địa phương này. Đặc biệt là chuyện về tình bạn, tình đồng môn đồng lứa với đồng chí Lê Khả Phiêu. Đầu tiên ông Mật đưa tôi ra thăm mộ ông nội đồng chí Lê Khả Phiêu, thi hài còn nằm ở cánh đồng trung tâm xã Đông Khê ngày nay. Sau đó tôi được đến viếng mộ cụ thân sinh đồng chí Lê Khả Phiêu là ông Lê Khả Phan, thọ 65 tuổi, hiện mộ được quy tụ về cạnh làng Rủn gần mộ phụ mẫu đồng chí Lê Khả Phiêu là bà Lê Thị Giàng, thọ 107 tuổi. Khi vào làng tôi được gặp bà chị ruột duy nhất còn lại của đồng chí Lê Khả Phiêu tên là Lê Thị Giờng. Tôi có nhận xét ba người: Bà Giàng (mẹ), bà Giờng (chị) và đồng chí Lê Khả Phiêu có khuôn mặt giống nhau. Thì ra thế, đồng chí Lê Khả Phiêu giống mẹ y hệt. Tôi bỗng nhớ câu: “Con gái giống cha giàu ba họ, con trai giống mẹ khó ba đời”. Tôi ước ao đồng chí Lê Khả Phiêu sẽ sống được giống mẹ (107 tuổi). Nào ngờ nay đồng chí qua đời ở tuổi cửu tuần.
Tôi và ông Nguyễn Mật đang đèo nhau bằng xe máy đi dạo đến cuối xã Đông Khê thì một cơn mưa rào ập đến. Mưa xối xả như trút nước xuống hồ Rủn làm mặt hồ như nát vụn hàng triệu triệu mảnh. Gió vò đầu các dãy tre tóc lá bơ phờ. Mưa gió như đẩy những chiếc xe ô tô nhanh về thành phố.
Tạnh mưa, trời làng Rủn, trời Đông Khê lúc này lại trong vắt. Những lũy tre lại nghiêng mình soi gương hồ Rủn. Những đàn cá lại vẫy đuôi tung tăng sóng sánh mặt hồ. Bầy cò trắng nghiêng cánh soi mình xuống hồ Rủn thướt tha duyên dáng.
Ông Nguyễn Mật lại dẫn tôi tiếp tục đi, lại kể chuyện: Từ ngàn xưa cạnh hồ Rủn có một cái giếng khơi đường kính độ 10m. Bên cạnh giếng này có một gò đất hình tháp bút chạm đầu vào giếng. Người xưa bảo rằng: Cái giếng là lọ mực, nghiên mực, còn vệt đất kia là tháp bút. Vì vậy ở đây còn lưu giữ câu thơ rằng:
 “Tiền đường thiên tạo tam thai án
Hậu dẫu tinh lang ngũ tích phù
Bút kình thiên hữu nghiên thiên tạo
Tôi được ông Mật dịch cho nghe rằng:
… “Tam thai án có thời thiên nhiên
Ngũ tích nổi lên ứng thánh hiền
Cái bút, cái nghiên trời sắp đặt
Ba dòng nước tụ tựa non tiên”
Ngày xưa qua mau Rủn, qua cây cầu đá 36 nhịp, dài 72m bắt bằng 108 tấn đá có trọng lượng hàng trăm tấn. Phía Tây cầu có một vùng đất rộng mênh mông, cây cối um tùm, đó là bãi cúng thần nông. Nơi đây còn có đền thờ “Đức Thánh Phổ Minh”, “ngự chính thần Kim Quy”. Cả vùng rừng cây um tùm này quanh năm chim muông tụ về rả rích. Vào sâu giữa rừng cây có một ngôi Nghè, có tiền đường đường bằng gạch ngói 5 gian, bên trong có Chính Tẩm, Long Ngai, Hòm Sắt.
Làng Rủn bấy giờ còn có Đền thờ “Đức Khổng Tử”, đây là cái nôi khuyến học sản sinh ra nhà văn hóa Lê Hy, Tể tướng Lê Hy. Lúc bấy giờ nếu đứng trên giữa cầu đá 36 nhịp, 72m, người ta chứng kiến làng Rủn có đủ: Tam Thai án, Ngũ Tích Phù, Khe Tam Tuyền, Chợ Rủn, Bến Tiên và các Chùa đền, Miếu mạo.
