Tượng đài Chiến khu Ngọc Trạo. Ảnh: Xuân Hùng
Nhân dân các dân tộc huyện Thạch Thành có truyền thống yêu nước, cách mạng. Truyền thống chống giặc ngoại xâm của Nhân dân Thạch Thành đã được sử sách ghi lại từ thời Lý khi Lý Nam Đế đi đánh giặc qua đây đã được Nhân dân giúp sức. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, Thạch Thành cùng với các huyện Nga Sơn, Hà Trung đã trở thành hậu phương quan trọng cung cấp người và của cho nhà Trần đánh thắng giặc. Thời nhà Hồ, Nhân dân đã đem binh giúp vua xây thành, đắp lũy, làm đường, xây dựng phố xá, trạm truyền thư gọi là đường Thiên Lý. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhờ sự giúp sức của quân và dân Thạch Thành, Bình Định vương Lê Lợi đã đánh thắng giặc nhiều trận trên mảnh đất này. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, Nhân dân Thạch Thành đã tham gia vào nghĩa quân của Tống Duy Tân khi ông đến Ngọc Trạo lập ấp, xây dựng căn cứ chống Pháp.
Từ vị trí chiến lược, tầm quan trọng của vùng đất, con người Thạch Thành, hội nghị Tỉnh ủy mở rộng (6-1941) tại làng Phúc Tĩnh (Yên Định), bàn giải pháp xây dựng căn cứ địa cách mạng tại khu vực phía Tây Thanh Hóa và Tỉnh ủy đã chọn vùng đất Thạch Thành để xây dựng cơ sở cách mạng của tỉnh. Ngay sau hội nghị, đoàn cán bộ gồm các đồng chí Trần Tiến Quân, Đặng Văn Hỷ, Đặng Châu Tuệ đã đến khu vực Ngọc Trạo (Thạch Thành), xây dựng cơ sở cách mạng làm chỗ dựa cho việc hình thành căn cứ cách mạng của tỉnh. Ngày 10-7-1941, 11 chiến sĩ du kích lên Ngọc Trạo chuẩn bị điều kiện tư tưởng, tổ chức để hình thành chiến khu. Cuối tháng 7–1941, Tỉnh ủy và cơ quan ấn loát về chiến khu. Ban lãnh đạo chiến khu được thành lập gồm 3 đồng chí (Đặng Châu Tuệ, Đặng Văn Hỷ, Trần Tiến Quân), do đồng chí Đặng Châu Tuệ phụ trách. Quần chúng cách mạng trong tỉnh tích cực quyên góp lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men ủng hộ chiến khu. Nhân dân làng Ngọc Trạo, tổng Trạc Nhật đã nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, chiến sĩ của chiến khu bằng tất cả tinh thần và lực lượng của mình. Ngày 18-9-1941, trước nguy cơ chiến khu bị lộ, ban chỉ huy quyết định chuyển toàn bộ về hang Treo. Ngày 19-9-1941, tại hang Treo, đội du kích của chiến khu gồm 21 chiến sĩ, do đồng chí Đặng Châu Tuệ chỉ huy, được thành lập. Đây là đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Sau đó ít lâu, toàn bộ lực lượng của chiến khu lại chuyển về Ngọc Trạo. Đội du kích đã chọn đồi Ma Mầu làm vị trí tập luyện. Để tăng cường lực lượng, Tỉnh ủy quyết định phát triển lực lượng vũ trang của chiến khu lên 500 chiến sĩ. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 6-10-1941, gần 100 chiến sĩ tự vệ các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định đã tập trung về khu vực Đa Ngọc (xã Yên Giang, huyện Yên Định) tập luyện để tăng cường cho Ngọc Trạo. Sáng ngày 19-10-1941, chính quyền thực dân phong kiến đã huy động lực lượng quân sự chia thành ba mũi bao vây, tấn công chiến khu. Các chiến sĩ Ngọc Trạo với súng kíp và dao kiếm đã dũng cảm tổ chức chiến đấu. Chiến sĩ Cao Ngọc Oanh chém tên lính mang số hiệu 44 trọng thương và cướp khẩu súng Mút Cơ Tông. Đồng chí Phạm Văn Hinh, chỉ huy tổ trinh sát chiến đấu bị thương nặng, biết mình không qua khỏi đã tự nguyện hy sinh để đồng đội có điều kiện phá vòng vây của quân thù. Trước sức chiến đấu mãnh liệt của chiến sĩ Ngọc Trạo, chiều hôm đó, quân địch do tên Phờ-lơ-tô, chánh mật thám Bắc Kỳ, chỉ huy phải rút ra ngoài khu vực Ngọc Trạo. Lợi dụng tình thế có lợi, quân ta đã rút ra khỏi Ngọc Trạo, chuyển về khu vực Cẩm Bào - Xuân Áng (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc). Mặc dù bị quân thù bao vây lục soát, nhưng Nhân dân Cẩm Bào - Xuân Áng, không hề khiếp sợ, một lòng che giấu, nuôi dưỡng, bảo vệ các chiến sĩ Ngọc Trạo.
Chiến khu Du kích Ngọc Trạo là cái nôi nuôi dưỡng và phát triển tình cảm gắn bó keo sơn giữa Đảng với Nhân dân, trở thành động lực, sức bật mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh trường kỳ anh dũng chống áp bức và chống xâm lược; để lại ấn tượng không phai mờ về hình ảnh một đội quân cách mạng Trí - Dũng - Nhân, những người con ưu tú từ Nhân dân mà ra, hết lòng quả cảm vì mục tiêu giải phóng dân tộc. Những chiến tích hào hùng và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo là dấu son đậm nét tô thắm truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc ta.
Với vị trí, ý nghĩa to lớn của Chiến khu Du kích Ngọc Trạo, năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đã cấp bằng công nhận Chiến khu Du kích Ngọc Trạo là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Truyền thống, giá trị cao quý của Chiến khu Du kích Ngọc Trạo mãi mãi là niềm tự hào được Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa giữ gìn, phát huy. Truyền thống đó là sức mạnh tinh thần vô giá, là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước góp phần làm nên những thành tích chung của tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ cách mạng.
Trong thành tích chung của tỉnh Thanh Hóa, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Thạch Thành rất tự hào với những đóng góp của mình. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng ngàn thanh niên các dân tộc trong huyện đã hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; trong đó, 1.759 người con ưu tú đã hy sinh, 881 thương binh đã để lại một phần xương máu của mình ở chiến trường vì nền độc lập tự do của dân tộc; có 139 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng; 6 người con ưu tú của Thạch Thành được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 9.759 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, 257 Huân chương Chiến công, 5.763 Huân chương Giải phóng, 5.947 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 512 dũng sĩ diệt Mỹ. Để ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Đảng bộ và Nhân dân huyện Thạch Thành và 4 xã Ngọc Trạo, Thành Hưng, Thạch Long, Thành Vân, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Thực hiện đường lối đổi mới, hơn 35 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thạch Thành đã năng động, sáng tạo, vận dụng các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự lực, tự cường, đổi mới nền kinh tế của huyện theo hướng kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ; quốc phòng - an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng và phát triển, đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước được nhân rộng, mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo ra tiền đề vững chắc để huyện Thạch Thành tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Từ những thành tích mà đảng bộ và Nhân dân các dân tộc đạt được trong thời kỳ đổi mới, huyện Thạch Thành vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ, Nhân dân huyện Thạch Thành đã nỗ lực, cố gắng vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng vững mạnh toàn diện; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện nghiêm túc. Kinh tế tăng trưởng khá cao, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 15,6%; tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 gấp 3,09 lần giai đoạn 2011-2015; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 42,9 triệu đồng/năm. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Công nhân Công ty TNHH S&H Vina Thạch Thành trong ca sản xuất.
Ảnh: Hùng Cường Đạt được những kết quả đó là nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện của Trung ương, của tỉnh; sự chia sẻ, động viên, cổ vũ của các cấp, các ngành, các địa phương trong và ngoài tỉnh; đặc biệt là sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Phát huy truyền thống quê hương Chiến khu Du kích Ngọc Trạo và truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Thạch Thành tiếp tục đoàn kết, với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, thực hiện có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, nghị quyết đại hội đảng các cấp. Với trọng tâm là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ; phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khai thác tiềm năng lợi thế của huyện nằm trong trung tâm kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phấn đấu trở thành đơn vị dẫn đầu các huyện miền núi trong tỉnh. Theo đó, huyện tập trung thực hiện có hiệu quả 4 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá và thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đề ra. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện để đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 15,1%; thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2025 đạt 73 triệu đồng/năm; tỷ lệ tăng thu ngân sách hàng năm 15% trở lên. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch, kế hoạch và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả việc quản lý theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện có hiệu quả khâu đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và công tác giải phóng mặt bằng. Tiếp tục tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ cao, theo chuỗi giá trị; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của huyện. Quan tâm phát triển vùng cây ăn quả tập trung theo quy hoạch, phấn đấu để huyện Thạch Thành trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh. Đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện sẽ dành nguồn lực, tạo mọi điều kiện về vật chất, tinh thần, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cùng hướng về thôn, khu phố; xây dựng thôn nông thôn mới, thôn nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng khu phố văn minh; để các thôn, khu phố trên toàn huyện trở thành những vùng quê đáng sống. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, xây dựng đô thị văn minh theo hướng hiện đại.
Đi đôi với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, thực hiện tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, quan tâm phát triển du lịch, nâng cao chất lượng các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ ở tất cả các khâu, nhất là khâu đánh giá cán bộ và điều động, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm chính xác, khách quan, khoa học. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, đạo đức cách mạng, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ, có sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ.
Từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ do đại hội đảng các cấp đề ra, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa.
Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, huyện Thạch Thành rất mong được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện của Trung ương, của tỉnh; sự chia sẻ, động viên, trao đổi kinh nghiệm của các huyện, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh; sự nỗ lực cố gắng, chung tay góp sức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, Nhân dân và con em Thạch Thành trên mọi miền Tổ quốc, cùng hướng về quê hương để xây dựng huyện Thạch Thành ngày càng giàu về kinh tế, đẹp về nếp sống văn hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xứng đáng với truyền thống Chiến khu Du kích Ngọc Trạo.
Nguồn: Báo Thanh Hóa
Bùi Thị Mười