Làng Rủn xưa quả là một vùng địa linh nhân kiệt, hội tụ đủ các bản sắc văn hóa truyền thống của một làng quê Việt Nam.
Đôi bạn thuở ấu thơ
Ông Nguyễn Mật, mới lần đâu gặp nhau mà để lại trong tôi một dấu ấn quý trọng. Ban đầu tôi đến Công sở xã Đông Khê, sau khi xuất trình giấy tờ và nêu yêu cầu công tác, Chủ tịch xã nói ngay: “việc này tôi phải trực tiếp đưa Bác đến gặp ông Nguyễn Mật, vì ông Nguyễn Mật là bạn học thuở tấm bé với đồng chí Lê Khả Phiêu. Ông Nguyễn Mật cùng tuổi với đồng chí Lê Khả Phiêu mà người còn khỏe, rất tinh anh, tỉnh táo. Bác Mật là người uy tín trong xã, trong làng từ trước tới nay. Bác Mật là người chắp bút viết lịch sử xưa và nay, và là người ghi chép lại gia phả họ Lê Khả”.
Tôi vừa bước vào sân, bác Mật từ nhà vội bước xuống đưa hai tay cho tôi bắt rất nhiệt tình: Vâng, tôi và anh Phiêu là tuổi Tân Mùi đây. Chúng tôi cùng bạn học vui chơi với nhau từ tấm bé.
Câu chuyện hai chúng tôi được bắt đầu từ thuở nhỏ đồng chí Lê Khả Phiêu ở làng Rủn. Trước khi gặp ông Mật tôi cứ nghĩ đến đồng chí Lê Khả Phiêu lúc nhỏ hẳn lém lỉnh và nóng nảy lắm. Giờ ông Mật kể lại khác hoàn toàn.
...Khi nhỏ Lê Khả Phiêu là người rất hiền lành, ít nói. Lũ con trai chúng tôi đi đường nghịch ngợm Lê Khả Phiêu không hề tham gia, không hề phản ứng mà chỉ nhìn chăm chăm và nhoẻn miệng cười. Ở trường đến giờ ra chơi, lũ chúng tôi tung tăng chạy nhảy khắp sân, nhưng Lê Khả Phiêu chỉ đứng tựa gốc cây quan sát và cười hưởng ứng. Có đứa bạn nào đến xô Lê Khả Phiêu một cái, cậu Phiêu chỉ chạy tránh né. Ở lớp các bạn rất nể Lê Khả Phiêu vì Phiêu học giỏi, luôn đạt điểm cao. Cậu học trò Lê Khả Phiêu ấy lại rất quý bạn bè. Bạn nào bị té ngã Lê Khả Phiêu vội chạy lại đỡ bạn đứng dậy. Khi có củ khoai, quả ổi, củ sắn, bắp ngô…cậu bé Phiêu sẵn sàng chia đều cho các bạn cùng hưởng.
Tôi đến thăm hỏi bà Lê Thị Giờng (chị ruột đồng chí Phiêu), bà cũng kể rằng: Lúc nhỏ cậu Phiêu là đứa trẻ rất ngoan, không hề làm phật ý cha mẹ và chị. Bố mẹ tôi và tôi không bao giờ phải chửi bới hoặc đánh đập cậu Phiêu. Đặc biệt cậu có lòng thương yêu mọi người. Khi đó có khi trong nhà chỉ còn có một rổ khoai, gặp hành khất vào cổng ngửa tay xin, cậu ấy vội vàng vào lấy vài ba củ đem cho. Cậu ấy có gì ăn nấy, có gì mặc nấy không bao giờ vòi vĩnh cha mẹ.
Bà Giờng đã gần 100 tuổi vẫn khỏe, nhưng tính tình nhiều khi bất thường, đang nói chuyện với tôi bình thường, bỗng nhiên và la lớn: “Các cháu bọn bay đâu rồi, ra mở cửa cho cậu vào”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Cậu nào ạ?”. Bà Giờng nói ngay rằng: “Đó là cậu Phiêu đang gọi ngoài cổng”. Mọi người chúng tôi cười vỡ lẽ. Các cháu bà kể lại rằng: Nhiều đêm bà vẫn thế, giữa khuya bà gọi các cháu: “Chúng mày ra mở cửa cho cậu”.
Ông Mật lại đưa tôi đi khắp 4 thôn trong xã Đông Khê. Trường nối tiếp các trường: Mẫu giáo, cấp 1, phổ thông cơ sở, kia công sở cao tầng. Làng Rủn, bây giờ số đông đã xây 2, 3 tầng rất mô đéc. Tôi ngõ ý khen, ông Mật nói ngay: “ Xã Đông Khê tôi trước nay là xã thuần nông lấy đâu ra mà giàu có, đó là những nhà có con em đi xuất khẩu lao động cả đấy”.
Đến cánh đồng làng rộng bao la, ông Mật kể rằng: “ Khi xưa lớp chúng tôi và anh Phiêu ngày ngày vẫn rủ nhau ra đây xúc tép, bắt cua. Chúng tôi chia nhau mỗi đưa một lối đi, cuối buổi tụ tập về bờ hồ Rủn bơi tắm. Những buổi trưa về, Lê Khả Phiêu thường kiểm tra giỏ của từng trẻ, đưa nào bắt được tép quá Lê Khả Phiêu lại san cho thêm rồi tất cả cùng cười, cùng thi nhau nhảy ầm xuống hồ cười rả rích. Đặc biệt là những ngày đi chăn trâu bò, leo trèo hái ổi; lúc nào Lê Khả Phiêu cũng nhanh nhảu leo lên cao hái những quả chín nhất ném xuống cho bạn ăn trước, còn mình ăn sau”.
Ông Mật còn chuyện tiếp: Từ nhỏ ăn Phiêu rất thích ăn tép đồng, ăn cá cỏn con bằng hạt bưởi kho mặn.
Tôi cứ tưởng sau khi anh thành Tướng, thành Tổng Bí thư sẽ được hưởng những bữa cơm cao lương mỹ vị, sẽ quên tép đồng. Nhưng không nhiều lần tôi ra chơi nhà, anh ấy vẫn coi tép đồng là vị khoái khẩu nhất.
Ông Mật còn kể tôi nghe rất nhiều về tuổi thơ Lê Khả Phiêu mà tôi không ghi hết ra bài viết này được. Còn một nhận xét về tính tình Lê Khả Phiêu mà chính ông Mật cũng không lý giải được: “Từ nhỏ anh Phiêu rất ít nói, rất ít bộc lộ tình cảm lòng mình. Anh ấy chỉ hay quan sát và cười tủm. Phải chăng anh ấy để tích góp lại lòng mình những điều chín chắn…”.
Từ lâu tôi đã được đọc rất nhiều về bài viết Lê Khả Phiêu, nhất là sau khi ông lên làm Tổng Bí thư Đảng. Tôi chưa được đọc những mẫu chuyện trong chiến đấu trên các chiến trường của đồng chí Lê Khả Phiêu. Tôi vẫn chờ nhật ký của ông. Bây giờ tôi mới tiếc, ông Đại tá Vũ Nhẫn, thương binh hạng đặc biệt ngụ cư tại Phường Đông Sơn, Thành phố Thanh Hóa và ông Đại tá Lê Tâm ở xã Xuân Quang huyện Thọ Xuân. Cả hai vị tá này là bạn chiến đấu nhiều năm trên chiến trường của đồng chí Lê Khả Phiêu. Tôi biết hai vị Đại tá này là kho thư viện về tình bạn chiến đấu của đồng chí Lê Khả Phiêu. Rất tiếc hai vị Đại tá trên đã qua đời. Hôm nay một điều thương tiếc lớn lao nữa với tôi, với nhân dân Thanh Hóa và với đồng bào cả nước khi được báo tín đồng chí Lê Khả Phiêu đã qua đời vào lúc 2h52 phút ngày 7-8-2020.
Xúc cảm trước linh hồn đồng chí tôi tác giả của bài viết này xin gửi hai câu thơ đưa tiễn đến linh hồn đồng chí rằng:
Dân thương vị lãnh đạo thượng tôn tâm đức
Đảng tiếc người đồng chí cần kiệm chính liêm”.


Nguồn : Báo Thanh Hóa
Tin nổi bật
Cụm đồng bằng: Hội nghị giao ban công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024Cụm đồng bằng: Hội nghị giao ban công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024
Hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Miền núi và Cụm Trực thuộc năm...Hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Miền núi và Cụm Trực thuộc năm 2024
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh HóaPhó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa
Hơn 5.000 vé máy bay, ô tô miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán 2025Hơn 5.000 vé máy bay, ô tô miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán 2025
Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đối thoại với thanh niên theo Luật Thanh niên 2020Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đối thoại với thanh niên theo Luật Thanh niên 2020